Đề án Sữa học đường nhận phản hồi tích cực

.

Đề án Sữa học đường giai đoạn 2018-2020 đến nay đã được phụ huynh thành phố đồng tình hưởng ứng, nâng tỷ lệ trẻ mầm non công lập uống sữa của đề án đạt trên 94%.

Trẻ mầm non hào hứng uống sữa học đường. Ảnh: NGỌC PHÚ
Trẻ mầm non hào hứng uống sữa học đường. Ảnh: NGỌC PHÚ

Bà Đặng Thị Cẩm Tú, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT thành phố cho biết, những ngày đầu thực hiện đề án Sữa học đường gặp khá nhiều khó khăn, bởi đa phần phụ huynh còn ái ngại, chưa hiểu hết ý nghĩa nhân văn của đề án. Vì vậy, ngành GD-ĐT phối hợp với các ngành, các cấp đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức; trong đó, thông qua các buổi họp cha mẹ học sinh, giáo viên tuyên truyền ý nghĩa của đề án, đến nay, mọi chuyện đã thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (34 tuổi, trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu), công nhân khu công nghiệp Hòa Khánh bộc bạch: “Hồi đầu, khi được cô giáo thông báo đăng ký cho con uống sữa học đường, tôi cũng hơi ái ngại, bởi thú thật tôi chưa tin tưởng vào chất lượng sữa nhiều lắm. Tuy nhiên, sau khi đăng ký cho con tham gia, thấy con phát triển tốt và đặc biệt giảm được một khoản chi phí sữa hằng tháng cho con, tôi cảm thấy khá hài lòng”, chị Hồng nói.

Ông Phan Hữu Dũng, Phó phòng GD-ĐT huyện Hòa Vang cho biết, số lượng phụ huynh đăng ký tham gia chương trình tại địa bàn đã dần tăng lên từng tháng. Đến nay, tại 19 trường mầm non (15 trường công lập, 4 trường tư thục) và 11 nhóm, lớp độc lập tư thục trên địa bàn với 6.765 trẻ đã tham gia uống sữa học đường, đạt tỷ lệ 97,5%. “Chương trình Sữa học đường không chỉ có ý nghĩa nhân văn và ý nghĩa xã hội to lớn đối với sự phát triển của trẻ mà còn giúp giảm bớt các gánh nặng về tài chính đối với gia đình”, ông Phan Hữu Dũng nhìn nhận.

Đồng quan điểm, bà Hoàng Thị Lý, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoàng Anh (quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, gần 2 năm thực hiện đề án Sữa học đường và cùng với chế độ dinh dưỡng hợp lý, 100% trẻ mẫu giáo tại Trường mầm non Hoàng Anh có chiều hướng phát triển tích cực, trẻ tăng cân, tăng chiều cao đều đặn. Đặc biệt, số trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thể thấp còi tháng 10-2018 là 3,5% đến tháng 10-2019 chỉ còn 1,8% (giảm 1,7%), một số bệnh tật do thiếu dinh dưỡng được hạn chế. Bà Lý cho biết, nhà trường triển khai đề án Sữa học đường từ tháng 8-2018 đến nay đã thu hút 100% phụ huynh tự nguyện đăng ký con em tham gia.

Theo đề án, đối tượng uống sữa học đường là trẻ mẫu giáo từ 3-6 tuổi của các trường mầm non, mẫu giáo, nhóm lớp độc lập tư thục; trẻ mẫu giáo học tại các cơ sở giáo dục (trường chuyên biệt, trung tâm khuyết tật trực thuộc ngành giáo dục) và các cơ sở bảo trợ xã hội (trực thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) trên địa bàn thành phố. Đến nay, toàn thành phố có 204 đơn vị, trường học tham gia đề án Sữa học đường, với 40.952/51.680 trẻ, đạt tỷ lệ 79,2%; trong đó trường công lập 21.400/22.652 trẻ, đạt tỷ lệ 94,5%; trường ngoài công lập đạt 14.516/21.422 trẻ, đạt tỷ lệ 67,8%. Trẻ thuộc đối tượng dân tộc thiểu số, trẻ khuyết tật, mồ côi cha, mẹ; gia đình cận nghèo, gia đình chính sách, cha mẹ là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp... được thành phố hỗ trợ  ngân sách từ 68% - 78%, phía công ty sữa hỗ trợ 22%. Đó là một trong những nét nhân văn nổi bật của đề án.

Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Lê Thị Bích Thuận cho rằng, sau 2 năm triển khai thực hiện đề án Sữa học đường đại trà tại các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở bảo trợ xã hội và trung tâm khuyết tật, sở đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ xã hội và tạo sự phấn khởi cho phụ huynh, đặc biệt là những phụ huynh là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp-khu chế xuất, phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn. Trẻ đi học chuyên cần, ít ốm đau và tỷ lệ ra lớp tại các cơ sở tăng lên rõ rệt từ 85-90%. “Thời gian tới, Sở GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền đến cha mẹ trẻ và cộng đồng, giải thích rõ mục tiêu, nhiệm vụ và tính nhân văn của đề án; thực hiện công khai, minh bạch và đúng đối tượng được thụ hưởng, thông báo phần kinh phí phụ huynh đóng góp theo từng đối tượng. Trong đó đặc biệt tăng tỷ lệ trẻ tham gia đề án đối với các trường mầm non ngoài công lập và các nhóm trẻ độc lập tư thục lên 90% toàn thành phố”, bà Lê Thị Bích Thuận cho biết.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.