Đại học Đà Nẵng: Không tổ chức kỳ thi riêng, tránh áp lực cho thí sinh

.

Sau khi tổ chức họp lấy ý kiến các đơn vị thành viên, các đơn vị trực thuộc về phương án tuyển sinh năm 2020, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã có một số điều chỉnh tuyển sinh năm học 2020-2021. Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, TS. Trần Đình Khôi Quốc (ảnh), Trưởng ban Đào tạo, ĐHĐN, khẳng định các phương án được ĐHĐN đưa ra cơ bản không quá nhiều xáo trộn, tránh áp lực cho thí sinh.

* Ông có thể cho biết những thay đổi trong phương án tuyển sinh năm học 2020-2021 của ĐHĐN khi năm nay không còn kỳ thi THPT quốc gia?

- Sau khi tổ chức họp lấy ý kiến các đơn vị thành viên, các đơn vị trực thuộc về phương án tuyển sinh năm 2020, ĐHĐN quyết định chốt 4 phương thức tuyển sinh, về cơ bản không có nhiều thay đổi, ĐHĐN không tổ chức kỳ thi riêng.

Phương thức 1 là xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và đề án tuyển sinh của từng trường đại học thành viên, các đơn vị đào tạo trực thuộc ĐHĐN.

Với phương thức này, các trường đại học thành viên, các đơn vị đào tạo trực thuộc sẽ nghiên cứu điều chỉnh, mở rộng đối tượng xét tuyển. Phương thức 2 là xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHĐN phối hợp với Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức; phương thức này không có thay đổi so với công bố trước đó.

hương thức thứ 3 là xét tuyển dựa trên học bạ THPT. Phương thức này sẽ có sự điều chỉnh so với đề án tuyển sinh mà các trường đã công bố trước đó về cách tính điểm. Cụ thể, ĐHĐN sẽ sử dụng kết quả của 5 học kỳ gồm lớp 10, lớp 11 và 1 học kỳ  lớp 12 để xét điểm của các tổ hợp môn thay vì dựa theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia.

Phương thức cuối cùng là phương thức thay thế cho phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THTP quốc gia được công bố trước đó. Ở phương thức này sẽ có hai hướng: hướng thứ nhất xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, hướng thứ hai kết hợp kết quả giữa kỳ thi THPT với học bạ, vì có một số môn thi tốt nghiệp THPT không có. Các trường căn cứ tùy theo đặc điểm từng ngành để có thể quyết định xét tuyển theo hai hướng này.

Ngoài ra, các trường cũng sẽ điều chỉnh tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh ở các phương thức. Trước đây, các chỉ tiêu tuyển sinh ĐHĐN công bố thì phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả đa số theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia từ 60- 80%, giờ sẽ điều chỉnh trong số này lại.

Tùy theo đặc điểm của từng ngành, các trường cũng sẽ quyết định chọn sử dụng bao nhiêu phương thức xét tuyển, có thể là 2, có thể 3 hoặc chọn cả 4 phương thức. Về chi tiết cụ thể đối với phương thức xét tuyển học bạ và phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường phải đợi Bộ GD-ĐT công bố quy chế tuyển sinh mới theo đó thực hiện chứ không thể lấy quy chế năm ngoái áp cho năm nay.

* Tại sao ĐHĐN không tổ chức kỳ thi riêng, thưa ông?

- ĐHĐN có thuận lợi là số lượng thí sinh đông, từng có kinh nghiệm tổ chức kỳ thi riêng. Nhưng do nhiều lý do, ĐHĐN tính toán và đi đến quyết định không tổ chức kỳ thi riêng. Thứ nhất, hiện nay, tình hình Covid-19 tại Việt Nam đã có dấu hiệu khả quan nhưng tình hình thế giới còn khá phức tạp, chưa biết đến khi nào chấm dứt. Hơn nữa, mỗi năm lượng thí sinh dự tuyển vào ĐHĐN khá đông, riêng năm 2019 có hơn 100.000 nguyện vọng, kỳ thi riêng thì lượng thí sinh đổ về khá đông, gây áp lực xã hội.

Thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Ảnh: NGỌC HÀ
Thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Ảnh: NGỌC HÀ

Thí sinh năm nay có kỳ nghỉ khá dài, phải học trực tuyến cho nên nếu tổ chức thêm một kỳ thi nữa thì sẽ gây áp lực lớn cho thí sinh. Đồng thời, từ nay đến thời gian thi THPT và tuyển sinh chỉ còn hơn 4 tháng, quá cập rập để chuẩn bị một kỳ thi riêng sẽ dẫn đến không bảo đảm về chất lượng.

* Vậy việc thay đổi trong phương án tuyển sinh năm học 2020-2021 có ảnh hưởng đến chỉ tiêu tuyển sinh cũng như chất lượng đầu vào của các trường hay không?

- Số lượng thí sinh dự tuyển theo tôi không ảnh hưởng bởi thí sinh đã có quá trình chuẩn bị lâu dài. Nhưng về chất lượng đầu vào, chắc chắn có ít nhiều ảnh hưởng, nhất là ở phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THTP và xét tuyển học bạ. Bởi kỳ thi THPT quốc gia trước đây là kỳ thi chung, được giám sát chặt chẽ, đề thi có sự phân hóa cao…; điểm học bạ của các trường khu vực đô thị, nông thôn, miền núi có như nhau hay không cũng khó đánh giá. Tuy nhiên, chúng tôi đã xác định năm nay là một năm “bất thường” phải chấp nhận.

Song chúng ta hy vọng đề thi THPT năm nay vẫn sẽ là căn cứ để xét tuyển. Ngoài ra, các trường cũng chuyển dần tỷ lệ tuyển sinh sang xét tuyển học bạ với 5 kỳ học là quá trình nỗ lực lâu dài của mỗi thí sinh, có thể tin tưởng và chấp nhận được trong điều kiện hiện nay.

 NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.