Giữ an toàn cho trẻ

.

Trường học đóng cửa, trẻ bị hạn chế ra khỏi nhà đề phòng lây nhiễm Covid-19. Những đứa trẻ vốn đã quen với không khí lớp học, vui chơi, chạy nhảy cùng bạn bè cảm thấy gò bó trong nhà. Làm thế nào để tạo không gian an toàn, hào hứng, vui vẻ, giúp trẻ có thể chất và tinh thần khỏe mạnh để chuẩn bị trở lại trường là chuyện cần được người lớn quan tâm.

Anh Trương Ngọc Thành tạm ngưng công việc để dành thời gian chăm sóc, vui đùa cùng cô con gái 4 tuổi. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Anh Trương Ngọc Thành tạm ngưng công việc để dành thời gian chăm sóc, vui đùa cùng cô con gái 4 tuổi. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Luôn “để mắt” tới trẻ em

Gia đình chị Nguyễn Thị Hiền (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) có 2 con nhỏ, học lớp 3 và lớp 1. Hơn 2 tháng nay, các con ở nhà, chị phải nhờ bà nội từ quê ra coi ngó nhà cửa và trông giúp hai cháu. Dù có bà trông, nhưng ngày nào chị Hiền cũng dặn dò các con chỉ nên chơi trước hiên nhà, hạn chế tiếp xúc với người lạ; nếu theo bà ra ngoài đi dạo thì phải đeo khẩu trang, xịt dung dịch kháng khuẩn.

Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, chị dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sắp xếp đồ đạc gọn gàng, bảo đảm con chơi trong không gian an toàn. Chị Hiền cho biết, nhờ bà ra trông giúp cháu là điều bất khả kháng vì tâm lý của trẻ thường chỉ chịu nghe lời ba mẹ. “Tôi chỉ sợ con ở nhà thời gian dài, không có ba mẹ kèm cặp, sẽ có nhiều cơ hội “dán mắt” vào ti-vi, điện thoại, iPad, thậm chí có thể có những thói quen xấu như mè nheo, không nghe lời, quậy phá… Nói chung, nếu không quản lý tốt, trẻ dễ sinh hư và nhịp đồng hồ sinh học bị phá vỡ do thời gian ăn, ngủ dễ bị thay đổi theo ý muốn của trẻ”, chị Hiền chia sẻ.

Có 2 con đều ở độ tuổi đi nhà trẻ nên vợ chồng chị Nguyễn Thị Minh Phương (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) khá vất vả khi vừa bảo đảm chăm sóc con tốt, vừa chạy theo công việc hằng ngày. Chị Phương nói, trẻ ở độ tuổi phát triển và “siêu quậy”, không khi nào chịu ngồi yên một chỗ. “Thật sự khá vất vả khi cả hai đứa đều ở nhà trong khi mình phải làm việc bình thường. Dù vậy, vợ chồng mình vẫn cố gắng chia sẻ công việc chăm con, chồng đến cơ quan buổi sáng thì buổi chiều chăm con và ngược lại. Có thể nói, trẻ ở nhà hoàn toàn giúp mình có thể kiểm soát được khẩu phần ăn của chúng, chủ động thay đổi thực đơn và động viên trẻ ăn hết suất ăn của mình. Nhờ vậy, tụi nhỏ vẫn khỏe mạnh, ít đau ốm”, chị Phương chia sẻ.

Trong khi đó, vợ chồng anh Trương Ngọc Thành (công tác tại một khu nghỉ dưỡng 5 sao trên địa bàn Đà Nẵng) xem đây là kỳ nghỉ dài ngày của cô con gái 4 tuổi. Anh cho biết, do ảnh hưởng của Covid-19, công ty tạm thời đóng cửa nên anh có nhiều thời gian để chơi cho con. Mới đây, qua trang facebook cá nhân, anh khoe cô con gái 4 tuổi đã tự đạp xe 10km dưới sự kèm cặp của ba. “Con gái mình rất hiếu động nên mỗi sáng nghe ba rủ đi đạp xe thì bật dậy. Như vậy vừa rèn luyện sức khỏe và sự can đảm, tự tin cho con, vừa giúp con thoát khỏi việc ngủ nướng. Đạp xe về đói bụng nên con ăn sáng rất nhanh. Nói chung, mình khá thích thời gian này vì có thể cùng con gái làm nhiều điều vui vẻ với nhau. Quan trọng nhất là mình luôn bên cạnh chuyện trò và giữ cho con an toàn, không bị phụ thuộc vào các chương trình trên ti-vi hay iPad”, anh Thành cho hay.

Để trẻ tự do trong khuôn khổ

Anh Lê Nguyễn Quốc Việt (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) có cách nuôi dạy con hoàn toàn khác. Hơn 2 tháng nay, kể từ khi nhà trường thông báo cho học sinh nghỉ học, anh đưa cậu con trai học lớp 5 về quê nhờ ông bà nội chăm sóc. Ba anh là giáo viên, mới về hưu nên có nhiều thời gian rảnh. Về quê, con anh có thể tham gia bất kỳ trò chơi nào từ lội bùn bắt cá, bắt ve ve, thả diều nhưng không được “đụng” vào ti-vi hay điện thoại. Điều đáng nói, việc đưa con về quê không xuất phát từ lý do vợ chồng anh bận công việc, không thể trông nom con mà xuất phát từ tâm lý muốn đưa trẻ về chơi với ông bà, không cho trẻ có nhiều cơ hội nhốt mình trong phòng với điện thoại hay ti-vi.

Anh Việt nói: “Tôi vốn không quá quan trọng việc con phải học như thế nào trong giai đoạn này, mà muốn con mình có tuổi thơ nhiều kỷ niệm. Mỗi lần về quê, nhìn cu cậu cùng nhóm trẻ tụm năm tụm bảy chơi đủ trò từ chạy nhảy, lội ruộng, đến leo núi, săn bắt, hái lượm trông chẳng khác nào hình ảnh của chúng tôi ngày nhỏ.

Đến bữa cơm, con ăn từ 2-3 chén dù thức ăn chỉ đơn giản, thuần quê. Trong khi ở phố, mẹ nó hò hét cả tiếng đồng hồ vẫn chưa xong bữa ăn. Nói chung, cu cậu ở quê tròn 2 tháng rồi mà không chịu ra phố. Tôi nghĩ, bên cạnh việc học, cần cho con có sự tự do trong khuôn khổ để có thể phát triển tâm sinh lý bình thường”. Giờ đây, khi hết thời gian thực hiện cách ly xã hội, học sinh sắp trở lại trường, anh Việt tin rằng con trai anh có thể chất, tinh thần khỏe mạnh cùng năng lượng tích cực để bảo đảm hoàn thành tốt chương trình của năm học.

Khi chúng tôi đem ý kiến nói trên của anh Việt hỏi nhiều phụ huynh khác thì nhiều ý kiến cho rằng, việc bắt trẻ ở trong bốn bức tường cả ngày lẫn đêm sẽ khiến trẻ buồn chán, cáu kỉnh, dễ sinh bệnh. Thỉnh thoảng cần cho trẻ ra ngoài hít thở bầu không khí trong lành, cùng ba mẹ luyện tập thể dục, thể thao tăng cường sức khỏe.

Theo bác sĩ Phan Hàn Linh, khoa Nhi - Trung tâm Y tế quận Thanh Khê, khi trẻ chưa trở lại trường học, các bậc cha mẹ nên tranh thủ quãng thời gian này để tăng cường sức đề kháng cho con. Trong đó, cần tạo tâm lý thoải mái cho trẻ như mặc quần áo thoáng mát, bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý như canxi, vitamin C, vitamin D, kẽm. Ngoài ra, trẻ ra ngoài cần đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc nước sát khuẩn, khuyến khích trẻ tập thể dục, dành thời gian chơi với trẻ. Sáng và tối trước khi đi ngủ, cần cho trẻ súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng, đồng thời thường xuyên đo thân nhiệt để bảo đảm trẻ luôn trong giới hạn nhiệt độ bình thường.

Từ ngày 13-4, fanpage “Học sinh, sinh viên Việt Nam” ra mắt Chương trình “Đồng hành cùng học sinh, sinh viên trong mùa Covid-19”. Chương trình được Bộ GD-ĐT giao cho Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên tổ chức, với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF). Chương trình bao gồm các buổi tư vấn trực tuyến cùng chuyên gia, video, blog… được cập nhật trên fanpage “Học sinh, sinh viên Việt Nam” và các kênh thông tin truyền thông lớn khác. Chương trình cũng hướng dẫn học sinh, sinh viên sử dụng internet, mạng xã hội an toàn và ứng xử văn hóa trên môi trường mạng, đồng thời khuyến khích các em xây dựng video clip, chia sẻ kinh nghiệm khi học tập, vui chơi ở nhà.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.