Giáo viên chia sẻ kinh nghiệm làm bài thi tốt nghiệp THPT đạt điểm cao

.

Để có một bài thi đạt điểm cao, ngoài nắm vững kiến thức, học sinh cần nắm vững những kỹ năng trong cách làm bài thi.

Để làm bài thi có điểm cao, các học sinh phải nắm vững kiến thức, làm từ câu dễ đến câu khó. TRONG ẢNH: Một tiết ôn tập của học sinh Trường THPT Phạm Phú Thứ. 								   Ảnh: NGỌC PHÚ
Để làm bài thi có điểm cao, các học sinh phải nắm vững kiến thức, làm từ câu dễ đến câu khó. TRONG ẢNH: Một tiết ôn tập của học sinh Trường THPT Phạm Phú Thứ. Ảnh: NGỌC PHÚ

Là một giáo viên dạy môn Ngữ văn có thâm niên, thầy Nguyễn Đình Hòa (Trường THPT Trần Phú) cho rằng, để có thể đạt điểm cao môn Ngữ văn, học sinh cần lưu ý nắm vững cấu trúc đề thi. Trong đó, ở phần đọc hiểu thường có 4 câu hỏi từ thông hiểu, vận dụng đến vận dụng cao.

Ở các câu này, học sinh cần đọc kỹ, trả lời ngắn gọn, chính xác. Riêng phần nghị luận xã hội thường là phần nâng cao, mở rộng của phần đọc hiểu. “Học sinh cần giải thích rõ vấn đề cần nghị luận, chứng minh vấn đề đó đúng/sai (tốt/xấu) rồi đưa ra  ý kiến, bài học của bản thân. Lưu ý, không nên viết quá dài phần này vì sẽ chiếm mất thời gian cho câu nghị luận văn học”, thầy Nguyễn Đình Hòa nhấn mạnh.

Ở câu nghị luận văn học (5 điểm) sẽ có những điểm về kỹ thuật làm bài mà học sinh không được để mất điểm, đó là: bảo đảm cấu trúc bài văn (có đủ và đúng mở bài, thân bài, kết luận); xác định vấn đề cần nghị luận; vài nét về tác giả, tác phẩm; bảo đảm chính tả, diễn đạt. Phần truyện, học sinh cần đọc kỹ tác phẩm, tóm tắt được nội dung, nắm vững các chi tiết chính. Phần thơ, cần bám vào hoàn cảnh sáng tác, phong cách nghệ thuật của tác giả, cảm xúc chủ đạo của bài thơ. Học sinh cần tự rèn luyện khả năng viết thường xuyên, chỉ cần viết đúng, trong sáng, thể hiện được suy nghĩ, cảm nhận của bản thân các em là có điểm.

Với môn Lịch sử, để đạt điểm cao, thầy Phan Văn Khải (giáo viên môn Lịch sử - Trường THPT Phan Thành Tài) cho biết, học sinh cần nắm thật vững kiến thức cơ bản. “Học lịch sử phải đi từ khái quát đến chi tiết, lịch sử là một hệ thống từ quá khứ đến hiện tại, vì vậy, không nên hiểu lịch sử một cách rời rạc, đặt một sự kiện lịch sử ra khỏi tiến trình lịch sử.

Hay nói cách khác, học lịch sử phải chia thành các giai đoạn, giữa các giai đoạn có mối quan hệ mật thiết với nhau nên phải liên hệ kiến thức khi ôn luyện. Khi đã nắm vững kiến thức thì bất cứ đề gì cũng có thể suy luận để giải quyết vấn đề. Dù hình thức kiểm tra là gì - tự luận hay trắc nghiệm, nếu nắm vững kiến thức lịch sử đều đạt được kết quả cao”, thầy Phan Văn Khải phân tích.

Tuy nhiên, theo thầy Khải, đối với hình thức thi trắc nghiệm, cần có kỹ năng làm bài trắc nghiệm, cụ thể là khi học bài, ngoài thông hiểu và nhận biết lịch sử, học sinh phải nắm được “từ khóa”; đồng thời, phải sử dụng phương pháp loại trừ như một “bí kíp” để chọn được đáp án đúng nhanh nhất. Cần làm bài nhanh và chắc; không để mất quá nhiều thời gian vào bất kỳ câu nào ở lượt làm đầu tiên vì mỗi câu chỉ 75 giây và câu nào cũng chỉ 0,25 điểm.

Khác với Ngữ văn, Lịch sử, theo nhận định của các giáo viên, môn Giáo dục công dân lớp 12 chủ yếu các vấn đề về luật nên tương đối khó. “Để có thể đạt điểm cao môn này, học sinh phải chủ động cập nhật các thông tin thời sự, các sự kiện diễn ra trong xã hội để liên hệ, vận dụng. Như đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, thông tin về diễn biến Covid-19 cũng được cập nhật và đưa vào đề”, cô Nguyễn Thị Phương Lệ, Tổ trưởng tổ Giáo dục công dân, Trường THPT Phan Châu Trinh cho biết.

Cũng theo cô Xuân Lệ, đề minh họa chủ yếu tập trung vào nội dung kiến thức của lớp 12, chỉ có 4 câu hỏi ở mức độ nhận biết là thuộc nội dung kiến thức của lớp 11; 36 câu hỏi thuộc chương trình lớp 12, trọng tâm vẫn là các bài ở học kỳ 1.  

Đối với các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh là những môn có nhiều công thức, vì vậy, học sinh không nên học thuộc một cách máy móc vì khi làm bài rất dễ bị nhầm lẫn. Theo thầy Phan Quốc Huy, giáo viên có kinh nghiệm ôn luyện thi môn Vật lý tại Trung tâm Vật lý Quốc Huy (Đà Nẵng), học sinh cần phải hiểu được bản chất của từng công thức, phạm vi áp dụng, gắn nó với các kiểu bài cụ thể; đặc biệt, không nên học tủ mà phải học một cách toàn diện, tìm hiểu kỹ kiến thức trong sách giáo khoa và sách bài tập. “Đối với học sinh có học lực trung bình, để đạt điểm 5 hay điểm 6 không quá khó.

Các em cần ôn tập thật kỹ kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa và sách bài tập. Học sinh có học lực khá và giỏi thì cần chú trọng ôn kỹ và ôn sâu, toàn diện, tập giải nhiều dạng bài, đặc biệt là phân biệt một cách rạch ròi các phương pháp khác nhau; cần mở rộng, nâng cao và rèn luyện tư duy tổng hợp kiến thức”, thầy Huy nhấn mạnh.

Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Lê Thị Bích Thuận cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, toàn thành phố có 10.500 học sinh tham gia, kể cả thí sinh tự do. Ngành giáo dục thành phố bố trí 25 điểm thi với 437 phòng thi tại các trường THPT và THCS trên địa bàn. “Nhằm bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, sở sẽ tiến hành rà soát cơ sở vật chất đặt tại điểm thi cũng như toàn bộ đội ngũ giáo viên để điều động tham gia vào công tác coi thi, chấm thi theo đúng quy chế của bộ (dự kiến có khoảng 1.180 giáo viên). Hiện tại, các trường THPT đã tổ chức cho học sinh thi thử để khảo sát chất lượng, qua đó, tiếp tục tăng cường ôn tập để có kiến thức tốt cho học sinh tự tin bước vào kỳ thi”, bà Lê Thị Bích Thuận nhấn mạnh.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.