Mùa tuyển sinh đào tạo nghề năm nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đều linh động hình thức xét tuyển lẫn thời gian tuyển sinh, đa dạng ngành nghề đào tạo, linh động thời gian nhập học, giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp... nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học viên.
Các doanh nghiệp tổ chức phỏng vấn tuyển dụng lao động tại Ngày Hội việc làm do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Thành Đoàn, Hội Doanh nhân trẻ tổ chức ngày 5-7-2020. Ảnh: T.V |
Đà Nẵng hiện có 65 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với quy mô tuyển sinh mỗi năm gần 70.000 học viên, bao gồm trên 300 nhóm ngành nghề khác nhau. Nếu so sánh với khoảng 5 năm về trước, có thể thấy số lượng các cơ sở trên địa bàn đã tăng gần gấp đôi; chỉ tiêu tuyển sinh, nhóm ngành nghề cũng đa dạng và phong phú hơn.
Điển hình là Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 5. Năm nay ở cả 3 bậc đào tạo là cao đẳng, trung cấp và sơ cấp, trường tuyển sinh gần 1.000 học viên với 57 ngành nghề khác nhau. Bên cạnh các nghề truyền thống của trường như: công nghệ kỹ thuật giao thông, xây dựng cầu - đường, công nghệ ô-tô..., gần đây, trường còn tuyển sinh nghề tiếng Anh du lịch, quản trị dịch vụ du lịch...
Trong khi đó, Trường Cao đẳng Công nghệ Y - Dược, bên cạnh các nghề thế mạnh như điều dưỡng, công nghệ sinh học, công nghệ kỹ thuật điện - điện tử..., hiện nay, nhà trường mở rộng lĩnh vực đào tạo tiếng Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Tương tự, tại Chi nhánh Công ty CP Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực không gian mạng, việc tuyển sinh gần đây thêm nhóm nghề “tay trái” như: nghiệp vụ bếp, pha chế, bánh Âu... Công ty CP Giáo dục Đà Nẵng tuyển sinh nghề khá “lạ” là kinh doanh xăng dầu, điện dân dụng, hàn...
Không chỉ đa dạng nhóm ngành nghề đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng rất linh động về mặt thời gian, đa số thực hiện hình thức “tuyển sinh cả năm”, một số khác chia nhỏ thành nhiều đợt kéo dài từ 2-3 tháng và rải rác từ đầu đến cuối năm.
Theo đại diện của Trường Cao đẳng Bách khoa Đà Nẵng, để tạo thuận lợi cho học viên, trường sẽ tổ chức theo hình thức học tín chỉ. Các học viên sẽ nhập học vào thời gian khác nhau, sau đó trường bố trí ghép nhóm để các học viên lần lượt học hết các tín chỉ sẽ được cấp bằng. Thậm chí, trong trường hợp cần thiết trường sẽ tổ chức học thêm vào buổi tối để giúp học viên hoàn thành khóa học đúng thời gian quy định.
Trong khi đó, đại diện Trường Trung cấp chuyên nghiệp Ý - Việt giải thích về hình thức “tuyển sinh thường xuyên” là nhằm mục đích tạo điều kiện cho người học nghề thuận lợi trong việc chọn thời gian đăng ký học. Riêng về hình thức xét tuyển, nhà trường sẽ tiếp nhận cả học viên đã tốt nghiệp THPT và chưa tốt nghiệp THPT.
Với trường hợp chưa tốt nghiệp THPT là thí sinh tại Đà Nẵng và Quảng Nam vì phải lùi ngày thi tốt nghiệp do ảnh hưởng Covid-19 sẽ được cho phép bổ sung bằng tốt nghiệp sau. Với trường hợp chưa hoàn thành chương trình học THPT, nhà trường sẽ tổ chức dạy bổ túc văn hóa để học viên có thể đăng ký thi tốt nghiệp THPT vào đợt gần nhất. Nhà trường chỉ cấp chứng chỉ nghề nghiệp sau khi hoàn thành chương trình học nghề và có bằng tốt nghiệp THPT theo quy định.
Theo đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) thành phố, những năm qua, Đà Nẵng không chỉ phát triển mạnh về số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mà còn mở rộng nhóm ngành đào tạo. Bên cạnh các thế mạnh mang tính truyền thống của từng đơn vị, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đã mạnh dạn mở rộng thêm nhóm ngành nghề mới mà xã hội có nhu cầu tuyển dụng cao. Phụ huynh và học viên có thể yên tâm về chất lượng đạo tạo, bởi lẽ, khi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp muốn đào tạo ngành nghề mới đều phải qua khâu thẩm định và cấp phép của Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp của Bộ LĐ,TB&XH thì mới được triển khai.
Thời gian tuyển sinh “suốt cả năm” cũng là hình thức được Tổng cục cho phép dưới hình thức trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Mùa tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp của năm 2020 đã bắt đầu, với nhiều nỗ lực từ các cơ sở giáo dục như linh hoạt phương thức tuyển sinh, bảo đảm chất lượng đào tạo, việc làm sau đào tạo bền vững... Điều này cũng đồng nghĩa với việc cửa học nghề rộng mở với những học sinh vừa hoàn thành chương trình học THCS và THPT.
THANH VÂN