Một năm vượt khó

.

Chưa bao giờ ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) gặp nhiều thử thách như năm học 2019-2020 và 2020-2021, học sinh nghỉ học liên tục vì dịch bệnh, bão lũ. Tuy vậy, toàn ngành đã nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ GD&ĐT mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Vượt Covid-19, vươn lên dạy tốt - học tốt

Sau kỳ nghỉ Tết Canh Tý 2020, học sinh trở lại trường đúng 2 ngày thì đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Học sinh Đà Nẵng có kỳ nghỉ phòng, chống dịch kéo dài suốt 3 tháng. Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố cho biết, trước diễn biến phức tạp của Covid-19, để không ảnh hưởng đến việc học của học sinh, lãnh đạo sở đã làm việc với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn FPT về việc cung cấp miễn phí phần mềm hỗ trợ học tập tại nhà cho học sinh trong thời gian nghỉ học; đồng thời tiến hành tập huấn cho giáo viên nhằm triển khai việc học trực tuyến hiệu quả. “Lần đầu dạy học trực tuyến, giáo viên toàn ngành đã nỗ lực học hỏi, khắc phục khó khăn. Phụ huynh, học sinh đồng lòng phối hợp nên chất lượng dạy và học được bảo đảm. Nhiều trường học dạy học trực tuyến đạt 100%”, bà Lê Thị Bích Thuận đánh giá.

Học sinh được đo thân nhiệt khi đến trường sau khi Covid-19 được kiểm soát.Ảnh: NGỌC PHÚ
Học sinh được đo thân nhiệt khi đến trường sau khi Covid-19 được kiểm soát. Ảnh: NGỌC PHÚ

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) chia sẻ: “Trong hơn 20 năm làm nghề giáo, tôi chưa trải qua một đợt nghỉ nào kéo dài đến vậy. Các giáo viên nóng lòng, lo lắng, phụ huynh sốt ruột. Tuy nhiên, ngành GD&ĐT đã kịp thời triển khai dạy trực tuyến cho học sinh. Hằng ngày, nhà trường phân công giáo viên đến trường soạn bài giảng và thông qua phần mềm “zoom cloud meeting” để dạy trực tuyến. Tất cả học sinh nhà trường đều được cấp tài khoản để học. Nhờ đó, giáo viên quản lý tốt học sinh, chất lượng buổi học, khả năng theo kịp tiến độ chương trình... Ngoài ra, trường còn yêu cầu giáo viên tải bài giảng lên website, gửi về zalo, messenger, viber, gmail và in bài gửi những học sinh, phụ huynh không có điều kiện tiếp cận công nghệ đến lấy về giúp con học tập”.

Giữa các đợt dịch, học sinh lớp 9, lớp 12 chuẩn bị tham gia kỳ thi tốt nghiệp cuối cấp nhận được sự quan tâm đặc biệt của ngành GD&ĐT thành phố. Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, bên cạnh triển khai học tập trực tuyến, sở phối hợp Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng triển khai dạy học trên truyền hình. Sở chọn những giáo viên có kinh nghiệm đến từ các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố để tập hợp thành các tổ soạn bài ôn tập, góp ý nội dung bài giảng, sau đó quay nội dung phát trên truyền hình hằng ngày để học sinh học tập. “Hình thức học qua truyền hình khá mới mẻ nhưng bước đầu mang lại hiệu quả. Trong quá trình nghe giảng trên tivi, nội dung nào học sinh không hiểu, thông qua email, học sinh gửi câu hỏi để giáo viên giải đáp...”, ông Mai Tấn Linh nhớ lại.

Đối với học sinh lớp 9 đồng bào Cơ tu, ngoài những gia đình có thể tiếp cận được công nghệ thông tin để học trực tuyến, các trường triển khai các hình thức soạn bài, in bài để phụ huynh đến trường mang về, giáo viên đến từng thôn gửi cho học sinh; hằng đêm, giáo viên điện thoại nhắc nhở học sinh học tập. Có trường phối hợp với chính quyền thôn Tà Lang, Giàn Bí hỗ trợ tivi đem đến nhà Gươl giúp học sinh học trực tuyến trên truyền hình...

Kỳ thi lịch sử

Do ảnh hưởng của Covid-19 đợt 1, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2020 dự định sẽ diễn ra giữa tháng 8-2020. Tuy nhiên, sau khi Covid-19 tái bùng phát vào cuối tháng 7-2020 và diễn biến phức tạp, Bộ GD&ĐT quyết định hoãn kỳ thi, chờ đến khi dịch tạm lắng. Trong thời gian này, số ca mắc Covid-19 tại Đà Nẵng tăng, các chuyên gia y tế đầu ngành, các bác sĩ của các bệnh viện lớn trên cả nước đến Đà Nẵng để hỗ trợ chống dịch. Lo lắng cho sức khỏe và chất lượng thi của các học sinh, Sở GD&ĐT tham mưu UBND thành phố có văn bản đề nghị Bộ GD&ĐT hoãn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cho học sinh Đà Nẵng, đồng thời đề nghị đặc cách xét tốt nghiệp THPT, các trường đại học có cơ chế xét tuyển phù hợp với điều kiện thực tế. Tuy nhiên, những yêu cầu này không thể được đáp ứng bởi phải bảo đảm công bằng cho thí sinh ở các tỉnh, thành khác trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Do đó, kỳ thi tiếp tục được lùi thời gian. Em Mỹ Duyên (cựu học sinh Trường THPT Phan Thành Tài, sinh viên năm nhất Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng) nhớ lại: “Việc hoãn thi và câu hỏi - thí sinh cả nước đã thi và có kết quả thì liệu mình có mất cơ hội vào đại học hay không - từng khiến mình cảm thấy rất áp lực, căng thẳng. Nhiều bạn thậm chí còn hy vọng sẽ được dự thi, sau đó nghiêm túc thực hiện cách ly...”.

Để kỳ thi diễn ra an toàn, Thành ủy, UBND thành phố và Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 quyết định xét nghiệm SARS-CoV-2 cho tất cả học sinh tham gia kỳ thi, người tham gia coi thi, làm nhiệm vụ thi. Các thí sinh đang nằm trong diện cách ly được bố trí thi tại các điểm thi riêng. “Chúng tôi “nín thở” chờ kết quả, nhất là một khi có trường hợp nghi ngờ, phải xét nghiệm lại. Đối với những thí sinh nằm trong diện F1, F2, ngành GD&ĐT yêu cầu các trường thường xuyên liên lạc động viên để các em ổn định tâm lý ôn bài trước khi bước vào phòng thi. Đồng thời, vận động các giáo viên trẻ tham gia làm giám thị tại các địa điểm nói trên”, ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết. Kết quả, kỳ thi đã thành công khi sức khỏe thí sinh và giáo viên được bảo đảm an toàn. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp gần 100%, số thí sinh đạt điểm 10 cao gấp 43 lần năm 2019, thang điểm trung bình trở lên chiếm tỷ lệ cao. Đà Nẵng có 1 thủ khoa duy nhất toàn quốc...

PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT nhận xét: “Thành phố Đà Nẵng đã thực hiện rất tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2. Trong điều kiện khó khăn nhưng đã thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vừa bảo đảm kỳ thi diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế. Kết quả kỳ thi vượt ngoài sự mong đợi. Đây chính là sự nỗ lực, đồng lòng của chính quyền thành phố, của ngành giáo dục và của phụ huynh, học sinh”.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.