Địa chỉ tin cậy cho "tuổi mới lớn"

.

“Cô ơi, có phải hôn bạn khác giới là quan hệ tình dục không cô?”, “Cô ơi, nếu người khác yêu cầu mình quay hoặc chụp ảnh nhạy cảm gửi cho họ thì có phải mình đã bị xâm hại tình dục không cô?”... Đó là những thắc mắc mà học sinh chia sẻ tại góc tư vấn “Điều em muốn nói” để được nhận những lời khuyên, định hướng đúng đắn từ giáo viên.

Sự gần gũi giữa học sinh và giáo viên chính là cách để học sinh tin tưởng trao đổi những chuyện “khó nói”.  (Ảnh chụp vào tháng 1-2021)           Ảnh: THANH TÌNH
Sự gần gũi giữa học sinh và giáo viên chính là cách để học sinh tin tưởng trao đổi những chuyện “khó nói”. (Ảnh chụp vào tháng 1-2021). Ảnh: THANH TÌNH

Học sinh cấp trung học là đối tượng thường gặp những khúc mắc trong học tập, tâm sinh lý, trong mối quan hệ với thầy cô, gia đình, bạn bè. Vì vậy, các trường THCS trên địa bàn thành phố hầu hết đều hình thành các phòng tư vấn học đường nhưng các em thường ngại đến “trút nỗi lòng” bởi tâm lý e ngại, sợ các bạn nhìn thấy hoặc sợ bí mật riêng tư bị tiết lộ.

Chính vì vậy, từ đầu năm 2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) quận Cẩm Lệ phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo quận xây dựng 2 góc tư vấn “Điều em muốn nói” tại 2 Trường THCS Đặng Thai Mai và Nguyễn Thị Định. Điều khác biệt là các góc tư vấn này đặt ngay trong phòng y tế của trường chứ không nằm tách biệt nên học sinh thoải mái hơn khi vào tư vấn sức khỏe và tư vấn luôn các vấn đề về tâm lý học đường.

Cô Phạm Thị Ngọc Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Thai Mai (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) kể, đã có trường hợp, một nữ sinh tài năng của trường “cảm nắng” nam sinh “cá biệt”. Vì yêu thích nam sinh này mà nữ sinh sa sút thấy rõ trong học tập. Gia đình ngăn cấm vì lo sợ việc yêu đương ảnh hưởng đến học tập cuối cấp của con, cố “tách” 2 học sinh này ra nhưng càng cố “tách” thì càng “dính”. Nhà trường nhiều lần khuyên bảo, động viên 2 học sinh tại góc tư vấn nhưng không có kết quả. Ban giám hiệu nhà trường đành phải dùng “kế sách” là chuyển học sinh nữ sang học cùng lớp với học sinh nam.

Chỉ vỏn vẹn chưa đầy 2 tuần, bạn nữ này chủ động xin hiệu trưởng chuyển về lớp cũ, chấm dứt quan hệ với bạn nam với lý do: “Bạn ấy không phải là “soái ca” như em nghĩ. Bạn ấy nhác học và thường hay gây gổ với bạn bè”. Sau khi chủ động chấm dứt, nữ sinh chuyên tâm học hành, không chỉ thi đỗ vào trường THPT mà còn là một trong những học sinh giỏi của thành phố. Bạn nam vì “tự ái” nên cũng nỗ lực và có nhiều tiến bộ trong học tập.

Cô Đặng Thị Vy Huyền, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thị Định (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) chia sẻ, thông qua góc tư vấn, nhà trường vừa giải quyết một trường hợp học sinh bị xâm hại tình dục qua mạng. Nhà trường động viên, giải thích cặn kẽ cho học sinh đó hiểu. Đồng thời nhờ công an vào cuộc truy tìm đối tượng kia để học sinh an tâm, tự tin tiếp tục đến trường.

“Mỗi năm nhà trường thường phối hợp các đoàn - hội tổ chức các buổi tuyên truyền về tình bạn, gia đình, xâm hại tình dục, bạo lực trên cơ sở giới... để học sinh trang bị các kỹ năng phòng tránh. Các vấn đề đã được các em thấu hiểu nhưng nhiều lúc rơi vào hoàn cảnh thực tế các em không đủ bình tĩnh để xử lý và có thể gây ra những hệ quả đáng tiếc. Vì vậy, nhà trường và gia đình luôn lắng nghe, quan tâm, gần gũi để động viên các em”, cô Huyền chia sẻ.

Là người trực tiếp tư vấn nhiều vụ việc liên quan đến tâm lý học đường, cô Thủy bày tỏ, để tư vấn học đường thì bản thân giáo viên phải là những người bạn lớn, người anh, người chị và là người thân của các em. Khi tư vấn giáo viên phải biết khơi gợi để các em có thể trải lòng và tự thổ lộ chuyện thầm kín của mình. Làm sao để học sinh tin tưởng và thích đến các góc tư vấn thì góc tư vấn mới đạt mục đích tốt nhất. Cũng theo cô Thủy, để các góc tư vấn phát huy hiệu quả, hằng năm ngành giáo dục cần cử thêm các tình nguyện viên hoặc giáo viên về tâm lý giáo dục đến các trường THCS, THPT để có những buổi ngoại khóa giúp học sinh cởi mở, mạnh dạn hơn trong trao đổi các vấn đề riêng tư.    

THANH TÌNH

;
;
.
.
.
.
.