Chọn sách giáo khoa phục vụ năm học 2021-2022

.

Sách giáo khoa (SGK) Cánh Diều lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã gây ra nhiều tranh luận trái chiều, khiến không ít phụ huynh lo lắng. Liệu rằng, SGK phục vụ năm học 2021-2022 có bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu giáo dục, giúp phụ huynh yên tâm?

Ngành giáo dục và phụ huynh mong muốn giảm nhẹ lượng kiến thức trong chương trình giáo dục  phổ thông mới. TRONG ẢNH: Một tiết dạy Tiếng Việt tại Trường tiểu học Điện Biên Phủ. (Ảnh chụp tháng 11-2020)Ảnh: AN NHIÊN
Ngành giáo dục và phụ huynh mong muốn giảm nhẹ lượng kiến thức trong chương trình giáo dục phổ thông mới. TRONG ẢNH: Một tiết dạy Tiếng Việt tại Trường tiểu học Điện Biên Phủ. (Ảnh chụp tháng 11-2020). Ảnh: AN NHIÊN

Mong muốn từ phụ huynh

Năm học 2021-2022, ngoài lớp 1, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ áp dụng đối với học sinh lớp 2 và lớp 6. Nhiều phụ huynh có con đang học lớp 1 và lớp 5 lo lắng khi không biết bộ sách mới có nặng về kiến thức và còn “sạn” hay không? Chị Nguyễn Thị Trân (ngụ phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) chia sẻ: “Năm học 2020-2021, nhiều bài học trong SGK tiếng Việt của nhóm Cánh Diều gây tranh cãi. Rất may con mình học bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” của NXB Giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn chung chương trình khá nặng. Vì vậy, mình mong, khi lên lớp 2, con sẽ được học bộ SGK mới hoàn chỉnh, lượng kiến thức phù hợp với độ tuổi để cho con vừa học vừa chơi”.

Chị Thanh Tâm (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho rằng, SGK năm học 2021-2022 cần giảm độ khó, nội dung bảo đảm chất lượng, ngôn ngữ phải rõ ràng, không đánh đố học sinh.

Theo chị Tâm, trong suốt học kỳ 1 vừa qua, đêm nào chị cũng hỗ trợ con học tập. “Việc lớp 1 phải học nhiều âm, vần trong một bài học khiến con rất vất vả. Vì vậy, mong muốn khi con học lớp 2 chủ yếu được học kỹ năng, để con phát triển một cách toàn diện”, chị Tâm chia sẻ. Nhiều phụ huynh hiện có con học lớp 5 cũng có chút tâm tư. Chị Hoàng Thị Ánh Hồng (ngụ phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) cho rằng: “Tôi mong Bộ GD&ĐT sẽ cải cách SGK theo hướng giảm nhẹ lượng kiến thức, tăng các hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống. Tôi và nhiều phụ huynh luôn mong muốn con được học kỹ năng sống, kỹ năng mềm, phát triển thể chất sức khỏe thông qua các hoạt động chơi bổ ích, phù hợp lứa tuổi, chứ không phải đêm nào cũng ôm đống sách vở”.

Ngành giáo dục cần chủ động

Để bảo đảm chất lượng SGK biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời giúp giáo viên được sớm tiếp cận với các bản mẫu SGK, từ cuối năm 2020, Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề nghị các sở GD&ĐT tổ chức cho giáo viên dạy học các môn học, tham gia góp ý các bản mẫu SGK lớp 2. Qua 3 đợt góp ý của giáo viên cốt cán, Bộ GD&ĐT vừa phê duyệt danh mục gồm 32 SGK lớp 2 của 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, cùng sách môn tự chọn tiếng Anh. Các SGK có tên trong danh mục được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt thuộc 4 đơn vị xuất bản gồm: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố cho biết, căn cứ Quyết định số 709/QĐ-BGDĐT ngày 9-2-2021 của Bộ GD&ĐT về việc phê duyệt danh mục SGK lớp 2 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT tiến hành tổ chức hội thảo giới thiệu đến với đại diện các phòng giáo dục, trường học trên địa bàn thành phố, thời gian từ ngày 27-2 đến ngày 2-3.

Bà Lê Thị Kim Ánh, Phó phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT cho biết, ngoài việc cử giáo viên góp ý SGK theo chỉ đạo của Bộ, Sở đã lấy ý kiến các đơn vị, trường học lấy ý kiến để trình UBND thành phố ban hành Bộ tiêu chí lựa chọn SGK cấp tiểu học cho năm 2021-2022 và những năm tiếp theo. Từ đó, kiến nghị thành phố chọn 1 bộ SGK lớp 1 cho các trường trên địa bàn từ năm học 2021-2022. “Mong muốn của ngành GD&ĐT là sẽ chọn bộ sách chất lượng, phục vụ công tác dạy và học trong những năm tới, để phụ huynh yên tâm”, bà Lê Thị Kim Ánh nhấn mạnh.

Tìm hiểu tại các trường học, thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT về góp ý GSK lớp 1, các trường đang nỗ lực thực hiện với mong muốn tạo sự thống nhất trong lựa chọn một bộ sách chung cho năm học mới. Theo cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu), quá trình tổ chức dạy học thời gian qua, nhà trường nhận thấy nội dung bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn, nội dung phù hợp nên nhà trường kiến nghị tiếp tục sử dụng bộ sách này. Về đội ngũ phục vụ cho lớp 2, cô Nguyệt cho biết, nhà trường sẽ lựa chọn các giáo viên có năng lực phục vụ giảng dạy.

Đối với các trường THCS trên địa bàn thành phố, ngoài việc bố trí giáo viên có năng lực để góp ý SGK theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các trường đang chuẩn bị lực lượng giáo viên cốt cán phục vụ cho việc dạy học trong năm học 2021-2022.

Theo Sở GD&ĐT thành phố, đến nay, UBND thành phố cũng đã có văn bản gửi Sở GD&ĐT thống nhất chủ trương chọn lại một bộ SGK lớp 1 dùng chung cho các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn thành phố từ năm học 2021-2022. UBND thành phố đề nghị Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố tổ chức thực hiện quy trình chọn lại bộ SGK lớp 1 theo đúng Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26-8-2020 của Bộ GD&ĐT quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục.

AN NHIÊN

;
;
.
.
.
.
.