KỶ NIỆM 46 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG (29-3-1975 - 29-3-2021)

Hướng đến thành lập Đại học Quốc gia Đà Nẵng: Cơ hội và thách thức

.

Là đại học vùng trọng điểm quốc gia, những năm qua, Đại học Đà Nẵng tiên phong trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển của thành phố và đất nước. Thời gian đến, Đại học Đà Nẵng phải vượt qua không ít thách thức để hướng đến mục tiêu trở thành Đại học Quốc gia.

Trường Đại học Bách khoa-Đại học Đà Nẵng ký kết hợp tác với Tập đoàn UAC của Hoa Kỳ tại Việt Nam phát triển các phòng thí nghiệm công nghệ cao. (Ảnh chụp tháng 7-2020)Ảnh: NGỌC PHÚ
Trường Đại học Bách khoa-Đại học Đà Nẵng ký kết hợp tác với Tập đoàn UAC của Hoa Kỳ tại Việt Nam phát triển các phòng thí nghiệm công nghệ cao. (Ảnh chụp tháng 7-2020). Ảnh: NGỌC PHÚ

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học (ĐH) Đà Nẵng cho biết, đơn vị luôn xác định nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển vùng và đất nước. Trước hết là đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự phát triển của thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, ngành nghề đào tạo định hướng dựa trên nền tảng giáo dục STEM (kết hợp giữa Khoa học công nghệ - kỹ thuật và Toán học), các ngành mũi nhọn, công nghệ cao, các dịch vụ có nhu cầu nhân lực lớn, phù hợp với xu thế thị trường lao động trong nước và quốc tế, bám sát nhiều lĩnh vực, ngành nghề như Nghị quyết số 43-NQ/TW nêu rõ.  

Trước hết, đó là nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin, kỹ thuật số, điện tử viễn thông và tự động hóa, trong đó chú trọng những nền tảng về trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật kết nối (IoT), các ngành công nghệ cao, công nghệ thông minh. Đây là những ngành có tiềm năng, tạo ra đột phá, nhiều giá trị gia tăng và phù hợp với định hướng đưa Đà Nẵng trở thành “trung tâm đổi mới sáng tạo”, “đô thị thông minh”.

Nhóm ngành dịch vụ (du lịch, tài chính - ngân hàng, thương mại điện tử, logistics, y tế và giáo dục chất lượng cao…) cũng được chú trọng, là những ngành phù hợp, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thành phố, phát huy vị trí địa chiến lược của Đà Nẵng là hành lang kinh tế Đông - Tây, “cửa ngõ” hướng ra ASEAN trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (EVFTA, CPTPP, AEC…) để Đà Nẵng thực sự là “hạt nhân, động lực của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”.

Trên cơ sở những định hướng này, các trường ĐH thành viên có những hướng đi đặc trưng để thực hiện “sứ mệnh”. Điển hình phải kể đến Trường ĐH Bách khoa, đơn vị được Tập đoàn sản xuất linh kiện máy bay hàng đầu UAC của Hoa Kỳ lựa chọn đồng hành sau nhiều lần đến làm việc, khảo sát. Vì vậy, từ kỳ tuyển sinh ĐH năm 2020, Trường ĐH Bách khoa mở 3 ngành/chuyên ngành đào tạo mới: kỹ thuật máy tính, cơ khí hàng không, khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo...

Được biết, phía UAC có kế hoạch tuyển dụng hơn 1.000 kỹ sư, lao động trình độ cao trong các ngành nghề cơ khí, điện, điện tử, tự động hóa… đồng thời đang phát triển chuỗi sản xuất các ngành công nghiệp phụ trợ cần có nhu cầu hơn 2.000 kỹ sư, kỹ thuật viên thuộc nhiều chuyên ngành kỹ thuật công nghệ liên quan.

Để chuẩn bị sẵn sàng cho các nhu cầu nhân lực cấp thiết của mình, UAC đã và đang hợp tác và cam kết mạnh mẽ đồng hành với Trường ĐH Bách khoa xây dựng các chương trình đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, các phòng thí nghiệm hiện đại. Cạnh đó cử các chuyên gia đến nhà trường tham gia giảng dạy, tạo cơ hội lớn cho sinh viên học đi đôi với hành, tăng cường thực hành, thực tập và tham gia các dự án thực tế để trau dồi phẩm chất, kỹ năng nghề nghiệp, sẵn sàng trở thành những kỹ sư giỏi, làm việc trong môi trường cạnh tranh quốc tế của tập đoàn.

Những thách thức lớn

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ cho biết, thành phố còn nhiều tiềm năng và lợi thế để thu hút đầu tư. Vì vậy, cần có thêm nhiều giải pháp đột phá, cách làm mới, trong đó chú trọng bảo đảm môi trường đầu tư, tập trung thu hút các dự án trọng điểm, phát huy vai trò của các trường ĐH để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành mũi nhọn, công nghệ cao, dịch vụ sẽ tạo ra đột phá, giá trị gia tăng lớn, phù hợp với những định hướng đưa Đà Nẵng trở thành “trung tâm đổi mới sáng tạo”, “đô thị thông minh”.

Để phát huy tốt nhất vai trò, sứ mệnh của mình, đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa cho Đà Nẵng, ĐH Đà Nẵng mong muốn, đề xuất thành phố tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ, cùng thể hiện tiếng nói đối với Trung ương xúc tiến triển khai “Đề án thành lập ĐH Quốc gia Đà Nẵng”, trên cơ sở ĐH Đà Nẵng và một số trường ĐH trên địa bàn, bao gồm cả Đề án sáp nhập Trường ĐH Quảng Nam trở thành trường ĐH thành viên của ĐH Đà Nẵng.

“Sự ra đời của một ĐH Quốc gia tại Đà Nẵng không chỉ xuất phát từ bề dày truyền thống, tiềm lực và vị thế vững chắc của ĐH Đà Nẵng trong hệ thống giáo dục ĐH nước nhà mà còn từ yêu cầu cấp thiết, khách quan, sẽ là một đột phá đưa Đà Nẵng xứng tầm “trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á; là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ” như Nghị quyết số 43-NQ/TW đề ra”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ chia sẻ.

GS.TSKH. Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, việc phát triển một ĐH vùng thành ĐH Quốc gia sẽ thuận lợi hơn rất nhiều so với thành lập mới hoặc tập hợp các trường ĐH riêng lẻ như đã làm đối với hai ĐH Quốc gia trong quá khứ. Những thuận lợi phải kể về quy mô tuyển sinh, lực lượng cán bộ hiện nay của ĐH Đà Nẵng cũng không khác biệt nhiều so với các ĐH Quốc gia. “Lực lượng cán bộ giảng dạy có trình độ tiến sĩ ở Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đạt hơn 60%, cao hơn nhiều trường thành viên của các ĐH Quốc gia hiện tại.

Các trường ĐH thành viên ĐH Đà Nẵng nói riêng và của các ĐH vùng nói chung đến nay đã quen với cơ chế phối hợp hoạt động, chia sẻ nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ chung. Cơ cấu tổ chức, bộ máy của ĐH vùng cũng tương tự như ĐH Quốc gia. Về cơ sở vật chất thì khi dự án khu đô thị ĐH Đà Nẵng 300ha được đầu tư xây dựng xong thì ĐH Đà Nẵng có cơ ngơi tập trung khang trang, ngang tầm các ĐH lớn trên thế giới. Vì vậy việc phát triển ĐH Đà Nẵng thành ĐH Quốc gia chỉ còn xử lý hai vấn đề: đó là cơ chế và xác định mục tiêu chiến lược của ĐH Quốc gia Đà Nẵng”, GS.TSKH. Bùi Văn Ga nhìn nhận.

Theo GS.TSKH. Bùi Văn Ga, về cơ chế thì ĐH vùng và ĐH Quốc gia hiện nay không có sự khác biệt nào đáng kể về mặt tự chủ trong hoạt động chuyên môn. Khác biệt lớn nhất thuộc về cơ chế tài chính và nguồn lực đầu tư từ Nhà nước. Vì vậy việc chuyển đổi ĐH vùng thành ĐH Quốc gia về mặt quản lý Nhà nước chỉ đơn thuần là sự thay đổi cơ chế tài chính và đầu tư.

Vấn đề thứ hai, đó là xác định mục tiêu chiến lược ĐH Quốc gia Đà Nẵng tương lai. Đây là nhiệm vụ trọng tâm mà ĐH Đà Nẵng cần làm khi xây dựng đề án. “Nếu theo mô hình hai ĐH Quốc gia hiện nay thì tiềm lực hiện tại của ĐH Đà Nẵng rất khó đáp ứng vì lực lượng khoa học cơ bản chưa đủ mạnh. Tất nhiên ĐH Quốc gia là ĐH đa ngành, cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Nếu ĐH Đà Nẵng phát triển thành ĐH Quốc gia thì nên chú trọng lĩnh vực khoa học và công nghệ, trong đó có cả khoa học xã hội nhân văn, khoa học quản lý…”, GS.TSKH. Bùi Văn Ga nói.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.