Thực tập nước ngoài: Cơ hội cho sinh viên

.

Những năm gần đây, hợp tác quốc tế trở thành một xu thế tất yếu đối với các cơ sở đào tạo đại học (ĐH). Qua đó tạo điều kiện để sinh viên có cơ hội thực tập, làm việc ở nước ngoài. Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Đà Nẵng) và Trường ĐH Đông Á là những minh chứng điển hình.

Đại diện Công ty CP Logi Vietfrance tại Đà Nẵng và khoa Khoa học công nghệ tiên tiến,  Trường Đại học Bách khoa (phải) ký kết thỏa thuận tiếp tục cấp học bổng thực tập tốt nghiệp tại Pháp cho 2 sinh viên. (Ảnh do khoa Khoa học công nghệ tiên tiến cung cấp, chụp năm 2020)
Đại diện Công ty CP Logi Vietfrance tại Đà Nẵng và khoa Khoa học công nghệ tiên tiến, Trường Đại học Bách khoa (phải) ký kết thỏa thuận tiếp tục cấp học bổng thực tập tốt nghiệp tại Pháp cho 2 sinh viên. (Ảnh do khoa Khoa học công nghệ tiên tiến cung cấp, chụp năm 2020)

Thực tập tại Pháp

Cuối năm 2020, trong khuôn khổ hợp tác giữa Công ty Logi VietFrance và Công ty La Soget (thành phố Le Havre, Pháp) với chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp (PFIEV), khoa Khoa học công nghệ tiên tiến (FAST), Trường ĐH Bách khoa ký kết thỏa thuận tiếp tục cấp học bổng thực tập tốt nghiệp tại Pháp cho 2 sinh viên chương trình kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp. Đây là phần thưởng cho nỗ lực của Trần Văn Vũ và Trần Nguyên Hoàng (sinh viên lớp chuyên ngành Công nghệ phần mềm).

Tuy nhiên, do Covid-19 bùng phát nên các em làm từ xa tại Việt Nam, chờ điều kiện cho phép sẽ sang Pháp tiếp tục công việc. Ngoài toàn bộ chi phí ăn, ở và đi lại, sinh viên còn được trả lương thực tập 15 triệu đồng/tháng cùng cam kết tuyển dụng sau khi tốt nghiệp để làm việc với mức lương tối thiểu 26 triệu đồng/tháng cho Công ty Logi VietFrance tại Đà Nẵng. Công ty này là đối tác của Công ty La Soget - một công ty hàng đầu của Pháp trong lĩnh vực phần mềm logistic (vận chuyển hàng hóa).

Tiến sĩ Nguyễn Lê Hòa, Trưởng khoa Khoa học công nghệ tiên tiến, Trường ĐH Bách khoa cho biết, trong năm 2020, đơn vị hợp tác gửi 6 sinh viên khóa 15 sang thực tập và làm đồ án tốt nghiệp tại Pháp và Canada. Tất cả sinh viên được tài trợ toàn bộ chi phí và trả lương trong quá trình thực tập và làm đồ án. Nhờ thành tích học tập và nghiên cứu xuất sắc nên 2 sinh viên tiếp tục được nhận học bổng học thạc sĩ tại Pháp và Canada sau khi hoàn thành chương trình thực tập.

Chương trình PFIEV đào tạo kỹ sư theo tiêu chuẩn của Pháp, quy định sinh viên có ít nhất 6 tháng thực tập tại doanh nghiệp trải đều vào cuối 3 năm chuyên ngành, trong đó quan trọng nhất là đợt thực tập và làm đồ án tốt nghiệp từ 4 đến 6 tháng phải được thực hiện tại doanh nghiệp, thực hiện một dự án giải quyết vấn đề thực tế do doanh nghiệp đặt ra. Hằng năm, chương trình PFIEV có khoảng 4-5 suất học bổng thực tập do trường đối tác và các doanh nghiệp Pháp cấp để thực tập tại Pháp trong các phòng thí nghiệm hoặc các công ty.

Trong khi đó, theo Ban Giám hiệu Trường ĐH Bách khoa, cho đến nay, trong chương trình PFIEV, toàn trường có gần 80 sinh viên thực tập và làm đồ án tốt nghiệp ở nước ngoài. Nhà trường tạo điều kiện thuận tiện để sinh viên triển khai các thủ tục giấy tờ cần thiết. Tuy nhiên, do các doanh nghiệp nước ngoài yêu cầu rất cao về ngoại ngữ (cả tiếng Anh và tiếng Pháp) nên số lượng sinh viên được tuyển chọn hằng năm chưa nhiều.

Hợp tác với Nhật Bản

Bên cạnh Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Đông Á thời gian qua cũng có nhiều nỗ lực giúp sinh viên thực tập tiếp cận với các doanh nghiệp nước ngoài. Đơn cử, cuối tháng 11-2020, trường và tỉnh Nagasaki (Nhật Bản) ký kết trực tuyến thỏa thuận hợp tác toàn diện về chương trình thực tập sinh và việc làm cho sinh viên ngành điều dưỡng tại Nhật Bản.

Trong thỏa thuận, tỉnh Nagasaki chính thức tiếp nhận, triển khai chương trình thực tập một năm và việc làm cho sinh viên ngành điều dưỡng Trường ĐH Đông Á tại hệ thống cơ sở y tế của tỉnh này. Cùng với lộ trình tiếp nhận bắt đầu từ năm 2021 và tăng dần qua mỗi năm từ 10 đến 20 sinh viên, tỉnh Nagasaki cũng có sự hỗ trợ về chỗ ở, sinh hoạt phí, đào tạo kỹ năng nghề nghiệp và học bổng tiếng Nhật dành cho toàn bộ sinh viên tham gia chương trình.

Thạc sĩ Lương Minh Sâm, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Đông Á cho hay, trong thời gian thực tập nghề nghiệp, sinh viên vừa được thực hành nghiệp vụ chuyên môn, tiếp cận môi trường và phương pháp làm việc tiên tiến tại Nhật vừa nâng cao trình độ Nhật ngữ. Sau khi kết thúc chương trình thực tập, sinh viên sẽ trở về trường hoàn thành chương trình học tại ĐH Đông Á. Đây cũng là giai đoạn chuẩn bị để sinh viên có nguyện vọng làm việc tại Nhật bước vào chương trình làm việc chính thức sau khi tốt nghiệp.

“Hợp tác với tỉnh Nagasaki - địa phương thứ 7 của Nhật về chương trình thực tập và làm việc cho sinh viên ĐH Đông Á là hợp tác mang tính bền vững, được kế thừa từ những ký kết trước đó. Đến nay, chúng tôi đã cử hơn 200 sinh viên sang Nhật học tập, làm việc và đang chuẩn bị đưa 300-500 sinh viên có thể sang Nhật trong năm nay và năm tiếp theo”, Thạc sĩ Lương Minh Sâm chia sẻ.

Dự kiến từ 2021, mỗi năm có thêm 800 - 1.000 sinh viên ĐH Đông Á tham gia trao đổi quốc tế hoặc sang Nhật, Đức, Singapore, Hàn, Đài Loan (Trung Quốc)… thực tập và làm việc. Kết quả này giúp sinh viên Đà Nẵng được thực tập và làm việc trong môi trường quốc tế, góp phần nâng cao trình độ, thu nhập của các em sau này.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.