An toàn trường học gắn với tiêm vắc-xin

.

ĐNO - Sáng 28-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 với sự tham gia của các điểm cầu đặt tại 63 tỉnh, thành phố và hơn 400 điểm cầu tại các cơ sở giáo dục đại học.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022. Ảnh: TTXVN

Trường học an toàn

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng kết quả ngành giáo dục đạt được trong năm học vừa qua; biểu dương, ghi nhận tinh thần tham gia chống dịch của ngành giáo dục, đặc biệt tinh thần chủ động xung phong chống dịch của khối các trường y dược.

Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh ngành cần tập trung giải quyết 2 vấn đề: Những vướng mắc trong kế hoạch năm học 2021-2022 và giải quyết các vấn đề đang còn tồn tại của ngành, gắn với mục tiêu thực hiện các nghị quyết về phát triển giáo dục.

Đáng lưu ý, năm học 2021-2022, Chính phủ sẽ có giải pháp bảo đảm an toàn trường học gắn với tiêm vắc-xin. Bộ Y tế phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ em; dựa trên căn cứ khoa học và độ tuổi tiêm vắc-xin để tính toán phân bổ, có kế hoạch tiêm vắc-xin cho phù hợp.

“Các học sinh được tiêm đủ hai mũi vắc-xin có thể đến trường học bình thường kèm thêm các giải pháp chống dịch khác. Chính phủ sẽ làm tất cả những gì có thể để các cháu có thể trở lại trường sớm nhất," Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Đối với giáo viên, hiện Chính phủ đang chỉ đạo các địa phương rà soát lại, nơi nào thiếu vắc-xin cho giáo viên sẽ được bổ sung để sớm tổ chức tiêm khi bước vào năm học mới. Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ cũng nhấn mạnh, cùng với việc tiêm vắc-xin, các trường vẫn phải bảo đảm các điều kiện vật chất và tuân thủ nghiêm các giải pháp an toàn chống dịch.

Đối với các địa phương không có dịch, "vùng xanh", cần tính toán để học sinh trở lại trường nhưng phải có biện pháp sàng lọc, bảo đảm phòng, chống dịch. Với vùng đỏ, vàng, vùng đang diễn biến phức tạp thì giải pháp trước mắt vẫn phải học trực tuyến. Bộ GD&ĐT phải có hướng dẫn để có chương trình dạy và học. Lãnh đạo địa phương phải hết sức hỗ trợ các trường hợp học sinh khó khăn để bảo đảm sự công bằng trong học tập, không để học sinh thất học.

"Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất chia sẻ với việc học sinh không được đến trường mà chỉ được gặp thầy cô, bạn bè qua máy tính. Đây là điều thiệt thòi lớn nhưng cũng là điều kiện để chúng ta có thể thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Chính phủ đang chỉ đạo các địa phương rà soát và tiêm bổ sung vắc-xin cho giáo viên khi bước vào năm hoc mới. Trong ảnh: Ngành y tế Đà Nẵng tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho giáo viên tại các cơ sở giáo dục vào tháng 6-2021. Ảnh: PHAN CHUNG
Chính phủ đang chỉ đạo các địa phương rà soát và tiêm bổ sung vắc-xin cho giáo viên khi bước vào năm hoc mới. Trong ảnh: Ngành y tế Đà Nẵng tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho giáo viên tại các cơ sở giáo dục vào tháng 6-2021. Ảnh: PHAN CHUNG

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, cùng với cả nước, toàn ngành giáo dục đã tham gia tích cực vào công tác phòng, chống Covid-19; triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch với mục tiêu “bảo đảm sức khỏe, an toàn của học sinh, sinh viên, giáo viên lên trên hết”, đồng thời thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”.

Năm học 2020-2021, trước diễn biến phức tạp của Covid-19, Bộ GD&ĐT tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch; tăng cường thực hiện kế hoạch năm học, triển khai dạy học trực tuyến, kiểm tra, đánh giá, ôn thi tốt nghiệp THPT...

Trước mắt, bước vào năm học mới, ngành giáo dục triển khai một số nhiệm vụ cấp bách, nhằm bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh; hạn chế các tác động tiêu cực của dịch bệnh tới giáo dục. Kiên trì mục tiêu chất lượng, phấn đấu hoàn thành mục tiêu năm học; trong đó ưu tiên triển khai dạy - học, linh hoạt thích nghi với các điều kiện và tình hình khác của các vùng miền, địa phương.

Cùng với đó, tổ chức dạy - học trực tuyến hiệu quả, thực hiện chuyển đổi số toàn diện, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, các hướng dẫn, phương pháp liệu, chương trình, nội dung, tư vấn hỗ trợ phụ huynh, đặc biệt lưu ý các giải pháp hỗ trợ học sinh lớp 1 và lớp 2…

Nhiều khó khăn do dịch bệnh

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (trái) và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Đà Nẵng sáng 28-8. Ảnh: PHAN CHUNG
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (trái) và Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Lê Thị Bích Thuận chủ trì hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Đà Nẵng sáng 28-8. Ảnh: PHAN CHUNG

Theo Sở GD&ĐT thành phố, trong 2 năm qua, cùng với toàn xã hội, ngành giáo dục thành phố chịu ảnh hưởng rất lớn bởi Covid-19. Hiện nay tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên ngành giáo dục và UBND các quận, huyện chưa thể hoàn thành việc tuyển dụng và phân bổ giáo viên về các cơ sở giáo dục công lập vào đầu tháng 9 như mọi năm.

Chỉ còn vài ngày nữa sẽ bắt đầu năm học 2021-2022 nhưng hiện nay nhiều trường học được sử dụng làm khu cách ly tập trung để phòng, chống dịch nên chắc chắn ảnh hưởng đến việc khai giảng năm học mới.

Bên cạnh đó, hiện nay nhiều giáo viên và học sinh thuộc diện F0, F1 đang điều trị hoặc cách ly tập trung, chưa kể hàng ngàn giáo viên, học sinh đang ở các khu cách ly y tế nên cũng ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học. Việc tổ chức dạy học trực tuyến cũng gặp nhiều khó khăn do điều kiện của mỗi khu vực dân cư, mỗi cấp học, mỗi trường nên khó áp dụng đồng bộ; khó khăn cho phụ huynh trong việc quản lý, hỗ trợ, đồng hành cùng con cái, đặc biệt là với học sinh nhỏ tuổi.

Hiện nay ngành giáo dục chủ động phối hợp thực hiện Chương trình khai giảng năm học mới qua sóng truyền hình và trực tuyến qua internet để vừa bảo đảm tính truyền thống của “Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường”, nghiêm túc, ấm cúng vừa đảm bảo công tác phòng dịch.

Đối với việc lựa chọn sách giáo khoa cho năm học 2021-2022, ngành giáo dục sớm trình UBND thành phố phê duyệt quy định cụ thể các tiêu chí lựa chọn và thống nhất việc lựa chọn sử dụng 1 bộ sách giáo khoa dùng chung cho toàn thành phố.

Các cơ sở giáo dục khẩn trương rà soát, nắm chắc thông tin, triển khai các biện pháp hỗ trợ học sinh chưa có hoặc chưa đầy đủ sách giáo khoa, đồ dùng học tập để bắt đầu năm học mới.

Về cơ sở vật chất, ngành giáo dục đã phối hợp tham mưu UBND thành phố ban hành đề án “Xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố”; phối hợp với UBND các quận, huyện tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, đề án về tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm đủ phòng học theo lộ trình; ưu tiên bố trí phòng học để 100% học sinh lớp 1, lớp 2 được học 2 buổi/ngày; xây dựng bổ sung phòng học, phòng chức năng, phòng thư viện; mua sắm bàn ghế, máy tính, thiết bị phòng học ngoại ngữ, thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, lớp 6... Tăng cường kiểm tra việc quản lý, sử dụng thiết bị dạy học tại các đơn vị, trường học.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.