Hỗ trợ, tư vấn tâm lý kịp thời cho học sinh

.

Covid-19 kéo dài ảnh hưởng tâm lý học sinh nên các trường học trên địa bàn thành phố đã chuẩn bị kỹ công tác tư vấn, hỗ trợ trong thời gian học trực tuyến và cả khi học sinh quay trở lại trường học trực tiếp.

Nhằm giải tỏa căng thẳng cho học sinh, nhiều trường học tổ chức các hoạt động trực tuyến vừa học, vừa chơi.  Trong ảnh: Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu) với lễ hội hóa trang Halloween trực tuyến.  Ảnh: NGỌC HÀ
Nhằm giải tỏa căng thẳng cho học sinh, nhiều trường học tổ chức các hoạt động trực tuyến vừa học, vừa chơi. TRONG ẢNH: Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu) với lễ hội hóa trang Halloween trực tuyến. Ảnh: NGỌC HÀ

Nhiều tác động về mặt tâm lý

Theo nhiều ý kiến, học sinh ở nhà và học trực tuyến lâu ngày nên có ảnh hưởng tâm lý nhất định. Trước hết, việc gò bó trong không gian sống, không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài hay giao lưu bạn bè nhiều như trước gây ức chế đối với học sinh. Bên cạnh đó, tiếp xúc quá nhiều với internet ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí khiến các em nghiện game và mạng xã hội…

Thầy Lê Thế Toàn, Bí thư Đoàn Trường THPT Sơn Trà cho rằng, hiện nay trên các trang mạng xã hội có nhiều thông tin không chính thống. Bản thân học sinh khó có thể chắt lọc thông tin, từ đó ảnh hưởng tới suy nghĩ, cảm xúc hay nguy cơ xâm hại tình dục trên không gian mạng. Nhằm hỗ trợ học sinh, Đoàn trường tổ chức các hoạt động sinh hoạt chủ đề, cung cấp những thông tin, kỹ năng sống bổ ích cho học sinh như tuyên truyền phòng, chống ma túy và tệ nạn xã hội; diễn đàn xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường…

Không chỉ về cảm xúc, theo cô Lê Thị Hoàng Chinh, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (quận Thanh Khê), đối với học sinh lớp 6, khi chuyển tiếp từ bậc tiểu học lên, việc tiếp cận những môn học mới khiến tâm lý các em chưa sẵn sàng, bị áp lực. Giai đoạn này, giáo viên chủ nhiệm và các tổ chức Đoàn Đội, tổ tư vấn tâm lý nhà trường tiến hành hỗ trợ kịp thời cài đặt thiết bị, chuyển tài liệu đến học sinh, hướng dẫn cách học để các em không bị khủng hoảng.

Đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ

Nhận thấy những ảnh hưởng do Covid-19 tác động đến học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có công văn gửi các sở GD&ĐT; các trường đại học, học viện, trường cao đẳng sư phạm về việc hỗ trợ tâm lý học sinh, sinh viên trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Đồng thời, tổ chức tập huấn trực tuyến cho cán bộ, giáo viên ở các trường phổ thông. Đây là cơ sở để các đơn vị giáo dục đẩy mạnh, phát huy vai trò của tổ tư vấn tâm lý, tổ công tác xã hội trong nhà trường.

Thầy Phạm Thanh Bửu, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu) cho biết, nhà trường thành lập tổ tham vấn tâm lý học đường gồm 6 thành viên, cử giáo viên tham gia các đợt tập huấn do Bộ GD&ĐT, Thành Đoàn tổ chức.

“Tổ tham vấn tâm lý phối hợp giáo viên chủ nhiệm, tổng phụ trách Đội, nhân viên y tế học đường theo dõi, giúp đỡ, hỗ trợ học sinh kịp thời, nhất là khi các em đi học trực tiếp trở lại. Đồng thời, nếu phát hiện có tình trạng sang chấn tâm lý do nghỉ học dài ngày, học online, sử dụng thiết bị điện tử, sử dụng mạng xã hội… dẫn đến thay đổi tâm lý, nổi loạn… thì lập tức can thiệp”, thầy Bửu chia sẻ.

Theo thầy Lê Thế Toàn, do đặc thù ở một số trường học, thành viên tổ tư vấn tâm lý là những thầy cô kiêm nhiệm nên nếu những vấn đề mà tổ không giải quyết được thì giới thiệu các em đến những nơi có chuyên môn cao hơn. Sau đó, thầy cô có quá trình đánh giá hậu tư vấn để xem phương pháp, định hướng có tác động tích cực tới học sinh.

“Việc hỗ trợ tâm lý giúp học sinh nâng cao hiểu biết về bản thân, hoàn cảnh gia đình, các mối quan hệ xã hội, từ đó tăng cảm xúc tích cực, tự đưa ra quyết định trong các tình huống khó khăn. Vì thế thầy cô, tổ tư vấn cần phải là người định hướng, hỗ trợ và là một người bạn đồng hành của các em”, thầy Toàn nói.

Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hằng Phương (Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng) cho rằng, việc các trường chủ động lên kế hoạch cũng như cử giáo viên tham gia tập huấn về tư vấn hỗ trợ tâm lý học sinh trong bối cảnh Covid-19 kéo dài là điều cần thiết.

“Bên cạnh nhà trường, phụ huynh cũng đóng vai trò quan trọng. Hãy truyền cho các em suy nghĩ, nhìn nhận tích cực về cuộc sống, bắt đầu từ những việc tốt đang diễn ra hằng ngày. Trong trường hợp căng thẳng, hãy gọi đến các đường dây nóng để nhận được sự trợ giúp của các nhà tâm lý và công tác xã hội sớm nhất. Tôi sẵn sàng hỗ trợ các trường, phụ huynh nếu gặp phải tình huống cần giúp đỡ”, Tiến sĩ Hằng Phương nói.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.