Giáo dục

Những nữ sinh viên đam mê công nghệ

13:31, 07/01/2022 (GMT+7)

Vượt qua những thử thách, khó khăn khi tiếp cận lĩnh vực công nghệ, các nữ sinh viên thuộc Đại học (ĐH) Đà Nẵng gặt hái kết quả ban đầu và lọt vào tốp 20 gương mặt nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học công nghệ toàn quốc năm 2021.

Sinh viên Thái Thị Thu Loan (thứ hai, bên trái sang) đoạt giải Nhì cuộc thi lập trình khu vực miền Trung và Tây Nguyên  DUTPC 2020. (Ảnh chụp thời điểm không có Covid-19). Ảnh: P.V
Sinh viên Thái Thị Thu Loan (thứ hai, bên trái sang) đoạt giải Nhì cuộc thi lập trình khu vực miền Trung và Tây Nguyên DUTPC 2020. (Ảnh chụp thời điểm không có Covid-19). Ảnh: P.V

Điểm chung của Thái Thị Thu Loan, sinh viên năm 4 khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Bách khoa và Phạm Vũ Thu Nguyệt, sinh viên năm 3 khoa Khoa học máy tính, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU) là quyết tâm theo đuổi ngành nghề vốn được mặc định “dành cho nam giới”. Thu Loan chia sẻ, ngay từ khi bắt đầu học tin học vào năm lớp 8 đã rất thích môn học này.

Suốt những năm học phổ thông, Loan tham gia các cuộc thi “Lập trình thi đấu”, thi thuật toán hay thử sức viết chương trình game đơn giản, phổ biến trong cộng đồng bạn bè… Từng cuộc thi hay sản phẩm tự tạo đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành sinh viên công nghệ thông tin của Loan. Vào đại học, nữ sinh viên này tiếp tục tham gia các cuộc thi lập trình thi đấu ở mức độ cao hơn, đòi hỏi người tham gia nắm vững chuyên môn về thuật toán cũng như tốc độ lập trình cao.

Thu Loan đoạt giải Nhì cuộc thi CodeWar 2018, giải Nhì cuộc thi DUTPC 2020, vào Chung kết cuộc thi DUTPC 2021 do khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Bách khoa tổ chức; viết các phần mềm có tính ứng dụng cao như: hệ thống so khớp khuôn mặt để chống thi hộ, hệ thống quản lý các hoạt động thiện nguyện…

Không như Thu Loan, dự định ban đầu của Phạm Vũ Thu Nguyệt là theo đuổi ngành y đa khoa. Tuy nhiên, sau khi đọc nhiều tài liệu khoa học và theo dõi tin tức thì em nhận thấy nền y tế truyền thống còn nhiều hạn chế và công nghệ sẽ là cách để giúp nền y tế Việt Nam tiếp cận được các thành tựu khoa học mới.

Do vậy, Nguyệt quyết định rẽ hướng. “Sự thay đổi về dự định nghề nghiệp khiến em gặp nhiều khó khăn khi chuyển hướng từ khối B sang khối A để theo đuổi ngành công nghệ thông tin. Lúc đó, em quyết định rời đội tuyển Toán để dành phần lớn thời gian học thêm các kiến thức tin học căn bản, tìm hiểu thêm về các hướng công nghệ mới, nhằm có một định hướng cụ thể về con đường mình sẽ đi”, Nguyệt tâm sự. Quyết tâm theo đuổi đam mê, đến nay, Nguyệt trở thành sinh viên năm 3 ngành Khoa học máy tính, chuyên ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo.

Nữ sinh này đã giành nhiều giải thưởng công nghệ như giải Nhất và giải Nhì hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường, quán quân cuộc thi lập trình “Best Website Design 2021”, giải Nhì cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp - GBA Business Challenge 2020” và là thành viên chính thức đội tuyển ACM/ICPC - Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam của trường.

Vẫn ấp ủ về các dự án Tin - Y sinh, sinh viên Phạm Vũ Thu Nguyệt mong muốn tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, ứng dụng công nghệ vào ngành y khoa. Trong tương lai, Nguyệt ấp ủ phát triển hệ sinh thái y tế bao gồm các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc phát hiện và phân loại các loại bệnh.

Hệ sinh thái gồm có công nghệ xử lý hình ảnh X-quang và xét nghiệm máu, nước tiểu… và sau đó được tải lên cơ sở dữ liệu Blockchain (cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin được mã hóa) để mọi người đều có thể truy cập. “Điều này xuất phát từ ước mơ làm bác sĩ của em và em sẽ sử dụng sức mạnh công nghệ để có thể cứu người”, Nguyệt khẳng định.

Trong khi đó, sinh viên Thái Thị Thu Loan dự định sau khi tốt nghiệp đại học sẽ sang Nhật Bản - một trong những nước phát triển về khoa học - công nghệ để làm việc, học hỏi thêm. Từ những kiến thức tiếp thu được, Thu Loan mong muốn quay về cống hiến cho quê hương Đà Nẵng. “Em đặc biệt hứng thú với lĩnh vực y khoa - giáo dục.

Em mong rằng bản thân có thể kết hợp niềm đam mê đó với kiến thức chuyên ngành công nghệ của mình để tạo ra thật nhiều phần mềm đóng góp cho quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực này. Việc ứng dụng công nghệ sẽ giảm thiểu được thời gian, chi phí và tiêu tốn các nguồn lực không cần thiết như hiện tại”, Thu Loan bày tỏ.

NGỌC HÀ

.