Khát vọng Đại học Quốc gia Đà Nẵng

.

Văn phòng Chính phủ đã có thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xử lý kiến nghị của thành phố Đà Nẵng, trong đó có chủ trương phát triển Đại học (ĐH) Đà Nẵng thành ĐH Quốc gia (ĐHQG) Đà Nẵng: “Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan hỗ trợ ĐH Đà Nẵng hoàn thiện thủ tục, nghiên cứu Chiến lược phát triển ĐHQG Đà Nẵng trong mối tương quan với hai ĐHQG để đào tạo nhân lực chất lượng cao cho cả nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”. Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, về nội dung này.

...
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐH Đà Nẵng.

* Đến thời điểm này, ĐH Đà Nẵng đã chuẩn bị những gì để thực hiện chiến lược phát triển thành ĐHQG Đà Nẵng, thưa ông?

- ĐH Đà Nẵng đang triển khai Chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 (đang điều chỉnh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045) với mục tiêu “trở thành một trong ba trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học uy tín của cả nước”. Đây cũng là mục tiêu để ĐH Đà Nẵng trở thành ĐHQG. Để đạt được mục tiêu này, trong những năm qua, ĐH Đà Nẵng tập trung phát triển 3 trụ cột chính:

Một là, xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy - nghiên cứu trình độ cao. Đây là yếu tố quan trọng nhất để phát triển ĐH Đà Nẵng trong những năm sắp tới. Nhờ nỗ lực liên tục của đội ngũ cán bộ giảng dạy và sự hỗ trợ của các trường thành viên, ĐH Đà Nẵng có lực lượng hùng hậu cán bộ giảng dạy - nghiên cứu bậc cao trình độ tiến sĩ. Lực lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên chiếm 43% số cán bộ giảng dạy toàn ĐH Đà Nẵng. Riêng Trường ĐH Bách khoa, tỷ lệ này 68%, là một trong những trường có tỷ lệ tiến sĩ cao nhất nước. ĐH Đà Nẵng có 116 giáo sư, phó giáo sư làm trụ cột cho các bộ môn chuyên ngành.

Hai là, uy tín chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của ĐH Đà Nẵng không ngừng được cải thiện. Nhờ chương trình đào tạo cập nhật thường xuyên, phương pháp giảng dạy đổi mới, thích nghi mọi tình huống, sinh viên tốt nghiệp tại ĐH Đà Nẵng có tính cạnh tranh cao trên thị trường lao động trong nước và quốc tế. Nhiều ngành nghề mới mang tính liên ngành ra đời, đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động trong kỷ nguyên số.

Đây là thế mạnh của ĐH vùng, có thể phối hợp chuyên môn giữa các trường ĐH thành viên. Phần lớn các trường ĐH thành viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng trong nước, riêng Trường ĐH Bách khoa là một trong 7 trường ĐH Việt Nam đạt tiêu chuẩn chất lượng đào tạo quốc tế. Hiện nay, ĐH Đà Nẵng có 34 chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng, trong đó 28 chương trình đạt kiểm định khu vực và quốc tế.

Trong năm 2021, gần 500 công trình nghiên cứu của cán bộ, giảng viên công bố kết quả trên các tạp chí khoa học uy tín thế giới (danh mục WoS và Scopus), Tạp chí Khoa học và Công nghệ ĐH Đà Nẵng được vào Cơ sở dữ liệu trích dẫn Đông Nam Á (Asean Citation Index). Trong nhiều năm liền, ĐH Đà Nẵng luôn nằm trong top 10 trường ĐH Việt Nam lọt vào danh sách 500 trường ĐH tốt nhất châu Á theo xếp hạng QS-ranking.

Ba là, xây dựng cơ sở vật chất phát triển lâu dài. Nhờ nguồn lực tài chính ổn định, quy mô lớn, cơ sở vật chất của ĐH Đà Nẵng liên tục được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Mới đây, Chính phủ quan tâm ưu tiên đầu tư nguồn vốn ODA 100 triệu USD vay của WB để xây dựng các công trình cấp thiết tại Khu đô thị ĐH Đà Nẵng tại phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) và phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cho ĐH Đà Nẵng để phát triển xứng tầm trong tương lai… Đây chính là tiềm lực, lợi thế lớn, thể hiện tính vượt trội để gánh vác sứ mệnh, nhiệm vụ quốc gia.

* Việc trở thành ĐHQG Đà Nẵng sẽ góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng như thế nào?

- Mục tiêu trở thành ĐHQG của ĐH Đà Nẵng không phải để thay đổi danh xưng mà căn bản thay đổi chất trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là một trong những khâu đột phá để đưa đất nước ta phát triển thịnh vượng, hùng cường.

Nghị quyết số 43/NQ-TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chỉ ra những định hướng chiến lược để phát triển Đà Nẵng trong những thập niên sắp tới, đó là xây dựng thành phố thông minh, sáng tạo, khởi nghiệp trở thành “trung tâm kinh tế - xã hội lớn, hạt nhân chuỗi đô thị, cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”. Để thực hiện được các mục tiêu phát triển thành phố theo Nghị quyết số 43-NQ/TW, cơ cấu nhân lực của thành phố phải khác biệt nhiều so với hiện nay. Theo đó, đội ngũ nhân lực có trình độ tương đương bậc 7 theo khung trình độ quốc gia Việt Nam phải chiếm tỷ lệ cao.

Mặt khác, khi tài nguyên tự nhiên, đất đai và lợi thế biển của Đà Nẵng được huy động, khai thác ở mức cao, thành phố cần có động lực mới dựa trên nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển các ngành mũi nhọn, công nghệ cao, công nghệ nguồn và dịch vụ đem lại năng suất, giá trị gia tăng lớn, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Covid-19 những năm qua cho thấy những yếu điểm nếu nền kinh tế phụ thuộc nhiều dịch vụ truyền thống nhưng nó cũng mở ra những lối đi cho những ngành dịch vụ phi truyền thống.

Tương tự như vậy, các ngành công nghệ, sản xuất cũng sẽ định hình lại sản phẩm thích nghi với thay đổi khó lường của dịch bệnh, môi trường… Do đó, ngành nghề đào tạo cũng phải thay đổi, linh hoạt. Để thực hiện được những điều đó, ĐH Đà Nẵng cần được đầu tư trọng điểm, được giao cơ chế tự chủ cao nhất mà trong hệ thống ĐH nước ta hiện nay chỉ có ĐHQG mới đáp ứng được.

Đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng lãnh đạo Đại học Đà Nẵng kiểm tra thực tế dự án Làng Đại học Đà Nẵng trong tháng 3 -2022.  Ảnh: NGỌC HÀ
Đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng lãnh đạo Đại học Đà Nẵng kiểm tra thực tế dự án Làng Đại học Đà Nẵng trong tháng 3 -2022. Ảnh: NGỌC HÀ

* Đến nay, các thủ tục cần thiết để xây dựng ĐH Đà Nẵng thành ĐHQG còn vướng ở đâu, cần giải pháp gì để thúc đẩy tiến trình này?

-  Tôi nghĩ việc tổ chức ĐH Đà Nẵng thành ĐHQG Đà Nẵng là rất cần thiết. Những điều kiện để ĐH Đà Nẵng chuyển sang hoạt động theo mô hình ĐHQG đã có sẵn trên cơ sở kinh nghiệm nhiều năm hoạt động theo mô hình ĐH vùng. Đảng bộ thành phố Đà Nẵng và Đảng bộ tỉnh Quảng Nam cũng ủng hộ mạnh mẽ chủ trương này. Cái vướng ở đây là quy hoạch tổng thể của hệ thống các trường ĐH cũng như quy trình, thủ tục thành lập ĐHQG.

Miền Trung cần có một ĐHQG ở Đà Nẵng để đào tạo nhân lực chất lượng cao cho cả vùng. ĐHQG Đà Nẵng trong tương lai sẽ đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng nói riêng và cả miền Trung - Tây Nguyên nói chung. Nguồn nhân lực đó có những yêu cầu khác biệt so với khu vực phía Bắc và phía Nam. Vì thế, ĐHQG Đà Nẵng hình thành không phải để cạnh tranh với hai ĐHQG hiện có, mà để hỗ trợ lẫn nhau trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước.

Cái vướng hiện nay không phải thuộc thẩm quyền địa phương, cũng không phải ở sự chuẩn bị sẵn sàng của ĐH Đà Nẵng, mà ở quy hoạch mạng lưới các trường ĐH hiện hành. Một khi ĐHQG Đà Nẵng được Chính phủ và Bộ GD&ĐT thống nhất chủ trương và đưa vào quy hoạch mạng lưới điều chỉnh, tiến trình thành lập ĐHQG Đà Nẵng sẽ được ĐH Đà Nẵng khẩn trương thực hiện.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

NGỌC HÀ thực hiện

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích
Du Học - Đặt Cược Cho Tương Lai Đại học Duy Tân xếp hạng 495 theo Qs ranking 2025