Giáo dục

Ôn tập thi tốt nghiệp THPT: Không để "nước đến chân mới nhảy"

13:59, 17/03/2022 (GMT+7)

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là thách thức lớn với học sinh lớp 12 khi các em trải qua gần 3 năm học đầy biến động do Covid-19. Do đó, bên cạnh kế hoạch ôn tập, giảng dạy của nhà trường, bản thân mỗi học sinh nỗ lực, cố gắng với phương châm “không để nước đến chân mới nhảy”.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Hoàng Hoa Thám tranh thủ thời gian học trực tiếp để củng cố, bổ sung kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: NGỌC HÀ
Học sinh lớp 12 Trường THPT Hoàng Hoa Thám tranh thủ thời gian học trực tiếp để củng cố, bổ sung kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: NGỌC HÀ

Không lơ là, chủ quan

Theo ghi nhận, từ tháng 1, học sinh lớp 12 trên địa bàn thành phố đăng ký chọn tổ hợp thi tốt nghiệp THPT 2022 và nỗ lực ôn tập để chuẩn bị tốt cho kỳ thi. Dự định thi vào ngành Tài chính - Ngân hàng Trường Đại học (ĐH) Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh hoặc ngành Sư phạm Hóa của Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng, Từ Quang Minh (học sinh lớp 12/8, Trường THPT Hoàng Hoa Thám) vạch ra kế hoạch ôn tập từ sớm.

Minh chia sẻ, gần 3 năm qua, học sinh THPT học trực tuyến thời gian dài. Dù thích nghi tốt đến mấy hiệu quả không bằng học trực tiếp nên học sinh tự học là chủ yếu; đồng thời, tranh thủ thời gian học trực tiếp để củng cố kiến thức, nhờ thầy cô giảng giải thêm. “Mùa tuyển sinh năm nay, học sinh có nhiều cách để xét tuyển vào các trường ĐH như kỳ thi đánh giá năng lực, xét tuyển học bạ, tốt nghiệp THPT… nên khả năng cạnh tranh khá cao. Vì vậy, để đạt được mục tiêu vào các trường mong muốn, em sẽ cố gắng, không lơ là, chủ quan”, Minh nói.

Tương tự, Ngô Trần Việt Tiên (học sinh lớp 12C2, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) tham gia xét tuyển một số trường: ĐH Luật Hà Nội, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền... Vừa hoàn thành kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2021-2022, em tập trung ôn tập chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng sắp tới.

Theo Việt Tiên, những tháng gần đây khi nhà trường chuyển từ học trực tuyến sang trực tiếp cùng với việc các cơ sở, trung tâm dạy thêm mở lại, tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội học tập, củng cố kiến thức. “Để nắm vững kiến thức cơ bản, em ôn tập thường xuyên, trên lớp học đến đâu về nhà ôn luyện tới đó, không để tình trạng nước tới chân mới nhảy”, Việt Tiên chia sẻ.

Các trường triển khai ôn tập

Đến thời điểm hiện tại, các trường THPT trên địa bàn thành phố đã triển khai kế hoạch ôn tập cho học sinh trước kỳ thi quan trọng này, như: tăng cường chuyển bài tập, tài liệu ôn tập cho học sinh, tranh thủ thời gian vàng dạy học trực tiếp để rèn kiến thức, kỹ năng cho học sinh, tổ chức dạy phụ đạo…

Trường THPT Thái Phiên dạy kiến thức mới và ôn tập tăng cường các môn thi tốt nghiệp vào chiều thứ Năm hằng tuần. Theo đó, nội dung ôn tập bám sát kiến thức chương trình, sách giáo khoa, sau đó mở rộng và nâng cao. Bên cạnh củng cố, bổ sung kiến thức, nhà trường hướng dẫn học sinh kỹ càng trong việc làm hồ sơ xét tuyển các trường ĐH; động viên, nói chuyện với học sinh để tránh hiện tượng căng thẳng, áp lực trước các kỳ thi.

Tương tự, sau khi thống nhất với cha mẹ học sinh, từ ngày 14-3, Trường THPT Sơn Trà tổ chức dạy phụ đạo 9 môn thi tốt nghiệp (1 tiết/tuần); các môn Toán, tiếng Anh, Văn dạy theo lớp và các môn tổ hợp chia theo nhóm lớp dựa vào danh sách đăng ký của học sinh. Trong tháng 4, nhà trường phối hợp một số trường THPT trên địa bàn thành phố tổ chức thi thử tốt nghiệp lần 1, sau khi kiểm tra cuối học kỳ 2 tập trung ôn tập đến hết tháng 6.

Bên cạnh dạy và ôn tập trực tiếp trên lớp, Trường THPT Phan Châu Trinh còn chỉ đạo tổ, giáo viên soạn nội dung ôn tập, ngân hàng đề thi đăng web và gửi học sinh để chủ động ôn tập, làm bài tập với nhiều dạng khác nhau. Có vấn đề gì chưa hiểu, học sinh trao đổi với giáo viên trực tiếp hoặc email, zalo lớp… Sau thời gian hoàn thành tương đối chương trình năm học cũng như rèn luyện cho học sinh kỹ năng cần thiết, nhà trường sẽ tổ chức thi thử, bám sát cấu trúc đề của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Theo thầy Nguyễn Quang Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh, việc thi thử không chỉ giúp học sinh tăng cường kỹ năng làm bài, rút ra kinh nghiệm cần thiết mà còn dựa vào đó, giáo viên hướng dẫn, phân tích lỗi thường mắc phải của học sinh…

Nhiều cán bộ quản lý các trường THPT cũng lưu ý một bộ phận học sinh có tâm lý chủ quan với kỳ thi tốt nghiệp THPT nên không đạt kết quả cao. Thầy Nguyễn Cửu Huy, Hiệu trưởng Trường THPT Thái Phiên cho biết, nhà trường quán triệt giáo viên bám sát học sinh, đôn đốc ôn tập; hệ thống hóa kiến thức theo từng môn, từng chương, từng bài; đối với các phần tinh giản theo Công văn số 4040/BGDĐT-GDTrH 2021 của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, THPT ứng phó Covid-19, học sinh không ôn kỹ nhưng cũng không hoàn toàn bỏ qua.

“Đối với lớp học tăng cường, nhà trường giao giáo viên theo dõi, điểm danh mỗi buổi để nắm bắt tình hình học sinh. Học sinh trải qua giai đoạn học tập khó khăn do ảnh hưởng Covid-19 nên nhà trường luôn tạo mọi điều kiện để các em học tập, ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp đến”, thầy Huy chia sẻ.

NGỌC HÀ

.