Giáo dục

Bệ phóng cho sáng tạo khoa học

14:05, 10/03/2022 (GMT+7)

Bên cạnh cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp thành phố dành cho học sinh trung học, các trường đại học (ĐH) cũng tạo ra nhiều sân chơi sáng tạo khoa học dành cho bậc học này. Đây là nền tảng để học sinh đam mê nghiên cứu, có nhiều sản phẩm mang tính thực tiễn cao.

Nhóm học sinh Trường THPT Hòa Vang giành giải Nhất cuộc thi Trải nghiệm sáng tạo cùng Intel Galileo U-Invent do Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (Đại học Đà Nẵng) tổ chức. Ảnh: NGỌC HÀ
Nhóm học sinh Trường THPT Hòa Vang giành giải Nhất cuộc thi Trải nghiệm sáng tạo cùng Intel Galileo U-Invent do Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (Đại học Đà Nẵng) tổ chức. Ảnh: NGỌC HÀ

Tính từ năm học 2011-2012 đến nay, Đà Nẵng 11 năm liên tục tổ chức cuộc thi KHKT cấp thành phố dành cho học sinh trung học. Số lượng và chất lượng dự án mỗi năm đều tăng. Riêng năm học 2021-2022, cuộc thi thu hút 293 học sinh dự thi và 158 giáo viên hướng dẫn đến từ 30 đơn vị, 158 dự án của 22 lĩnh vực dự thi; trong đó, cấp THCS có 60 dự án, cấp THPT và trường nhiều cấp học có 98 dự án. Từ cuộc thi, học sinh sáng tạo nhiều sản phẩm gắn liền thực tiễn và dự kiến tiếp tục phát triển ở mức cao hơn.

Chẳng hạn dự án “Hệ thống kiểm soát, thông tin nhanh về tình trạng nguy cấp của bệnh nhân Covid-19 hỗ trợ điều trị F0 tại nhà” của học sinh Dương Đắc Tiến (Trường THPT Hoàng Hoa Thám) và Nguyễn Ngọc Mai Khanh (Trường THCS Kim Đồng) đoạt giải Nhất tại cuộc thi năm 2021-2022. Sau 9 tháng tìm hiểu, mày mò nghiên cứu, hai học sinh trung học này đưa vào vận hành thành công hệ thống kiểm soát, thông tin nhanh về tình trạng nguy cấp của bệnh nhân Covid-19 đến bác sĩ trong việc hỗ trợ điều trị, cách ly y tế tại nhà.

Theo đó, thông qua thiết bị cảm biến, các chỉ số đo SpO2, nhịp tim, nhiệt độ của người bệnh được hiển thị ở hệ thống hồ sơ bệnh án trên website. Trong trường hợp các chỉ số ở ngưỡng nguy hiểm, hệ thống kích hoạt tình trạng khẩn cấp trên website, đồng thời phát tin nhắn SMS cảnh báo về điện thoại bác sĩ.

Em Dương Đắc Tiến chia sẻ, nghiên cứu của nhóm góp phần giảm áp lực trong điều trị bệnh, cách ly tập trung cũng như nâng cao hiệu quả điều trị, cách ly tại nhà trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Trong tương lai, nhóm tiếp tục phát triển đề tài, cải thiện thêm nhiều tính năng hỗ trợ điều trị một số loại bệnh khác, hướng tới mô hình bác sĩ gia đình.

“Điều đọng lại trong em sau cuộc thi là được trải nghiệm môi trường học tập đầy tính khoa học và sáng tạo; giúp em vượt qua được giới hạn của bản thân và chạm vào lĩnh vực KHKT khá mới mẻ”, Tiến nói.

Tương tự, đề tài “Hộp đựng thức ăn thay thế hộp xốp” của nhóm học sinh Trường THPT Hòa Vang giành giải Nhất cuộc thi Trải nghiệm sáng tạo cùng Intel Galileo U-Invent do Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (VNUK, ĐH Đà Nẵng) tổ chức dành cho học sinh các trường THPT mùa thứ 4, cũng tạo ấn tượng bởi tính thực tiễn cao.

Lê Thị Nhung Nguyệt, nhóm trưởng cho biết, các em nhận thấy quanh mình mọi người xem nhẹ tác hại của việc sử dụng hộp xốp. Vì vậy, nhóm tạo ra hộp đựng thức ăn thay thế hộp xốp với nguyên liệu từ thiên nhiên với mong muốn góp phần thay đổi thói quen sử dụng hộp xốp, giảm thiểu lượng rác thải nhựa ra môi trường.

Đề tài phù hợp với chủ đề của cuộc thi “Sáng tạo công nghệ vì vấn đề lương thực thực phẩm”. Nhóm chọn các vật liệu từ bã mía và bã rơm (theo mùa bã rơm được thay đổi linh hoạt để đáp ứng nguồn nguyên liệu). Do đó, sản phẩm an toàn sức khỏe người tiêu dùng vì không sử dụng chất kết dính hóa học, thân thiện môi trường và có thể tái chế sau khi sử dụng, cung cấp nguyên liệu làm đất sạch…

Theo Nhung Nguyệt, việc đưa sản phẩm vào thực tiễn cần có kế hoạch nghiên cứu sâu hơn nữa, nhất là giá thành. Tuy nhiên, bài học nhóm có được khi đến với cuộc thi là kỹ năng mềm như: khả năng phản biện, làm việc nhóm, tư duy...

TS. Nguyễn Thị Mỹ Hương, Viện trưởng VNUK cho rằng, làn sóng khởi nghiệp cùng sự phát triển thần tốc của khoa học công nghệ, đặc biệt giai đoạn Covid-19 bùng phát, khẳng định số hóa là lẽ sống còn cho mọi tổ chức. Từ năm 2018, VNUK triển khai tổ chức cuộc thi đổi mới sáng tạo dành cho học sinh THPT nhằm giúp các em tiếp cận sớm với lĩnh vực khoa học, công nghệ.

“Cuộc thi là cơ hội và bệ phóng cho các thí sinh, tài năng trẻ của thành phố có sự chuẩn bị và tự tin để tiến vào các đấu trường tầm cỡ như cuộc thi Khoa học cấp quốc gia ViSEF, các cuộc thi KHKT... Bước ra từ cuộc thi, mỗi học sinh đều được truyền cảm hứng về tinh thần sáng tạo khoa học công nghệ cho cộng đồng, xã hội”, TS. Mỹ Hương nhấn mạnh.

Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho rằng, bên cạnh cuộc thi KHKT cấp thành phố do sở tổ chức, các đơn vị thành viên của ĐH Đà Nẵng như VNUK tổ chức cuộc thi đổi mới sáng tạo, Trường ĐH Bách khoa triển khai khóa học về STEM dành cho các trường THPT... đã tạo ra nhiều sân chơi góp phần truyền cảm hứng cho học sinh niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ; định hướng lĩnh vực phù hợp trong nghề nghiệp tương lai.

NGỌC HÀ

.