Giáo dục

Phát triển giáo dục xứng tầm với vị thế của Đà Nẵng

20:58, 18/03/2022 (GMT+7)

ĐNO - Chiều 18-3, đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu có buổi làm việc với lãnh đạo thành phố về hoạt động, định hướng phát triển GD&ĐT của Đà Nẵng và tình hình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án Làng Đại học Đà Nẵng. 

Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng; Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh; Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam và Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (thứ 5, trái sang), Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (thứ hai, trái sang), Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam (bìa trái) và Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến (thứ 3, trái sang) tặng quà lưu niệm cho đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: NGỌC HÀ
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (thứ 5, trái sang), Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (thứ hai, trái sang), Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam (bìa trái) và Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến (thứ 3, trái sang) tặng quà lưu niệm cho đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: NGỌC HÀ

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn ghi nhận những kết quả tích cực trong hoạt động giáo dục của thành phố; tuy nhiên so với tầm vóc, kỳ vọng, tiềm năng của Đà Nẵng thì lĩnh vực giáo dục còn nhiều thách thức.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị thành phố phát triển giáo dục xứng tầm, tạo động lực phát triển cho tương lai. Để làm được điều đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn yêu cầu, trong chiến lược phát triển toàn diện, Đà Nẵng cần có đề án quy hoạch, dành quỹ đất, không gian cho giáo dục với tầm nhìn dài hạn; dự báo nhu cầu nguồn nhân lực cho cả thành phố, tính toán đến giáo dục mũi nhọn, giáo dục tài năng, năng khiếu… ở chuẩn cao hơn.

Trong chiến lược phát triển thành phố thông minh, cần tích hợp không gian, hạ tầng số cho giáo dục thường xuyên, tạo nên xã hội học tập ngoài trường học. Ngoài quy hoạch tổng thể, dành nguồn lực lớn để đầu tư cho giáo dục, như vậy mới có thể xứng tầm với vị thế của thành phố động lực miền Trung. Đồng thời, Đà Nẵng cần phát huy lợi thế xã hội hóa đã làm tốt ở bậc mầm non để đẩy mạnh xã hội hóa ở các bậc học còn lại, từ đó tạo đột phá trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Trước mắt, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị Đà Nẵng chuẩn bị kỹ kế hoạch triển khai chương trình đổi mới giáo dục phổ thông 2018 cho năm học 2022-2023 và những năm tiếp theo bởi đây là quyết tâm chính trị của cả nước; cần tập trung chọn sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất… Đà Nẵng cũng xem xét hỗ trợ tối đa cho dự án Làng Đại học Đà Nẵng; trong đó có hỗ trợ giải phóng mặt bằng theo hình thức cuốn chiếu.

Báo cáo với đoàn làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết, thời gian qua, Đà Nẵng là một trong những địa phương dành nguồn kinh phí hằng năm cho giáo dục lớn nhất. Ảnh hưởng dịch bệnh nhưng năm học 2022, thành phố vẫn dành 2.190 tỷ chi thường xuyên cho giáo dục, chiếm 30% chi thường xuyên của toàn thành phố, chưa kể 550 tỷ đầu tư cho giáo dục.

Trong hai năm qua, hoạt động GD&ĐT của thành phố cũng thích nghi phù hợp với dịch bệnh; đồng thời bên cạnh chính sách chung của Chính phủ, HĐND thành phố có nhiều chính sách riêng cho giáo dục như: miễn học phí, hỗ trợ giáo viên mầm non...

Thời gian qua, Đà Nẵng cũng xem các vấn đề liên quan đến dự án Làng Đại học Đà Nẵng là vấn đề chung của thành phố. Thành phố thống nhất dùng kinh phí của địa phương để xây dựng khu tái định cư và thu lại nguồn kinh phí trên từ việc thu tiền sử dụng đất của các hộ dân nhận đất tái định cư.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: NGỌC HÀ
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: NGỌC HÀ

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cũng cho rằng, so với yêu cầu, phát triển giáo dục vẫn chưa thỏa đáng. Những định hướng của Bộ GD&ĐT phù hợp với mục tiêu giáo dục trong thời gian tới, thành phố và cụ thể là Đại học Đà Nẵng, Sở GD&ĐT sẽ tiếp thu.

Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng mong muốn Bộ GD&ĐT tháo gỡ những chính sách liên quan đến giáo dục mà địa phương đề xuất như: tinh giản biên chế, chuẩn giáo viên… Đồng thời, bộ cũng quan tâm đến vấn đề giải phóng mặt bằng đối với dự án Làng Đại học Đà Nẵng.

Theo Sở GD&ĐT, năm học 2021-2022 bắt đầu trong điều kiện học sinh không thể đến trường, lễ khai giảng và việc triển khai tổ chức dạy học năm học mới phải thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Đội ngũ giáo viên ở Đà Nẵng đã khắc phục khó khăn, có nhiều giải pháp sáng tạo để bảo đảm chất lượng giáo dục khi học sinh phải học trực tuyến trong thời gian dài. Đà Nẵng đã thực hiện lộ trình mở cửa trường học, đón học sinh trở lại trường học trực tiếp. Đến nay, việc tổ chức dạy học trực tiếp cũng như chủ động chuyển đổi hình thức trực tiếp - trực tuyến được các trường tiến hành nền nếp, dần ổn định tình hình dạy - học.

NGỌC HÀ

.