Hướng đến trường học không rác thải nhựa

.

Giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường, các trường học có nhiều hoạt động thiết thực như: đổi rác lấy quà, thu gom rác thải nhựa, xây dựng mô hình trường học không rác thải nhựa... để xây dựng lối sống xanh bền vững.

Hoạt động đổi rác lấy quà được phụ huynh, học sinh hưởng ứng mạnh mẽ.  Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu) mang vỏ chai nhựa đến đổi quà. Ảnh: NGỌC HÀ
Hoạt động đổi rác lấy quà được phụ huynh, học sinh hưởng ứng mạnh mẽ. TRONG ẢNH: Học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu) mang vỏ chai nhựa đến đổi quà. Ảnh: NGỌC HÀ

Hình ảnh 4 chậu cây xanh được giáo viên chủ nhiệm lớp 4/2 Trường Tiểu học Ông Ích Khiêm (quận Hải Châu) đăng trên nhóm zalo của lớp kèm thông tin: “thành quả của việc đổi rác lấy cây xanh” được phụ huynh, học sinh đồng loạt “thả tim”. Đây là hoạt động do Chi đoàn nhà trường phát động nhằm giáo dục học sinh về tác hại của rác thải nhựa và tăng không gian xanh trong cộng đồng bằng trồng, chăm sóc cây xanh tại lớp.

Em Thảo Nguyên, học sinh lớp 4/2 chia sẻ, gia đình em có thói quen gom và phân loại vỏ chai nhựa hay pin hết hạn sử dụng để riêng. Ngay khi trường phát động, em về nhà xin mang lên trường tham gia kế hoạch nhỏ cùng các bạn. “Cả lớp đều hào hứng tham gia, rất nhiều sách báo cũ, chai lọ, vỏ hộp sữa… tập kết tại lớp và mang đi đổi quà. Em thấy vui vì mình làm được việc có ích, góp phần bảo vệ môi trường”, Nguyên nói.

Tương tự, trong tháng 3-2022, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu) phát động chương trình đổi vỏ chai nhựa, giấy carton, vỏ lon lấy khẩu trang, đồ dùng học tập… tùy theo sở thích của học sinh vào mỗi cuối tuần. Thầy Nguyễn Thái Phong, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau 3 tuần phát động, Chi đoàn giáo viên nhà trường nhận được gần 500kg rác thải nhựa, giấy vụn, vỏ lon do học sinh tự phân loại đem đến đổi quà.

“Chương trình góp phần hình thành thói quen bảo vệ môi trường. Từ những hành động đó, các em dần có ý thức phân loại rác thải cũng như giảm thiểu dùng rác thải nhựa. Chúng tôi hy vọng những thói quen này được học sinh duy trì hằng ngày chứ không chỉ dừng lại ở một đợt phát động”, thầy Phong chia sẻ.

Trong kế hoạch quản lý rác thải nhựa trên địa bàn quận Thanh Khê năm 2021, do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) phối hợp địa phương tổ chức thực hiện đã chọn trường học thực hiện thí điểm mô hình “Trường học không rác thải nhựa”.

Là một trong 3 trường tham gia mô hình này, cô Nguyễn Thị Ngọc Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (quận Thanh Khê) cho biết, bảo vệ và giáo dục bảo vệ môi trường là hoạt động thường xuyên được thực hiện trong nhà trường. Đáng chú ý, Chi đoàn giáo viên nhà trường thực hiện công trình thanh niên “Ngôi nhà 200 đồng” từ năm 2020, giúp học sinh có nơi bỏ và phân loại chai nhựa, vỏ lon đã sử dụng bán gây quỹ hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

“Nhiều năm qua, trở thành nếp, ý thức bảo vệ môi trường được đội ngũ giáo viên, học sinh thực hiện nghiêm túc. Sân trường không khi nào có rác, không để rác thải trong thùng qua ngày, không có rác trong hộc bàn… Nhân viên thường xuyên thực hiện chăm sóc cây xanh, tưới nước và chăm sóc bồn hoa, cây cảnh, tạo môi trường cảnh quan tươi xanh, thân thiện. Mô hình “Trường học không rác thải nhựa” sẽ có kế hoạch thực hiện bài bản hơn, tăng cường thêm ý thức bảo vệ môi trường, sống xanh cho học sinh”, cô Anh cho biết.

Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi Trường quận Thanh Khê Lê Trung Minh Tân, việc triển khai mô hình “Trường học không rác thải nhựa” có điều tra số liệu nền về hiện trạng rác thải ở trường, thói quen sinh hoạt của học sinh, giáo viên... Từ đó, các chuyên gia từ WWF Việt Nam và đơn vị chức năng liên quan hỗ trợ các trường xây dựng và triển khai kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa. “Đối tượng học sinh, sinh viên là những người chấp hành và thực hiện hành vi, thói quen tốt ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Do đó, đây là thế hệ tác động tích cực đến toàn xã hội, trước hết là những thành viên trong gia đình. Chúng tôi đang từng bước triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Trường học không rác thải nhựa” ở 3 trường và nhân rộng mô hình này cho khoảng 10 trường vào năm 2025. Hy vọng mô hình lan tỏa nhiều hơn ở các trường học trên toàn thành phố”, ông Tân nói.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.
Mua thùng phi nhựa cũ tại Hà Nội