Tìm giải pháp cho việc thiếu giáo viên cục bộ

.

Thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, toàn thành phố đã triển khai đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6 và tiếp tục với lớp 3, lớp 7 và lớp 10 trong năm học 2022-2023. Nếu không tính toán nguồn giáo viên, khả năng các trường thiếu hoặc “trắng” giáo viên ở một số bộ môn đặc thù.

Mỹ thuật là môn học nằm trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018, gây khó cho các trường ở khâu tính toán giáo viên. TRONG ẢNH: Học sinh Trường Tiểu học  Võ Thị Sáu (quận Hải Châu) trong tiết học môn Mỹ thuật.  Ảnh: NGỌC HÀ
Mỹ thuật là môn học nằm trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018, gây khó cho các trường ở khâu tính toán giáo viên. TRONG ẢNH: Học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu) trong tiết học môn Mỹ thuật. Ảnh: NGỌC HÀ

Khảo sát các trường THPT trên địa bàn thành phố cho thấy, trong kế hoạch triển khai chương trình GDPT 2018 ở lớp 10 trong năm học 2022-2023, môn Nghệ thuật (gồm Âm nhạc và Mỹ thuật) gần như không xuất hiện ở tổ hợp các môn tự chọn. Lý do các trường đưa ra là những năm trước không dạy môn này nên không có giáo viên.

“Nếu không tuyển giáo viên hai bộ môn này, trường có thể không đáp ứng nhu cầu của học sinh. Tuy nhiên, nếu tuyển mà trò không chọn học, thầy cô sẽ không có việc làm. Hơn nữa, bây giờ trường đang đủ biên chế, tuyển thêm thì tăng biên chế phải tính sao”, thầy Bùi Minh Quảng, Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Trà chia sẻ.

Thạc sĩ Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường Đại học (ĐH) Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cho rằng, chương trình GDPT 2018 chuẩn bị bước vào năm thứ 3, các môn học mới sẽ thiếu giáo viên là điều lường trước, như môn: Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý ở bậc THCS; Âm nhạc, Mỹ thuật ở bậc THPT. Một số ngành đào tạo giáo viên ít được thí sinh lựa chọn như: Sư phạm Tin học, Sư phạm Công nghệ cũng tạo ra việc thiếu giáo viên trong thời gian tới. Trường ĐH Sư phạm được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP và bồi dưỡng nâng chuẩn giáo viên theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP. Chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) giao các trường căn cứ vào nhu cầu của địa phương và năng lực đào tạo của trường. Các quy định này cũng giúp hỗ trợ giáo viên và sinh viên ngành sư phạm có điều kiện học tập tốt hơn và cũng có sự ràng buộc công tác trong ngành giáo dục, vì vậy việc sinh viên sư phạm tốt nghiệp đi làm trái ngành rất ít. Nhưng đến năm 2024, những giáo viên các môn học mới chính thức tốt nghiệp. Trường ĐH Sư phạm đang tích cực làm việc với các cơ sở giáo dục để xây dựng các chương trình bồi dưỡng kiến thức, đào tạo nâng chuẩn giáo viên nhằm đáp ứng chương trình GDPT 2018.

“Việc giải quyết tình trạng thiếu giáo viên các môn học mới chắc chắn chưa thể thực hiện ngay trong 1-2 năm tới, mà cần các chính sách bồi dưỡng, nâng chuẩn kịp thời để giải quyết bài toán trước mắt và tập trung đặt hàng đào tạo giáo viên mới cho những năm tiếp theo”, thạc sĩ Nguyễn Vinh San ý kiến.

Tương tự, bà Vũ Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật thành phố cũng cho biết, nhà trường nhận thấy nhu cầu nhân lực đối với hai ngành Mỹ thuật và Âm nhạc khi triển khai chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, học viên được đào tạo khối ngành sư phạm Âm nhạc và Mỹ thuật của nhà trường ra trường với bằng trung cấp và cao đẳng không đáp ứng bằng cấp đối với quy định tuyển dụng giáo viên của ngành giáo dục. Do đó, nhà trường dừng đào tạo khối ngành sư phạm Âm nhạc và Mỹ thuật từ năm 2021.

“Cần có cơ chế phù hợp cũng như đặt hàng đào tạo giáo viên các ngành học mang tính đặc thù để đáp ứng nhu cầu chương trình GDPT 2018”, bà Lan nói.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Bích Thuận, chuẩn bị cho chương trình GDPT 2018, năm học 2021-2022, các đơn vị đã xây dựng kế hoạch, tham mưu các cấp tuyển dụng biên chế giáo viên để bảo đảm dạy học môn Tiếng Anh và Tin học theo quy định của chương trình. Trong năm học 2022-2023, bậc tiểu học bảo đảm bố trí biên chế giáo viên dạy tiếng Anh, Tin học ở khối 3 dạy đủ số tiết quy định. Tuy nhiên, để tổ chức dạy học tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 5, toàn thành phố cần bổ sung 38 giáo viên (quận Ngũ Hành Sơn: 5, Sơn Trà: 2, Liên Chiểu: 6, Thanh Khê: 6, Cẩm Lệ: 5; Hòa Vang: 7; Hải Châu: 7). Đối với khối lớp 4 và khối lớp 5, tùy theo thực tế, các đơn vị có thể hợp đồng giáo viên hoặc bố trí giáo viên dạy tăng giờ trong khi chờ được tuyển dụng đủ giáo viên theo lộ trình. Đồng thời, sở sẽ phối hợp Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng giảng dạy môn Tin học và Công nghệ theo chương trình GDPT 2018.

Tuy nhiên, đối với giáo dục trung học, một số địa phương đang lúng túng trong cơ cấu giáo viên các môn học theo chương trình GDPT mới, đặc biệt đối với các môn ghép ở cấp THCS, THPT như môn Nghệ thuật (gồm Âm nhạc và Mỹ thuật). Sở đã đề xuất với Bộ GD&ĐT có hướng dẫn về vấn đề này tại buổi làm việc giữa bộ với lãnh đạo thành phố vào tháng 3 vừa qua.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích