Giáo dục
Bài cuối: Tìm giải pháp thúc đẩy dự án
Mới đây, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) kiểm tra thực tế dự án Làng ĐH Đà Nẵng và làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, ĐH Đà Nẵng về dự án này. Đây được xem là động thái tích cực nhằm gỡ nút thắt và thúc đẩy nhanh dự án.
Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra thực tế dự án Làng đại học Đà Nẵng trong tháng 3-2022 để bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án. Ảnh: LÊ PHẠM |
Theo báo cáo của thành phố Đà Nẵng, đến nay, các ngành chức năng đang đẩy mạnh triển khai khu tái định cư phục vụ giải tỏa dự án Làng ĐH Đà Nẵng. Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Nguyễn Hòa cho biết, UBND thành phố và quận rất quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ việc triển khai dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và bố trí tái định cư bằng nguồn vốn của thành phố.
Cụ thể, khu tái định cư do UBND thành phố phê duyệt đầu tư vào tháng 9-2021 đang được đầu tư xây dựng. Ngoài khu này, thành phố cũng bổ sung thêm 6 khu tái định cư khác của thành phố để đáp ứng nhu cầu tái định cư cho dự án. Dự kiến đến cuối năm 2022, các khu tái định cư hoàn thành để bố trí cho người dân.
Đối với công tác GPMB, Ban GPMB quận Ngũ Hành Sơn ban hành thông báo thu hồi đất 744 hồ sơ; kiểm đếm, xét pháp lý, áp giá 741 hồ sơ (trong đó: 293 hồ sơ nhà, 448 hồ sơ đất nông nghiệp và đất khác). Đồng thời, triển khai kiểm định, áp giá, công tác lập hồ sơ pháp lý về đền bù giải tỏa. Đối với khu đất còn lại của dự án Làng ĐH Đà Nẵng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (khoảng hơn 31ha) tổng mức đầu tư ước khoảng 778 tỷ đồng (giai đoạn 2) vẫn chưa có kế hoạch thu hồi đất và bồi thường, thực hiện di dời.
“Chúng tôi hy vọng phần đất này được bố trí vốn để thực hiện dự án bồi thường, GPMB và xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Vì nếu tình trạng quy hoạch treo tiếp tục kéo dài, chi phí bồi thường, GPMB sẽ tăng nhanh, rất khó hoàn thành dự án.
Đối với phần diện tích đã giải phóng mặt bằng 36,1ha/40ha (đạt 90,25%), ĐH Đà Nẵng cần triển khai thi công cơ sở hạ tầng nhằm tránh tình trạng người dân lấn chiếm, canh tác lại. Để giữ không cho người dân lấn chiếm, xây nhà trái phép, chính quyền địa phương đã rất vất vả một thời gian dài nên chúng tôi mong muốn đẩy nhanh tiến độ dự án”, ông Nguyễn Hòa nói.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) Nguyễn Xuân Hà cho biết, địa phương đã tính toán bố trí đất tái định cư đối với đất ở có trong hồ sơ địa chính và ưu tiên mua nhà ở xã hội đối với đối tượng đất ở không có trong hồ sơ địa chính (đất có công trình xây dựng trái phép).
“Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục quản lý hiện trạng, chống mua bán trái phép cũng như xây nhà trái phép, vấn đề được dự báo gây khó khăn cho công tác GPMB sau này. Chúng tôi mong muốn ĐH Đà Nẵng có kế hoạch cụ thể, làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề xuất với Bộ GD&ĐT có hướng đầu tư để dự án sớm hoàn thành, bảo đảm quyền lợi của nhân dân trong vùng dự án, phục vụ kinh tế xã hội của địa phương”, ông Hà đề xuất.
Cần quyết tâm giải quyết các vướng mắc
Tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và ĐH Đà Nẵng mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, dự án Làng ĐH Đà Nẵng có tầm quan trọng và nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nên không thể treo lâu hơn. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị Ban Giám đốc ĐH Đà Nẵng quán triệt, quan tâm và quyết tâm cao hơn nữa để giải quyết các vấn đề còn vướng mắc, nhất là dự án bồi thường GPMB khu vực phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn. Đồng thời, ráo riết ngay với những hợp phần đang thực hiện, đặc biệt là việc giải ngân nguồn vốn ODA. Cùng với nguồn ngân sách, ĐH Đà Nẵng chủ động tìm thêm các nguồn đầu tư, nguồn xã hội hóa bằng các hình thức khác nhau để kịp thời đề xuất tháo gỡ, xử lý những điểm nghẽn.
Bộ trưởng cũng yêu cầu hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. “Thành phố Đà Nẵng đã xem sự phát triển của ĐH Đà Nẵng là một phần của thành phố, đây là thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Thời gian tới, đề nghị thành phố tiếp tục hỗ trợ tối đa cho ĐH Đà Nẵng, trước mắt là đẩy nhanh giải phóng mặt bằng để bảo đảm thi công. Bộ cũng đốc thúc ráo riết và có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để tìm giải pháp cho vấn đề này”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Trao đổi thêm về dự án Làng ĐH Đà Nẵng, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng, buổi làm việc của đoàn công tác Bộ GD&ĐT với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và ĐH Đà Nẵng góp phần tháo gỡ những vướng mắc của dự án. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ cũng khẳng định, việc huy động vốn từ nguồn xã hội hóa và các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) hiện nay chưa thể triển khai do khu vực quy hoạch các dự án có tính khả thi đều nằm trong các phân khu chưa được GPMB.
Việc huy động vốn từ nguồn xã hội hóa và các dự án PPP cho GPMB và tái định cư là khó khăn hơn các dự án đầu tư xây dựng trên nền đất sạch đã được GPMB. ĐH Đà Nẵng đề nghị lãnh đạo Bộ GD&ĐT quan tâm, hỗ trợ và thành phố Đà Nẵng tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, GPMB đối với phần diện tích còn lại; ngoài ra đề nghị tỉnh Quảng Nam quan tâm công tác GPMB, bố trí tái định cư.
“Chúng tôi sẽ cùng chính quyền địa phương tiếp tục nỗ lực trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Về cơ bản, đến nay, dự án vẫn đang được triển khai như kế hoạch đề ra theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, tiến độ dự án có nhanh hay không, đòi hỏi phải có kinh phí để GPMB.
Theo thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam ngày 6-5, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ GD&ĐT, UBND thành phố Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan liên quan tổ chức đoàn công tác để trực tiếp rà soát, đánh giá toàn diện về thực trạng, các khó khăn, vướng mắc của dự án; đề xuất giải pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ thông tin.
Dự án Làng ĐH Đà Nẵng được thực hiện với tham vọng xây dựng ĐH Đà Nẵng thành ĐH lớn nhất miền Trung, đáp ứng quy mô cho 60.000 sinh viên, 3.360 giảng viên và 5.000 cư dân. Theo quy hoạch này, ĐH Đà Nẵng tập trung 8 trường và nhiều khu hiệu bộ, ký túc xá sinh viên, thư viện, nhà ở công vụ, khu thể thao và giáo dục quốc phòng... |
LÊ PHẠM