Tất cả những phương thức xét tuyển của các trường đại học (ĐH) năm nay phải lọc ảo chung trên cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), nên những phương thức tuyển sinh riêng của các trường không còn phù hợp, khiến các trường bị động và vất vả trong điều chỉnh kế hoạch đào tạo.
Học sinh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: NGỌC HÀ |
Thí sinh “rẽ hướng”
17 giờ ngày 20-8, hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT khóa chức năng đăng ký nguyện vọng, cả nước có hơn 600.000 thí sinh nhập nguyện vọng trong tổng số hơn 900.000 thí sinh đăng ký, đạt tỷ lệ 65,2%. Như vậy, còn 34,8% thí sinh không nhập nguyện vọng.
Tại Đà Nẵng, nhiều thí sinh cũng không nhập nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH. Theo số liệu cập nhật ngày 21-8, Trường THPT Phạm Phú Thứ có 157/413 học sinh chưa đăng ký nguyện vọng trên hệ thống tuyển sinh; Trường THPT Ngũ Hành Sơn có 28/353 học sinh chưa đăng ký nguyện vọng; Trường THPT Sơn Trà có 84/371 học sinh chưa đăng ký nguyện vọng…
Theo lý giải của các trường, khó có khả năng học sinh không nhớ ngày cuối cùng của thời hạn đăng ký xét tuyển hoặc do khó khăn về điều kiện mà không thể đăng ký được. Những học sinh không đăng ký nguyện vọng trên hệ thống tuyển sinh đều có lý do, có thể các em đã chọn một ngã rẽ khác thay vì đi theo con đường học ĐH. Thầy Trần Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Ngũ Hành Sơn cho biết, trong số 28 em không đăng ký nguyện vọng, có 4 em đi học nước ngoài, còn lại học nghề ngắn hạn.
PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) cho rằng, còn 1/3 số học sinh chưa đăng ký nguyện vọng trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT có thể do đã chọn một ngã rẽ khác, thay vì đi theo con đường học ĐH.
“Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19, một lượng học sinh bắt đầu theo con đường du học khi tình hình dịch đã được kiểm soát. Ngoài sự tác động của Covid-19 đến đời sống kinh tế và việc học tập, thì tư duy định hướng nghề nghiệp đã bắt đầu hình thành, tức là không nhất thiết vào ĐH bằng mọi giá. Trong khi đó, học phí ĐH lại đang tăng nên phải tính tới bài toán lợi ích thu được so với chi phí”, PGS.TS Phan Cao Thọ phân tích.
Điều chỉnh kế hoạch đào tạo
Tuyển sinh năm 2022, các trường thành viên thuộc ĐH Đà Nẵng đều có các phương thức tuyển sinh riêng như: xét tuyển theo kết quả học tập THPT (xét tuyển học bạ); xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ chí Minh tổ chức năm 2022; xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức năm 2022…
Nhiều trường đã thông báo kết quả số thí sinh trúng tuyển theo các phương thức này. Nhưng thí sinh đã đăng ký xét tuyển sớm vào các trường và được thông báo đủ điều kiện trúng tuyển vẫn phải đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đợt 1 trên hệ thống chung, trong khoảng thời gian từ ngày 22-7 đến 17 giờ ngày 20-8.
Do đó, phải đợi thông tin từ hệ thống chung của Bộ GD&ĐT thì các trường mới biết chính xác số lượng thí sinh trúng tuyển. Hơn nữa, theo kế hoạch triển khai công tác tuyển sinh ĐH, năm nay, các trường thông báo kết quả trúng tuyển trước 17 giờ ngày 17-9; thí sinh xác nhận nhập học trước 17 giờ ngày 30-9.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cho rằng, từ năm 2021 trở về trước, sau khi thí sinh có kết quả thi tốt nghiệp THPT, nhà trường đã nắm chắc trong tay một phần thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ và những phương thức khác; trường cũng biết dữ liệu thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, nhưng năm nay mọi thứ đều khó xác định mà phải chờ.
Ngoài ra, với kế hoạch tuyển sinh năm nay, những trường không tuyển bổ sung sẽ tổ chức đào tạo từ đầu tháng 10, chậm hơn 1 tháng so với các năm trước chưa có Covid-19. Các trường phải tuyển bổ sung thì việc tổ chức đào tạo còn trễ hơn nữa. “Với lịch tuyển sinh này, các trường đều phải điều chỉnh lại kế hoạch đào tạo đối với sinh viên năm nhất. Việc điều chỉnh kế hoạch đào tạo chỉ là mặt kỹ thuật nhưng khá vất vả, nhất là các trường phải tuyển sinh bổ sung”, PGS.TS Nguyễn Hồng Hải chia sẻ.
NGỌC HÀ