Giáo dục
9 nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học năm học 2022 - 2023
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thu Thủy chia sẻ 9 nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022 - 2023 của giáo dục đại học. Trong đó, Bộ sẽ hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2023 và xác định phương hướng, định hướng tuyển sinh từ năm 2025.
Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường trong ngày hội tuyển sinh 2022. Ảnh: TTXVN |
Nhiệm vụ đầu tiên là các cơ sở giáo dục đại học phải nâng cao năng lực thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ quản lý.
Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học phải quán triệt, phổ biến, tập huấn kỹ về nội dung các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành; Xây dựng, ban hành các quy chế, văn bản của đơn vị theo đúng thẩm quyền, phù hợp với các quy định hiện hành; Kiện toàn công tác thanh tra, pháp chế và tăng cường năng lực cho cán bộ thanh tra, pháp chế tại cơ sở. Các cơ sở giáo dục đại học cần có cơ chế giám sát việc tuân thủ pháp luật, thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học và trách nhiệm giải trình; Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản trị hiện đại cho các thành viên hội đồng trường, các cán bộ chủ chốt.
Nhiệm vụ thứ hai là các cơ sở giáo dục đại học phải hoàn thiện bộ máy tổ chức, tăng cường năng lực quản trị đại học theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, các cơ sở giáo dục đại học cần tăng cường rà soát, hoàn thiện cơ cấu tổ chức của nhà trường (đúng về thành phần, đủ về số lượng) bảo đảm đúng quy định của pháp luật; Chủ động xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế hoạt động của hội đồng trường và các quy định nội bộ khác của nhà trường. Trong đó, quy định rõ vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp giữa hội đồng trường và ban giám hiệu đúng quy định; phân công trách nhiệm rõ vị trí, vai trò, chức năng của mỗi thiết chế, mỗi thành viên hội đồng trường.
Nhiệm vụ thứ ba: Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2023 và xác định phương hướng, định hướng tuyển sinh từ năm 2025.
Nhiệm vụ thứ tư: Các cơ sở giáo dục đại học tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hệ thống quản lý, trong dạy và học.
Nhiệm vụ thứ năm: Các cơ sở giáo dục đại học cần tăng cường các điều kiện bảo đảm và quản lý chất lượng. Cụ thể, các cơ sở đào tạo tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng hệ thống, đảm bảo chất lượng bên trong; khắc phục những tồn tại trong thực hiện công tác tuyển sinh, liên kết đào tạo; Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thư viện và dữ liệu điện tử, phòng thí nghiệm, thực hành…; Phát triển đội ngũ giảng viên, tuân thủ quy định về các chuẩn đối với giáo dục đại học. Đẩy mạnh kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, kiểm định cơ sở giáo dục đại học.
Các cơ sở giáo dục đại học thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định. Bộ GD&ĐT xây dựng phần mềm quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm định chất lượng giáo dục đại học để quản lý việc thực hiện tại các cơ sở giáo dục đại học và tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.
Thứ sáu: Các cơ sở giáo dục đại học cần tăng cường phát triển các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, một trong những nội dung quan trọng là thúc đẩy hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh của giảng viên và người học; Đảm bảo liêm chính học thuật, khách quan, trung thực, thực chất trong hoạt động khoa học công nghệ; Chủ động xây dựng cơ chế phù hợp nhằm thu hút các nguồn lực bên ngoài đầu tư cho khoa học và công nghệ…
Thứ bảy: Các cơ sở giáo dục đại học đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Cụ thể, các trường cần mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; phát triển các chương trình, dự án hợp tác có chất lượng với đối tác nước ngoài, rà soát các chương trình liên kết đào tạo đảm bảo thực hiện đúng quy định, chú trọng lựa chọn các đối tác có uy tín tốt; Thu hút sinh viên, nhà khoa học có uy tín ở nước ngoài đến học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học; cử giảng viên đi đào tạo ở nước ngoài theo các chương trình học bổng, hợp tác song phương…
Thứ tám: Các cơ sở giáo dục đại học cần đổi mới và tăng cường công tác thanh tra; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ, tránh phức tạp, khiếu kiện vượt cấp; là công cụ hữu hiệu trong quản trị nhà trường của hội đồng trường, ban giám hiệu; Thanh tra nội bộ tập trung: Việc ban hành văn bản nội bộ; công tác tổ chức cán bộ; công tác tuyển sinh, quản lý đào tạo, quản lý văn bằng chứng chỉ; mở ngành đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng; các trình độ, phương thức đào tạo; hoạt động khoa học công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế; thu chi tài chính, học phí, đầu tư mua sắm cơ sở vật chất, xây dựng cơ bản; việc thực hiện trách nhiệm giải trình với xã hội…
Thứ 9: Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục đại học.
Theo TTXVN