Giáo dục

Hỗ trợ học sinh vùng sâu trong năm học mới

10:47, 28/09/2022 (GMT+7)

Năm học này, nhiều học sinh ở vùng sâu của tỉnh Quảng Nam có thêm sách vở, quần áo mới. Con đường đến trường bớt hiểm nguy nhờ những cây cầu mới xây, nhiều tuyến đường được bê-tông hóa… Đóng góp vào kết quả đó có sự chung tay của tuổi trẻ đến từ các trường thành viên thuộc Đại học (ĐH) Đà Nẵng.

Cũng như nhiều năm trước, mùa thu này, nhóm Hand In Hand Việt - Hàn thuộc Đoàn Trường Đại học (ĐH) Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt -  Hàn (VKU) thuộc ĐH Đà Nẵng, đã vượt chặng đường xa hỗ trợ học sinh nóc Tu Nương, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam). Trong chuyến đi này, 79 thành viên của nhóm đã tập trung cải thiện môi trường học tập và cảnh quan cho điểm trường mẫu giáo và cấp 1 của nóc Tu Nương. Những dụng cụ học tập và đồ chơi phát triển trí não, sách, truyện mới… được cấp phát, trang bị cho lớp học sẽ giúp các em có thêm điều kiện học tập trong năm học mới.

Chị Hoàng Vũ Dạ Quỳnh, Trưởng nhóm Hand In Hand Việt - Hàn chia sẻ, nhóm chọn nóc Tu Nương (Trà Tập) để hỗ trợ trong năm học này bởi nơi đây còn nhiều khó khăn. “Sau chuyến tiền trạm vào giữa tháng 7, nhóm không thể cầm lòng trước những gì mà học sinh tại nóc Tu Nương phải đối diện hằng ngày. Khoảng cách từ nhà đến trường học của các bé ở đây là 1 giờ 30 phút đến 2 giờ đi bộ. Quãng đường không chỉ xa mà nguy hiểm rình rập, nhất là mỗi mùa mưa lũ về. Khi ấy, con suối yên ả hiền hòa dưới chân đồi dâng nước đột ngột, chảy xiết kéo theo mọi thứ trên đường nó đi qua. Mỗi lúc như vậy các bé sẽ phải nghỉ học vài ngày, đôi khi kéo dài đến gần nửa tháng.  Đây cũng là lý do để nhóm thực hiện cây cầu treo cho người dân”, chị Quỳnh nói.

Tương tự, trong Chiến dịch "Mùa hè xanh” vừa qua, sinh viên Liên chi Đoàn khoa Hóa (ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng) đã san bằng hơn 200m2 đồi đất dốc làm đường dân sinh giúp người dân xã Tà Lu (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) đi lại, trao đổi mua bán hàng hóa thuận tiện hơn, nhất là khi mùa mưa bão sắp tới. Anh Nguyễn Hữu Thìn, Phó Bí thư Liên chi Đoàn khoa Hóa, Phó trưởng Ban chỉ đạo chiến dịch tình nguyện hè “Dấu chân mùa hạ” chia sẻ, qua chuyến tiền trạm, nhận thấy xã Tà Lu còn nhiều khó khăn, thuộc vùng sâu vùng xa, ít nhà hảo tâm lui tới, vì vậy, các bạn quyết tâm đến đây đồng hành cùng bà con trong xã cải thiện đời sống.

Những ngày dừng chân trên địa bàn thôn Long Túc (xã Trà Nam, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), các tình nguyện viên nhóm Hand In Hand (ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng) đã san 450m2 đồi dốc, xây khu vui chơi đầy sắc màu cho những em nhỏ ở đây.  Theo anh Đặng Ngọc Sơn - Trưởng nhóm Hand in Hand, từ cổng thôn, các tình nguyện viên phải cuốc bộ gần 3km để vào đến Trường Tiểu học Long Túc.

Việc san lấp mặt bằng, vận chuyển vật liệu gặp nhiều khó khăn, bất lợi nhưng sau 10 ngày lao động, các tình nguyện viên đã san phẳng 450m2 diện tích đồi dốc, đồng thời, bê-tông hóa 150m2 diện tích trong đó để làm sân chơi cho các em nhỏ. Các tình nguyện viên cũng lắp đặt xích đu, bập bênh, ghế đá và trang trí khu vui chơi bằng cả trăm chiếc chong chóng đầy sắc màu.

Chiến dịch sinh viên ĐH Đà Nẵng tình nguyện hè năm 2022 với chủ đề “Tuổi trẻ Đại học Đà Nẵng sáng tạo, tình nguyện vì cộng đồng” diễn ra trong tháng 7 và 8, thu hút gần 1.000 chiến sĩ tình nguyện của 8 đơn vị Đoàn trực thuộc hưởng ứng tham gia. Các đơn vị đã hành quân đến các xã Đăk Tơ Lung (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum); xã Sơn Màu (huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi); xã Tiên Hà (huyện Tiên Phước), hai xã Duy Phước và Duy Vinh (huyện Duy Xuyên), xã Hiệp Hòa (huyện Hiệp Đức) của tỉnh Quảng Nam; hai xã Hòa Bắc, Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) và Khu đô thị Đại học Đà Nẵng nhằm đóng góp sức trẻ tình nguyện thực hiện nhiều phần việc có ý nghĩa cho cộng đồng.

NGỌC HÀ

.