Đà Nẵng cuối tuần
Học sinh sáng tạo phần mềm cho trẻ khuyết tật
Tại vòng chung kết Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 28, Đinh Thành Nhật và Trần Đình Phước (học sinh lớp 11, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) đã vượt qua 170 thí sinh đến từ 38 tỉnh, thành phố trong cả nước, giành giải Nhất cho dự án Phần mềm nhận dạng cử chỉ trong dạy học cho học sinh khuyết tật vận động ở cấp tiểu học.
Đinh Thành Nhật và Trần Đình Phước thử nghiệm dùng laptop không cần dùng tay bằng phần mềm. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Đinh Thành Nhật cho biết, gia đình em ở gần chợ, thường xuyên nhìn thấy người khuyết tật bán hàng rong nên tự hỏi họ sẽ sử dụng máy tính ra sao. Bởi lẽ, việc sử dụng máy tính hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào chuột và bàn phím, điều này sẽ gây khó khăn cho người khuyết tật vận động, nhất là học sinh khuyết tật đang học tập tại các trường tiểu học trên địa bàn thành phố. “Từ suy nghĩ này, nhóm tụi em bắt đầu nghiên cứu, sáng chế phần mềm hỗ trợ học sinh khuyết tật một tay hoặc hai tay ở cấp tiểu học, thông qua kỹ thuật nhận dạng cử chỉ trong dạy và học”, Nhật nói.
Để có cơ sở nghiên cứu, Nhật và Phước tới các trường tiểu học tìm hiểu đặc điểm tâm lý và khả năng tiếp nhận thông tin của trẻ khuyến tật, đồng thời lắng nghe phản ánh từ giáo viên, người phụ trách. Theo Nhật, nghiên cứu hướng đến mục đích giúp người khuyết tật tiếp cận máy tính bằng phương pháp nhận dạng khuôn mặt mà không cần những công cụ hỗ trợ khác.
Điểm độc đáo của dự án này là tất cả hoạt động điều khiển được thực hiện thông qua cử chỉ khuôn mặt hoặc bàn tay phía trước camera. Cụ thể, khi học sinh để khuôn mặt, bàn tay trước camera thì điểm giữa của đầu ngón tay trỏ và ngón tay cái sẽ được chương trình nhận dạng như con trỏ chuột máy tính. Phần mềm quy ước con trỏ chuột là chấm đen và hành động chạm hai đầu ngón tay giữa hoặc trỏ, hoặc mở miệng tương đương việc bấm phím trái chuột máy tính.
Nhận giải nhất và phần thưởng 3 triệu đồng từ Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 28, Trần Đình Phước cho biết, thời gian tới nhóm sẽ tiếp tục phát triển, hoàn thiện sản phẩm. “Cuộc thi Tin học trẻ là sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp chúng em thỏa mãn đam mê đối với lĩnh vực lập trình, thiết kế, tạo ra sản phẩm sáng tạo, đồng thời cũng là dịp để chúng em giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với những người bạn cùng sở thích”, Phước chia sẻ.
Theo anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Hội thi Tin học trẻ đã thúc đẩy phong trào học tập, làm chủ công nghệ thông tin trong thanh-thiếu nhi, phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Đây là sân chơi sáng tạo giúp học sinh hình thành ý tưởng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ giải quyết vấn đề thực tiễn cuộc sống, trong đó nhấn mạnh vai trò của công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, hội thi phát huy các kỹ năng cho học sinh như kỹ năng sáng tạo, làm việc nhóm, thuyết trình, phản biện, khơi dậy đam mê, định hướng nghề nghiệp. “Dự án dành cho học sinh khuyết tật vận động của hai em Đinh Thành Nhật, Trần Đình Phước là sản phẩm sáng tạo, mang tính ưu việt được Ban giám khảo đánh giá cao và cần phát huy tính ứng dụng trong thời gian tới”, anh Huy cho hay.
KHÁNH HUYỀN