Phóng sự - ký sự

Mùa chim trở về

14:03, 17/09/2022 (GMT+7)

Đà Nẵng vào thu với nắng vàng rực từng con phố. Những cơn mưa bất chợt về đêm khiến hàng cây ở sân Trường THPT Phan Châu Trinh càng thêm dịu dàng sắc lá...

Sự trở về của các thế hệ học sinh Phan Châu Trinh bao giờ cũng vẹn nghĩa yêu thương.
Sự trở về của các thế hệ học sinh Phan Châu Trinh bao giờ cũng vẹn nghĩa yêu thương. ẢNH: NHƯ HẠNH

Giữa những bận bịu lo toan cho lễ hội kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Trường Phan Châu Trinh (1952-2022), cô giáo Nguyễn Thảo Sương chọn một góc hành lang vắng lặng, ngắm sân trường vào thu với bao bồi hồi. Nhìn cựu học sinh các khóa rộn ràng chuẩn bị cho ngày trở về trường cũ, bỗng dưng cô chợt nghiệm ra một điều rằng: “Có rất nhiều thứ trên đời này sẽ dần nhạt nhòa theo thời gian, nhưng dường như chỉ có tình yêu và tuổi trẻ của mỗi người là hai thứ không bao giờ bị quên lãng…”.

Thanh xuân, ngày trở lại

Hầu như thanh xuân của nhiều người đều gửi lại ở một mái trường, một ô cửa lớp nào đó. Và thanh xuân vốn dĩ như một cơn mưa rào, ồ ạt, chóng vánh nhưng ai cũng muốn đắm chìm thật lâu trong cơn mưa ấy. Trong ký ức của cô giáo Nguyễn Thảo Sương thì lớp 12/11 ở Trường THPT Phan Châu Trinh năm đó mãi mãi là miền nhớ đẹp nhất trong đời. Và may mắn hơn các bạn cùng trang lứa, cô sau khi tốt nghiệp bậc đại học, lại trở về trường cũ công tác giảng dạy và hiện nay đảm nhiệm chức vụ Hiệu phó nhà trường. Cô vẫn thường đùa vui với bạn bè rằng: “Trường Phan Châu Trinh là ngôi nhà thứ 2 của mình. Bởi ở đó mình đã dành gần cả đời mình để học tập và giảng dạy”.

Càng gần đến ngày lễ kỷ niệm trường lên tuổi 70, cô Thảo Sương cùng  Ban giám hiệu tất bật đón tiếp cựu học sinh, cựu giáo viên về trường tổ chức hội khóa. Dường như đi càng xa, tuổi càng nhiều, người ta lại có nhu cầu quay về tìm lại nơi lưu giữ tuổi trẻ và tình yêu. Hết khóa này đăng ký tổ chức họp mặt đến khóa khác duyệt chương trình chạy thử. Hầu hết các “chuyến tàu” trở về trường đều mang những cái tên đầy khao khát yêu thương: “Những tháng năm rực rỡ”, “ Chuyến tàu hạnh phúc”, “Thanh xuân, ngày trở về”, “Tìm về bóng phượng xưa”… Xúc động nhất là lúc hội khóa tan rồi, vẫn có những vị khách là cựu học sinh ở nơi xa về muộn. Nhìn những học trò trường tỉnh năm xưa, tóc giờ đã ngả màu thời gian, một mình thơ thẩn quanh sân trường vắng, như kiếm tìm chút thơ dại ngày qua.

Chiều êm ả rơi trên sân trường đầy nắng. Chị Nguyễn Thị Thu Trang vẫn ngược xuôi như con thoi từ khu A sang khu B của trường để kết nối chuẩn bị cho hội khóa 20 năm của học sinh niên khóa 2002-2005. Số lượng cựu học sinh đăng ký tham gia suýt soát 1.000 người, vượt xa dự kiến ban đầu của ban tổ chức. Áo lớp, bảng tên đã in xong, thiệp mời thầy cô đã gửi, chỉ còn chờ ngày hội ngộ. Lau vội giọt mồ hôi lăn tròn trên má, chị Trang với vừa nói với những người bạn đang lúi húi trang trí sân khấu: “Trời ơi, mai mới hội khóa mà răng tui hồi hộp dữ ri hè. Y như hồi mới thi đậu vô lớp 10 trường Phan Châu Trinh. Chắc là đêm ni không ngủ!”.

Kết nối yêu thương

Chỉ có mấy phút gặp ít ỏi trước lúc đêm hội diễn văn nghệ, thầy Nguyễn Quang Hưng, Hiệu trưởng nhà trường tiết lộ ngắn gọn: “Để chào mừng 70 lễ hội kỷ niệm, các thế hệ cựu học sinh đã tổ chức nhiều cuộc họp mặt khóa học hơn mọi năm. Đây cũng là cơ hội kết nối giữa nhà trường với các thế hệ học sinh, giúp họ hiểu thêm về trường, đồng hành cùng các thầy, cô giáo trong việc tổ chức lễ hội  (ý tưởng, cố vấn, chuyên gia), đến vật chất (quỹ khuyến học, khuyến tài, quỹ tổ chức lễ hội 70 năm, quỹ cho chi hội giáo chức…). Nếu không có “sức học trò cũ” thì nhà trường làm sao có thể tổ chức thành công một lễ kỷ niệm có qui mô lớn như thế này!”.

Dù thời gian có đi qua 10 năm, 20 năm hay hơn nữa thì sự trở về của các thế hệ học sinh Phan Châu Trinh bao giờ cũng vẹn nghĩa yêu thương. Hội ngộ không chỉ để “Tìm về bóng phượng xưa” hay “Những tháng năm rực rỡ” với tình thầy nghĩa bạn mà còn để lan tỏa yêu thương với lớp đàn em mai sau. Trung bình mỗi hội khóa bao giờ cũng ủy thác cho trường vài chục suất học bổng trao cho học sinh nghèo học giỏi, vượt khó. Đó là chưa kể đến những cựu học sinh thành đạt trong sự nghiệp không chỉ đóng góp mà còn làm cầu nối để các tổ chức, doanh nghiệp gửi những món quà yêu thương giúp cho nhiều học sinh Phan Châu Trinh thêm vững bước đến tương lai. Những con số biết nói cứ như những hạt phù sa đắp bồi nên miền châu thổ rộng lớn mang tên “Kết nối yêu thương”.

Trong đêm hội diễn văn nghệ, người dẫn chương trình là anh Lê Văn Thắng và chị Nguyễn Quỳnh Trang. Cả 2 đều là cựu học sinh Phan Châu Trinh, khóa (2010-2013). Trước khán giả là thầy cô và các thế hệ học sinh, Thắng xúc động tâm sự: “10 năm trước, trong sinh nhật lần thứ 60 của trường mình, trời đổ mưa lớn. Cả thầy trò đội mưa làm lễ. Lúc ấy sân trường đẹp rực rỡ với một rừng áo mưa đủ sắc màu. Giờ đây, ngôi nhà Phan Châu Trình lại một lần nữa đón những đứa con xa trở về mừng tuổi 70. Những cuộc hạnh ngộ bao giờ cũng đong đầy niềm vui và hy vọng…”.

Cùng tâm trạng với người bạn dẫn, Quỳnh Trang tỏ bày: “Thật lòng biết ơn ngôi trường Phan Châu Trinh đã nuôi dưỡng và ươm ước mơ cho bao thế hệ học trò. Chúng tôi có mặt ở đây, trên sân khấu này đã là một lời tri ân sâu sắc đến quý thầy, cô giáo.”

Thầy và trò cùng hòa giọng qua những khúc hát tự hào về ngôi trường mang tên chí sĩ Phan Châu Trinh. Ảnh: NHƯ HẠNH
Thầy và trò cùng hòa giọng qua những khúc hát tự hào về ngôi trường mang tên chí sĩ Phan Châu Trinh. Ảnh: NHƯ HẠNH

Tự hào là học sinh Phan Châu Trinh

Thời gian 70 năm chảy trôi như một giòng sông đã bồi đắp cho ngôi trường màu phù sa trí tuệ. Nếu thuở ban đầu khai giảng ngày 15-9-1952 trường chỉ có 1 lớp Đệ thất (được gọi là “lớp Đệ thất tân thiết”) với 50 học sinh thì  đến nay con số đã tăng vượt trội cả trăm lần. Cũng khó mà thống kê chính xác con số học sinh trưởng thành từ mái trường có bề dày lịch sử này. Chỉ có thể nói rằng, hầu như học sinh Phan Châu Trinh đã công tác và làm việc khắp trong và ngoài nước. Hội Cựu học sinh Phan Châu Trinh có mặt ở nhiều vùng đất lạ, không chỉ kết nối, sẻ chia mà còn trở thành một niềm tự hào về thương hiệu “Học sinh Phan Châu Trinh, Đà Nẵng”.

Gần như mấy tháng nay, hầu như toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh căng mình chuẩn bị nước rút cho “dự án dài hơi” 70 năm kỷ niệm ngày thành lập.  Dường như mùa hè bây giờ không còn bó hẹp với thời gian ba tháng nghỉ ngơi của học trò các cấp mà còn là mùa để cựu học sinh họp lớp, họp khối lớp… Như những cánh chim thiên di trở về, mấy tháng hè năm nay sân trường Phan Châu Trinh rộn rã những cuộc hạnh ngộ. Cô Nguyễn Thảo Sương chia sẻ: “Được chứng kiến giây phút hạnh phúc của ngày trở về, được nghe kể lại về những câu chuyện cảm động từ quá khứ, chúng tôi như được sống cùng với những thời khắc lịch sử trên từng chặng đường phát triển của nhà trường. Điều đó đã tiếp thêm cho chúng tôi lòng nhiệt huyết để chuẩn bị cho sự kiện “Ngôi nhà chung” tròn 70 năm tuổi một cách ý nghĩa và trọn vẹn nhất”.

Trong đàn chim từ muôn phương bay về nơi chốn xưa cũ có luật sư Đỗ Pháp, người học trò luôn nặng lòng với ngôi trường 70 năm tuổi, hiện là Trưởng ban Liên lạc Cựu học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh. Khi nhìn thấy dòng chữ “Tự hào là học sinh Phan Châu Trinh” kiêu hãnh giữa sân trường, ông đã để lòng mình dấy lên bao xúc cảm qua bài viết Tìm lại để đừng quên: “Tôi đọc dòng chữ ấy với tâm thế tiếp nhận lời nhắc nhở rằng, hãy xứng đáng với chiếc bảng tên mà mình từng mang trên ngực áo mấy năm ròng… Để mai này, không riêng 70 năm mà là 170 năm, 270 năm và xa hơn nữa, con cháu chúng ta lại có dịp đứng ở khoảng sân này, dưới những tán bàng thân yêu nhìn lên khoảng trời xanh mây trắng trên cao…”.

NHƯ HẠNH

.