Xây dựng trường nghề chất lượng cao mang tầm khu vực

.

HĐND thành phố khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026) vừa thông qua nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng. Theo đó, điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ hơn 285 tỷ đồng lên hơn 330 tỷ đồng. Đây là cơ sở để thúc đẩy dự án, từng bước đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân thành phố và các tỉnh lân cận, tạo chuyển biến về chất trong công tác dạy nghề và hội nhập với các trường dạy nghề trong khu vực và quốc tế.

Mỗi năm, Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng cung cấp lượng lớn nhân lực có tay nghề cho thị trường lao động. Trong ảnh: Học sinh, sinh viên của Trường Cao đẳng nghề trong giờ học thực hành. Ảnh: NGỌC HÀ
Mỗi năm, Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng cung cấp lượng lớn nhân lực có tay nghề cho thị trường lao động. TRONG ẢNH: Học sinh, sinh viên của Trường Cao đẳng nghề trong giờ học thực hành. Ảnh: NGỌC HÀ

Cung ứng nguồn nhân lực chất lượng

Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng là trường công lập trực thuộc UBND thành phố, tiền thân là Trường Kỹ thuật - Kinh tế Đà Nẵng. Đây cũng là trường công lập duy nhất của thành phố và là một trong 15 trường trọng điểm quốc gia tham gia dự án “Giáo dục kỹ thuật và dạy nghề” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2000-2007. Từ năm học 2000-2001 đến năm học 2006-2007, nhiệm vụ chủ yếu của trường là đào tạo kỹ thuật viên, công nhân lành nghề bậc 3/7, dạy nghề ngắn hạn, gồm các nghề: điện, điện tử, công nghệ thông tin, may, cơ khí, kế toán với quy mô đào tạo hằng năm hơn 1.000 học sinh. Đến năm 2007, trường được nâng cấp thành Trường Cao đẳng nghề.

Năm 2020, Công ty Cổ phần Kiểm định và tư vấn giáo dục Việt Nam công nhận Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chương trình đào tạo nghề Cơ điện tử của Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo giáo dục nghề nghiệp do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) ban hành.

Năm học 2021-2022 trường tuyển sinh các nghề chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế đối với 3 ngành nghề cơ điện tử, điện công nghiệp, công nghệ ô-tô theo các chương trình được chuyển giao từ các nước Úc, Đức, Pháp. Hằng năm, tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm cao và tăng dần. Cụ thể, năm học 2015-2016, 2016-2017 đạt hơn 82% thì những năm sau đó liên tục đạt trên 95%.

Hướng đến trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề

Theo nghị quyết của HĐND thành phố, tổng mức đầu dự án từ hơn 285 tỷ đồng được điều chỉnh lên hơn 330 tỷ đồng. Nguồn vốn cho dự án từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2023, thực hiện các dự án từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thuộc lĩnh vực đầu tư các cơ sở bảo trợ xã hội, đào tạo và dạy nghề, kết nối và giải quyết việc làm phân bổ cho Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng là 45 tỷ đồng; nguồn vốn từ ngân sách thành phố thuộc kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là hơn 285 tỷ đồng.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng Hồ Viết Hà cho biết, với quy mô được đầu tư, trường định hướng sắp xếp, tổ chức ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu đào tạo nhân lực của thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây nguyên. Theo đó, giai đoạn 2020-2025, sắp xếp, điều chỉnh giảm các ngành, nghề hiện có theo hướng tập trung đào tạo các ngành, nghề trọng điểm và nghề chất lượng cao, với quy mô tuyển sinh đến năm 2025 khoảng 1.600 người, quy mô đào tạo khoảng 4.000 người. Trong đó, tập trung vào tuyển sinh và đào tạo các nghề trọng điểm của trường theo tiêu chuẩn quốc tế (nghề công nghệ ô-tô, cơ điện tử, điện công nghiệp), tiêu chuẩn châu Á (điện công nghiệp, lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp, hàn), tiêu chuẩn quốc gia (hướng dẫn du lịch).

Giai đoạn 2026-2030, đối với các ngành nghề đã đào tạo, trường tiếp tục tuyển sinh và tổ chức đào tạo tối đa 23 ngành, nghề cũ (trong đó, 3 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, 3 nghề trọng điểm cấp độ khu vực, 1 nghề trọng điểm cấp độ quốc gia). Tổng quy mô tuyển sinh năm 2026 dự kiến khoảng 1.615 người, quy mô đào tạo khoảng 4.715 người, năm 2030, quy mô tuyển sinh khoảng 2.140 người, quy mô đào tạo khoảng 4.280 người. Đồng thời, tuyển sinh và tổ chức đào tạo 6 nghề được chuyển giao từ Úc và Đức. Tổng quy mô tuyển sinh dự kiến năm 2026 khoảng 210 người, quy mô đào tạo khoảng 210 người; năm 2030, quy mô tuyển sinh khoảng 420 người, quy mô đào tạo khoảng 840 người.

Đối với các ngành nghề đào tạo mới phục vụ chính cho Trung tâm Quốc gia đào tạo và thực hành nghề, nhà trường sẽ tuyển sinh và tổ chức đào tạo 3 lĩnh vực/nhóm nghề (công nghệ số, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ logistics) với dự kiến tối đa 10 ngành, nghề mới thực hiện chức năng của Trung tâm Quốc gia đào tạo và thực hành. Tổng quy mô tuyển sinh các ngành, nghề mới năm 2026 dự kiến khoảng 280 người, quy mô đào tạo khoảng 280 người; năm 2030 quy mô tuyển sinh khoảng 1.050 người, quy mô đào tạo khoảng 2.000 người.

“Chương trình hành động số 45-Ctr/TU ngày 25-2-2020 của Thành ủy về thực hiện chuyên đề “Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn của thành phố” để triển khai Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị, trong đó có đề ra mục tiêu đến năm 2030, lực lượng lao động qua đào tạo đạt ít nhất 70% và đào tạo nghề đạt ít nhất 60%; chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu phát triển của nền kinh tế hội nhập và thiết bị tiên tiến, nhất là các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Xuất phát từ yêu cầu trên, thành phố đã đầu tư xây dựng cơ sở mới Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng tại phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn nhằm từng bước đáp ứng tốt nhất nhu cầu học nghề của người dân thành phố và các tỉnh lân cận, tạo ra sự chuyển biến về chất trong công tác dạy nghề; cung cấp nguồn nhân lực qua đào tạo nghề có chất lượng cao, góp phần phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước hội nhập với các trường dạy nghề trong khu vực và quốc tế”, ông Hà chia sẻ.

Mở rộng quy mô đào tạo 

Ngoài cơ sở chính có tổng diện tích 16.452,1m2 tại đường Tô Hiến Thành (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà), thành phố đã cấp 104.603m2 tại phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, để mở rộng diện tích, quy mô trường. Cơ sở mới này được đầu tư khu hiệu bộ (19 phòng), phòng học lý thuyết (21 phòng), xưởng/phòng thực hành (68 phòng), hệ thống thư viện, ký túc xá, khu thể thao...

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.