Tăng cường năng lực ứng phó rủi ro, khủng hoảng kinh tế

.

Ngày 26-10, Trường Đại học (ĐH) Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) phối hợp Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, Học viện Chính trị khu vực III và một số trường đại học đồng tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Thực trạng và giải pháp tăng cường năng lực ứng phó rủi ro trong nền kinh tế Đà Nẵng”.

Hội thảo tập trung làm rõ thực trạng năng lực ứng phó với rủi ro, khủng hoảng của nền kinh tế thành phố trong những năm qua (đặc biệt giai đoạn Covid-19 bùng phát) với các chủ đề như: cơ sở lý thuyết về quản trị rủi ro, quản trị khủng hoảng, ứng phó rủi ro trong nền kinh tế quốc gia, kinh tế địa phương; quản lý rủi ro và ứng phó rủi ro trong các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp Đà Nẵng trong bối cảnh hậu Covid-19; nâng cao năng lực cảnh báo sớm, quản lý rủi ro cho tài chính Việt Nam, Đà Nẵng và hàm ý ứng phó...

Qua việc phân tích, các nhà nghiên cứu cho rằng, sự phụ thuộc vào thị trường bên ngoài của kinh tế thành phố là khá lớn, đặc biệt là khu vực công nghiệp và xây dựng, dẫn đến sự đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu chủ động về nguồn cung cũng như ảnh hưởng nặng nề đến việc xuất khẩu. Với cơ cấu kinh tế thiên về khu vực dịch vụ, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 và sự hồi phục phụ thuộc rất lớn vào thị trường bên ngoài,đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Để giảm những tác động tiêu cực và nâng cao khả năng chống chịu cho các khu vực kinh tế, các nhà nghiên cứu đề xuất giải pháp cho thành phố là thu hút nhân lực trở lại làm việc sau Covid-19, chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang các nghành kinh tế mũi nhọn, chuyển đổi số nền kinh tế và tăng cường phòng chống những nguy cơ, hiểm họa về y tế, sức khỏe.

Các chuyên gia, nhà khoa học đề xuất những định hướng và các giải pháp cụ thể nhằm tăng cường năng lực ứng phó với rủi ro, khủng hoảng của nền kinh tế thành phố trong tương lai như: ứng dụng các mô hình kinh tế lượng để nghiên cứu tác động của ứng phó rủi ro đến hoạt động kinh tế, tài chính; kinh nghiệm ứng phó rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu, tài chính của các nước phát triển...

Hội thảo là dịp để kết nối các nhà khoa học, nhà quản lý kinh tế trong nước và quốc tế giao lưu, chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm về quản lý và kiểm soát khủng hoảng nói riêng và các vấn đề quản lý kinh tế khác được quan tâm.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.