Tích cực đổi mới dạy và học

.

Năm học 2022-2023, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Hòa Vang tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông từ bậc học mầm non đến THCS nhằm phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh, nâng cao chất lượng giảng dạy.

Học sinh lớp 8, Trường THCS Nguyễn Tri Phương hào hứng học môn Địa lý theo phương pháp đổi mới.  (Ảnh do nhà trường cung cấp)
Học sinh lớp 8, Trường THCS Nguyễn Tri Phương hào hứng học môn Địa lý theo phương pháp đổi mới. (Ảnh do nhà trường cung cấp)

Đa dạng phương pháp dạy học

Theo ông Nguyễn Thọ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Bắc (xã Hòa Bắc), Phòng GD&ĐT huyện chỉ đạo sâu sắc nhiệm vụ đổi mới phương pháp dạy học, phát triển năng lực học sinh. Nhà trường đã thực hiện tốt phương pháp dạy học thông qua hình thức học mà chơi, chơi mà học, lấy học sinh làm trung tâm, thầy cô giáo là người hướng dẫn để học sinh khai thác, chiếm lĩnh kiến thức trọng tâm của bài học.

“Nhà trường đổi mới phương pháp dạy học thông qua tổ chức dạy học trải nghiệm. Phương pháp này tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thực tế, tham gia các hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng. Để đổi mới phương pháp dạy học hiệu quả, nhà trường tập trung xây dựng kế hoạch dạy học, xây dựng chuyên đề học thông qua trò chơi và kế hoạch dạy học liên môn (nội dung kiến thức liên quan đến hai hay nhiều môn học). Bên cạnh đó, nhà trường trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, các thiết bị dạy học hiện đại để phục vụ dạy và học. Chúng tôi chú trọng việc bồi dưỡng dạy học tích cực cho học sinh và không ngừng cải tiến các phương pháp dạy học truyền thống. Hầu hết học sinh tiếp cận phương pháp dạy học mới rất phấn khởi và hào hứng”, ông Nguyễn Thọ nói.

Tương tự, Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc) tập trung nâng cao nhận thức cho giáo viên về tầm quan trọng phương pháp dạy học đổi mới theo định hướng phát triển năng lực của học sinh. Ngoài ra, nhà trường có phòng học thông minh tích hợp hệ thống ứng dụng và bàn ghế rời có thể linh hoạt triển khai học tập toàn lớp hoặc theo nhóm.

Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương Phạm Minh Vũ chia sẻ, tất cả các môn học nhà trường phối hợp đa dạng các phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực của học sinh. Giáo viên là người tổ chức các hoạt động để học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng vào các tình huống môn học. Ngoài ra, nhà trường thường xuyên chỉ đạo các tổ chuyên môn tăng cường dự giờ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, thao giảng, đánh giá, rút kinh nghiệm giờ dạy theo tiêu chí đổi mới và kịp thời hỗ trợ những giáo viên còn lúng túng.

Ở bậc mầm non, Phòng GD&ĐT huyện chỉ đạo các trường thực hiện đổi mới phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, phát triển giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi. Đồng thời, khuyến khích giáo viên linh hoạt áp dụng các mô hình học tập, hình thức, phương pháp dạy học hướng tiếp cận Reggio Emalia, phương pháp Montesteri, Stem vào tổ chức hoạt động dạy học cho trẻ.

Cần bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện

Ông Lê Văn Hoàng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang cho biết, huyện tiếp tục triển khai dạy chương trình đổi mới với lớp 3, lớp 7; thẩm định sách giáo khoa lớp 4, lớp 8; chuẩn bị biên soạn cho lớp 5, lớp 9. Phương pháp giáo dục đổi mới là giao quyền tự chủ cho giáo viên trong việc lựa chọn hình thức dạy học để phát huy năng lực, tính tích cực và phẩm chất của học sinh. Cùng với đó, giáo viên được bồi dưỡng chuyên môn thông qua những cuộc họp trao đổi và tập huấn nhằm bảo đảm kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng thành thạo các phần mềm dạy học cũng như các phần mềm mô phỏng Stem. Hiện nay, giáo viên đáp ứng chuyên môn chuẩn đào tạo, nhiều giáo viên trên chuẩn và 100% các trường đều dạy 2 buổi/ngày, đạt 10 buổi/tuần.

Dù có nhiều chuyển biến tích cực, song việc triển khai phương pháp dạy học đổi mới vẫn gặp không ít khó khăn. Các xã miền núi của huyện như Hòa Bắc và Hòa Phú đều có học sinh người dân tộc Cơ tu, đa số chưa có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin nên việc tiếp thu kiến thức còn hạn chế.

Cô Mai Thị Dung, giáo viên môn Sinh học, Trường THCS Nguyễn Tri Phương cho hay, nhiều học sinh chưa chủ động trong việc học dẫn đến khó khăn khi triển khai dạy học theo phương pháp mới. “Muốn học sinh tiếp thu và hiểu môn học, tôi chia thành nhóm và hướng dẫn, giao nhiệm vụ đọc bài trước ở nhà, soạn và trả lời những câu hỏi liên quan. Đến tiết học, các em trao đổi và tự phản biện dưới sự tổ chức của giáo viên. Giáo viên phải chủ động chuyển đổi phương pháp bằng nhiều hình thức và áp dụng từ từ. Bên cạnh đó, giáo viên cần hiểu rõ phương pháp đổi mới, thực trạng của học sinh địa phương và đổi mới như thế nào để tìm ra phương pháp phù hợp. Tôi mong muốn phụ huynh cùng đồng hành giúp sức trong sự nghiệp đổi mới, một mình giáo viên thì việc đổi mới khó thành công”, cô Dung bày tỏ.

“Để các em tự học và chủ động khám phá những điều chưa biết, nhà trường phổ biến cho giáo viên gửi nội dung bài học thông qua nhóm Zalo của lớp. Nhà trường còn vận động ban đại diện cha mẹ học sinh xây dựng góc học tập và học cùng con. Qua đó, rèn luyện cho học sinh biết khai thác sách giáo khoa và các tài liệu phục vụ cho việc học. Hiện nay, nhà trường đang xây dựng thư viện ở tất cả các lớp học”, ông Phạm Minh Vũ nói. Trong khi đó, ông Lê Văn Hoàng cho rằng, việc đổi mới phương pháp dạy học còn tùy thuộc vào kinh nghiệm, sự linh hoạt và sáng tạo của mỗi giáo viên; nhà trường cần bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện, kỹ thuật. Các thầy cô giáo phải chủ động thay đổi phương pháp dạy học để tìm ra phương pháp phù hợp cho học sinh miền núi, vùng nông thôn và phụ huynh nên phối hợp cùng nhà trường để đạt hiệu quả cao hơn.

HUỲNH TƯỜNG VY

;
;
.
.
.
.
.