Học tập dựa trên công việc thực tế

.

Sự đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động thúc đẩy các trường tăng cường cho sinh viên tiếp cận thực tế, chủ động chuẩn bị kỹ năng cần thiết đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Sinh viên khoa Marketing, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng đã vận dụng những kiến thức học được trổ tài tại cuộc thi thương hiệu - Branding Contest. Ảnh: NGỌC HÀ
Sinh viên khoa Marketing, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng đã vận dụng những kiến thức học được trổ tài tại cuộc thi thương hiệu - Branding Contest. Ảnh: NGỌC HÀ

Hiệu quả từ việc học gắn thực tế

Mới đây, sinh viên khoa Marketing, Trường Đại học (ĐH) Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) đã vận dụng những kiến thức học được trổ tài tại cuộc thi thương hiệu - Branding Contest. Để tham gia Branding Contest, 18 nhóm sinh viên của khoa phải bắt đầu từ công việc nghiên cứu thị trường để nhận diện cơ hội và nắm bắt nhu cầu khách hàng, sau đó xây dựng bộ nhận diện thương hiệu phù hợp.

Branding Contest là chương trình ngoại khóa lồng ghép vào chương trình chính khóa của học phần Quản trị thương hiệu thông qua các dự án mang tính thực tiễn cao. Vốn xuất phát từ ý tưởng ban đầu của PGS.TS. Phạm Thị Lan Hương (nguyên Trưởng khoa Marketing) về một show trình diễn đầy tính cạnh tranh, gắn với các dự án nơi sinh viên có thể phát huy tối đa khả năng sáng tạo, tự mình xây dựng và phát triển các thương hiệu thời trang thực tế.

Nhờ kinh nghiệm hợp tác doanh nghiệp, TS. Trương Thị Vân Anh, Trưởng bộ môn Marketing, khoa Marketing, Trường ĐH Kinh tế đã kế thừa và làm mới Fashion & Branding nguyên bản thành đường đua giữa các thương hiệu với sự tài trợ từ các đơn vị thực tế cả về tài chính lẫn nhân lực, vật lực. Kết hợp phương pháp học tập dựa trên nghệ thuật (art-based learning), Branding Contest đặt ra thách thức mới cho người học thông qua việc vận dụng các hình thức nghệ thuật trình diễn như nhạc kịch, thời trang… hình ảnh hóa các giá trị gửi gắm để kích thích tối đa thị giác của khán, thính giả.

Những học phần vận dụng kiến thức vào thực tiễn được sinh viên hào hứng tiếp nhận. Phan Thị Hồng Hương, sinh viên năm thứ 4, khoa Marketing, Trường ĐH Kinh tế cho biết, với các học phần mang tính trải nghiệm mà khoa tổ chức giúp sinh viên có cơ hội làm việc với các doanh nghiệp nổi tiếng trong và ngoài nước.

Chẳng hạn tại Branding Contest, Hương cùng các bạn trong nhóm đã được học hỏi nhiều kỹ năng về marketing với các chuyên gia từ Công ty AIDIN Robotics (Hàn Quốc). Chỉ khi thường xuyên làm việc và tiếp xúc với các doanh nghiệp mới giúp sinh viên dần dần có được sự nhạy bén, tinh tế trong nắm bắt nhu cầu của khách hàng. Đây là yếu tố cần thiết của sinh viên ngành marketing khi ra trường đi làm.

Tương tự, Huỳnh Văn Vũ (sinh viên năm 3, ngành công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật) chia sẻ, nhà tuyển dụng rất quan tâm đến việc sinh viên ra trường sẽ vận dụng kiến thức học được vào thực tiễn như thế nào. Vì thế, học phần thực hành khá quan trọng, trang bị cho sinh viên kỹ năng cần thiết, đáp ứng nhu cầu của công việc trong tương lai.

Hướng đến luận văn là sản phẩm thực tiễn

“Không chỉ riêng học phần quản trị thương hiệu, khoa Marketing còn tổ chức  các học phần đầy tính trải nghiệm qua các sân chơi Truyền thông Marketing tích hợp (học phần Truyền thông Makerting), Music Marketing (học phần Quảng cáo), Trưng bày sản phẩm mới (học phần Quản trị sản phẩm), Triển lãm Poster (học phần Nghiên cứu Marketing)... Từ đó, sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết, không bỡ ngỡ khi tiếp cận công việc trong tương lai”, TS. Trương Thị Vân Anh chia sẻ.

Việc hướng đến đào tạo sinh viên gắn với thực tế việc làm sau này được các trường ĐH quan tâm. Tiến sĩ Trương Thị Hoa, Trưởng bộ môn Hệ thống điện, khoa Điện - Điện tử, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) cho biết, chẳng hạn với các học phần thực hành nói chung và học phần thực hành lắp đặt tủ điện nói riêng, sinh viên ngành Hệ thống cung cấp điện có thể tự thiết kế và thi công lắp đặt hoàn chỉnh cho một tủ điện phân phối trong công nghiệp hợp chuẩn hiện nay.

Đây là học phần mang tính thực tế cao, đóng một vai trò then chốt như một cách kết nối lý thuyết với thực tế. Với các môn học thực hành, sinh viên được đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng lao động và được trang bị các kỹ năng tiệm cận với thực tế công nghiệp. Nhiều cựu sinh viên đánh giá, việc thay đổi trong cách tiếp cận đào tạo này đã giúp sinh viên bớt bỡ ngỡ khi tham gia thị trường lao động.

Theo Tiến sĩ Lê Phước Cửu Long, Phó Trưởng khoa, phụ trách khoa Kinh tế số và Thương mại điện tử, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (ĐH Đà Nẵng), tất cả chương trình đào tạo các chuyên ngành của khoa được thiết kế theo cấp độ: nhận thức nghề nghiệp (năm 1), tiếp cận nghề nghiệp (năm 2), thực hành kỹ năng nghề nghiệp (năm 3), thực tập nghề nghiệp (năm 4). Qua từng năm, tính trải nghiệm trong từng công việc sẽ được tăng lên để bảo đảm sinh viên có thể thực hành tốt nhất.

Để tăng tính thực tế cho từng chuyên ngành, học phần, định kỳ, khoa tổ chức các hoạt động để sinh viên ứng dụng kiến thức vào thực tiễn như: tổ chức các talk show, tham quan các doanh nghiệp qua từng năm, mời các chuyên gia đến từ doanh nghiệp hướng dẫn đề án, doanh nghiệp nêu vấn đề, làm giám khảo cho đồ án môn học mang tính thực tế; thiết kế nhiều học phần với yêu cầu sinh viên phải có sản phẩm trên thực tế, các sản phẩm này phải được tạo ra từ thực tế kinh doanh và đánh giá với chính các khách mời từ doanh nghiệp...

“Học tập dựa trên công việc thực tế là điều vô cùng cần thiết đối với việc đào tạo hiện nay, đặc biệt là sinh viên thuộc khối ngành kinh doanh, quản trị bởi vì môi trường kinh doanh thay đổi rất nhanh. Để giải quyết bài toán kinh nghiệm thực tiễn cho sinh viên, định hướng trong tương lai, sản phẩm tốt nghiệp của sinh viên không phải là luận văn mà sẽ hướng tới một sản phẩm được đặt hàng từ chính doanh nghiệp, đúc kết kiến thức được học trong 4 năm; hướng tới hội đồng đánh giá luận văn tốt nghiệp 100% là người đến từ doanh nghiệp”, Tiến sĩ Lê Phước Cửu Long chia sẻ.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.