Phổ cập mầm non cho trẻ 3-4 tuổi: Cần tính toán kỹ

.

Thành phố hiện có 71 trường mầm non công lập, 126 trường mầm non tư thục, gần 1.000 nhóm lớp độc lập tư thục, nhóm trẻ có quy mô dưới 7 trẻ. Do đó, việc xây dựng đề án phổ cập mầm non cho trẻ 3-4 tuổi trên địa bàn thành phố là không dễ dàng bởi đòi hỏi phải bảo đảm đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất… đáp ứng yêu cầu.

Phụ huynh và con làm thiệp trong dịp 8-3 tại Trường Mầm non Ngọc Lan (quận Hải Châu).  Ảnh: NGỌC HÀ
Phụ huynh và con làm thiệp trong dịp 8-3 tại Trường Mầm non Ngọc Lan (quận Hải Châu). Ảnh: NGỌC HÀ

Việc thực hiện phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi đã được thực hiện trên toàn quốc từ nhiều năm nay và cho kết quả tích cực, với tỷ lệ trẻ mầm non 5 tuổi đến trường ở mức cao.

Trên cơ sở đó, tháng 3-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành kế hoạch xây dựng đề án “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3 và 4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi” giai đoạn 2023-2030.

Mục tiêu cụ thể là đảm bảo tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được huy động đến cơ sở giáo dục mầm non để thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non đạt 95% vào năm 2025, đạt 97% vào năm 2030.

Tuy nhiên, hiện tại, ngành giáo dục mầm non đang thiếu từ nguồn lực con người đến cơ sở vật chất, nên nếu việc triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-4 tuổi được thực hiện, sẽ dự báo nhiều khó khăn.

Theo bà Nguyễn Quốc Thư Trâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngọc Lan (quận Hải Châu), khi phổ cập là mọi học sinh đều có quyền được học tập, chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đối với trẻ ở độ 3 - 4 tuổi, nhiều gia đình có điều kiện chăm sóc sẽ không muốn cho con đi học nên việc kêu gọi trẻ ra lớp không dễ dàng. Đồng thời, khi triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-4 tuổi thì chắc chắn sẽ tăng biên chế cho cấp học này, trong khi ngành giáo dục đang thực hiện chủ trương giảm biên chế giáo viên; cơ sở vật chất các trường hiện có không bảo đảm cho việc triển khai đề án…

Nhiều ý kiến cho rằng, thành phố có gần 1.000 nhóm lớp độc lập tư thục, nhóm trẻ có quy mô dưới 7 trẻ, vậy việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-4 tuổi có tính toán đến đối tượng là các nhóm lớp độc lập tư thục, nhóm trẻ hay không.

“Hiện các nhóm lớp độc lập tư thục, nhóm trẻ có quy mô dưới 7 trẻ góp phần giải quyết nhu cầu gửi con của người lao động, nhất là công nhân bởi linh động hơn trong giờ giấc nhận, trả trẻ, phù hợp với điều kiện làm việc theo ca, kíp. Vì thế, cần tính toán đến điều này để bảo đảm quyền lợi cho mọi trẻ em và giảm tải cho cơ sở giáo dục mầm non công lập”, bà Lê Thị Hoàng Chinh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê, chia sẻ.

Trong chương trình làm việc của đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội với UBND thành phố Đà Nẵng về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, giáo dục, đào tạo mới đây, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội, cũng lưu ýthành phố khi xây dựng đề án phổ cập mầm non cho trẻ từ 3-4 tuổi cần làm rõ khái niệm phổ cập.

Phổ cập được hiểu là tỷ lệ trẻ ra lớp, bao gồm cả các nhóm lớp độc lập tư thục, giữ trẻ ở các hộ gia đình? “Thành phố cần có định hướng đối với các nhóm lớp độc lập tư thục để chuẩn bị lộ trình cho việc phổ cập mầm non cho trẻ từ 3-4 tuổi; trong đó tính toán đến việc có thừa nhận mô hình này hay không? Nếu thừa nhận thì có định hướng thế nào trong đào tạo, hỗ trợ hành lang pháp lý”, ông Vinh nêu vấn đề.

Đến nay, Bộ GD&ĐT đã chọn Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên triển khai thí điểm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3, 4 tuổi. Cũng tại chương trình làm việc này, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho rằng, triển khai phổ cập mầm non cho trẻ 3-4 tuổi không thể lấy kết quả thí điểm ở một vài địa phương để nhân ra đại trà.

Khi triển khai thí điểm thì chủ yếu tập trung vào mặt chuyên môn, công tác quản lý là chính, các trường chăm sóc, nuôi dạy như thế nào. Nhưng khi triển khai phổ cập đại trà thì còn liên quan đến đội ngũ giáo viên, đất đai, các nguồn lực khác, vì thế thành phố sẽ tính toán kỹ.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.