Giáo dục
Linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức hoạt động trải nghiệm
Trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (GDPT), hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục bắt buộc. Nhằm giúp học sinh huy động, tổng hợp kiến thức, kỹ năng của các môn học để trải nghiệm thực tiễn trong nhà trường, gia đình và xã hội, các trường học trên địa bàn thành phố đã linh động trong phương thức tổ chức dạy học, mang lại sự thích thú cho học sinh.
Tại buổi chào cờ mới đây, Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Khê) tổ chức tiết học trải nghiệm môn Âm nhạc với chủ đề tự hào di sản quê hương cho học sinh. Nhà trường mời các nghệ nhân bài chòi thuộc Hội Nghệ sĩ và sân khấu thành phố đến giới thiệu, chia sẻ về hình thức hô hát bài chòi, các làn điệu dân ca Khu 5. Sau đó, các cô giáo dạy môn Âm nhạc, học sinh cùng tham gia biểu diễn hô hát bài chòi với các nghệ nhân.
Theo cô Nguyễn Thị An, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, những năm học qua, nhằm đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng mục tiêu Chương trình GDPT 2018, nhà trường tổ chức nhiều hình thức dạy học trải nghiệm gắn với các môn học, tạo ra những tiết học gắn liền với tri thức cuộc sống, tạo sự hứng thú cho học sinh trong học tập. “Với môn Âm nhạc, khi học các làn điệu dân ca, tốt nhất là để các em nghe được trực tiếp từ các nghệ nhân thì mới hiểu, cảm thụ và hơn hết góp phần giáo dục các em biết tự hào, yêu quý và giữ gìn vẻ đẹp di sản văn hóa quê hương xứ Quảng nói chung và quê hương Đà Nẵng nói riêng”, cô An bày tỏ.
Trường THPT Hoàng Hoa Thám cũng tổ chức cho học sinh toàn trường nghe các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh nói chuyện về nghệ thuật tuồng và xem biểu diễn vở Nghêu, Sò, Ốc, Hến. Theo thầy Lê Mạnh Tấn, Bí thư Đoàn Trường THPT Hoàng Hoa Thám, đây là hoạt động giáo dục trải nghiệm và giáo dục Ngữ văn do Đoàn trường và Tổ Ngữ văn phối hợp triển khai.
Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Trần Ngọc Tuấn cho biết: “Nhiều năm qua, chương trình sân khấu học đường đã đưa nghệ thuật tuồng đến gần với học sinh, góp phần gìn giữ bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Hiện nay, các trường có thêm hình thức dạy học trải nghiệm gắn với các môn học, trong đó có lồng ghép nghệ thuật truyền thống. Đây là cơ hội để nghệ sĩ tiếp cận khán giả trẻ, quảng bá cái hay, cái đẹp của nghệ thuật tuồng”.
Theo chương trình GDPT 2018, hoạt động trải nghiệm có thời lượng 3 tiết/tuần, bao gồm chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp cuối tuần và học theo chủ đề. Dù là hình thức nào, các giáo viên cũng nỗ lực mang lại sự hứng thú cho học sinh. Tại buổi học hoạt động trải nghiệm của học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu), với chủ đề “Sống hòa hợp với cộng đồng”, học sinh sôi nổi làm việc theo nhóm và tự trình bày hiểu biết, quan điểm của mình dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Em Nguyễn Thái Bình Hương Giang, học sinh lớp 7/2, Trường THCS Nguyễn Huệ khẳng định, với bản thân em, môn học hoạt động trải nghiệm dạy cho em những kiến thức, kỹ năng để ứng dụng vào đời sống. “Chủ đề Sống hòa hợp với cộng đồng mà em được học giúp em sống có trách nhiệm với môi trường xung quanh, chủ đề “Chi tiêu hợp lý” bày cho em cách sử dụng tiền sao cho đúng mục đích...”, Giang bày tỏ.
Thầy Nguyễn Văn Việt, giáo viên bộ môn tiếng Anh, được phân công kiêm nhiệm môn hoạt động trải nghiệm ở Trường THCS Nguyễn Huệ. Theo thầy Việt, bất cứ môn học nào cũng cần linh hoạt, sáng tạo trong dạy học nhằm đáp ứng chuẩn kiến thức, kỹ năng cho học sinh theo yêu cầu. Với môn hoạt động trải nghiệm lớp 7, các chủ đề gắn liền với thực tế cuộc sống, được thiết kế phù hợp lứa tuổi, giúp học sinh trau dồi kỹ năng, năng lực cần thiết cho bản thân, cuộc sống sau này.
NGỌC HÀ