Các phiên ngày hội việc làm, sàn giao dịch việc làm thời gian gần đây cho thấy, nguồn nhân lực chất lượng cao đang được các doanh nghiệp săn đón. Để đáp ứng các điều kiện trúng tuyển, bên cạnh yếu tố chuyên môn, năng lực ngoại ngữ được xem là điểm cộng.
Sinh viên tìm hiểu các vị trí tuyển dụng việc làm tại ngày hội việc làm Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) tổ chức vào đầu tháng 4. Ảnh: NGỌC HÀ |
Thời gian qua, các trường đại học (ĐH) trên địa bàn thành phố tích cực tổ chức các phiên ngày hội việc làm. Đây là cơ hội cho sinh viên tìm kiếm vị trí phù hợp với năng lực và cũng là dịp để doanh nghiệp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Tại ngày hội việc làm Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) tổ chức vào đầu tháng 4, 40 doanh nghiệp tham gia đã đưa ra nhu cầu tuyển dụng hơn 1.000 vị trí việc làm. Hầu hết, tiêu chuẩn tuyển dụng đều hướng đến tìm kiếm, chọn lựa nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bà Châu Thị Hằng Ni, Công ty Brycen, doanh nghiệp phần mềm FDI, đang hoạt động tại địa bàn thành phố Huế cho biết, công ty đón nhận được nhiều dự án từ đối tác, nên tăng cường tuyển dụng. Các vị trí công ty tìm kiếm là các lập trình viên, kỹ sư điện tử viễn thông, một số chuyên ngành công nghệ thông tin và tin tưởng sẽ tìm được những ứng viên sáng giá từ Trường ĐH Bách khoa, cái nôi đào tạo lĩnh vực này cho thị trường lao động miền Trung.
Tương tự, ông Trần Thành, Giám đốc điều hành Agility, Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng (DSA) chia sẻ, do nhu cầu mở rộng quy mô hoạt động, Agility đang có kế hoạch tuyển dụng nhân sự. “Ngày hội việc làm không chỉ là nơi các doanh nghiệp đến với mục đích tuyển dụng mà còn là nơi chia sẻ, giới thiệu với sinh viên các xu hướng công nghệ mới, quy trình doanh nghiệp, đặc biệt là định hướng nghề nghiệp gắn với yêu cầu đặc thù của mỗi doanh nghiệp trong tuyển dụng nhân lực. Tôi cho rằng, trong tuyển dụng, doanh nghiệp đặt ra những tiêu chí gì và người học cần chuẩn bị sớm những gì khi còn ngồi trên ghế giảng đường, luôn là vấn đề được các bên quan tâm”, ông Trần Thành chia sẻ.
Trong khi đó, năng lực ngoại ngữ của ứng viên luôn được các doanh nghiệp đánh giá cao trong tuyển dụng. Bà Phạm Thị Hiền Thư, phụ trách nhân sự Công ty Ubisoft Vietnam cho biết, năng lực ngoại ngữ ở đây là khả năng sử dụng ngoại ngữ chứ không phải chứng chỉ ngoại ngữ nên đòi hỏi ứng viên phải có nền tảng ngoại ngữ từ học thật, thi thật.
Theo bà Thư, gần như trong hồ sơ của các ứng viên đăng ký tuyển dụng vào Ubisoft Vietnam ít kèm theo chứng chỉ ngoại ngữ. Các bản tin thông báo tuyển dụng của công ty hoàn toàn bằng tiếng Anh để bảo đảm ứng viên đọc - hiểu được những yêu cầu, môi trường làm việc của công ty sau này. Đây là sự sàng lọc đầu tiên trước khi người lao động quyết định có nộp hồ sơ tham gia tuyển dụng hay không. Khi ứng tuyển, ở một số vị trí công việc tại Ubisoft Vietnam, ứng viên sẽ được kiểm tra năng lực tiếng Anh qua bài test. Còn lại, các ứng viên sẽ sử dụng tiếng Anh trong quá trình phỏng vấn.
“Trong môi trường làm việc hoàn toàn sử dụng bằng tiếng Anh để giao tiếp, trao đổi, Ubisoft Vietnam không yêu cầu ứng viên phải nộp chứng chỉ ngoại ngữ đi kèm với hồ sơ mà chỉ đánh giá năng lực sử dụng ngôn ngữ thực tế”, bà Thư nói.
Từ thực tế kết nối giữa các doanh nghiệp với Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) trong tuyển dụng nhân sự, PGS.TS Lê Văn Huy, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong chuẩn đầu ra của sinh viên, các cơ sở giáo dục ĐH đều có yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ. Thực chất của việc các cơ sở giáo dục ĐH yêu cầu chuẩn đầu ra về chứng chỉ ngoại ngữ đối với sinh viên là để nâng cao trình độ ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên, với những môi trường làm việc yêu cầu phải sử dụng ngoại ngữ thì đơn vị tuyển dụng sẽ có những bài kiểm tra để sàng lọc và đánh giá năng lực ngoại ngữ theo tiêu chí riêng.
Theo nhiều sinh viên, trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, muốn có vị trí việc làm lương cao thì bản thân mỗi sinh viên tự trang bị kiến thức, kỹ năng của mình. Sinh viên Nguyễn Trường Vũ (đang học năm thứ 4, ngành công nghệ thông tin, Trường ĐH Bách khoa) chia sẻ: “Ngành công nghệ thông tin đang nhận được sự quan tâm bởi sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trong kỷ nguyên số. Tuy nhiên, các vị trí, mức lương của mỗi ứng viên là rất khác biệt phụ thuộc vào trình độ chuyên môn, khả năng ngoại ngữ. Vì thế, tôi đã tự chuẩn bị cho mình những kỹ năng cần thiết, tìm hiểu các doanh nghiệp phù hợp để kiếm được việc ngay khi tốt nghiệp”.
NGỌC HÀ