Giáo dục
Bộ GD&ĐT công nhận cả hai đáp án đề tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023
Chiều 5-7, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 đã có thông tin chính thức liên quan đến đáp án môn tiếng Anh.
Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 đã chỉ đạo Hội đồng chuyên môn rà soát đáp án thi và quyết định như sau: Đáp án các môn thi không thay đổi, ngoại trừ môn tiếng Anh.
Cụ thể Đáp án câu 50, mã đề 409 (thứ tự câu này có thể thay đổi theo các mã đề khác nhau) của môn tiếng Anh có 2 phương án đúng là B và C. Thí sinh lựa chọn một trong hai phương án đều được công nhận là chọn đúng đáp án.
Hiện nay, các Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai công tác chấm thi đảm bảo chất lượng, theo đúng tiến độ thời gian, tuân thủ đúng đáp án Bộ GD&ĐT đã công bố.
Câu tiếng Anh trong mã đề thi 409 gây tranh cãi. Ảnh: Chụp màn hình |
Bộ GD&ĐT đã cân nhắc chuyên môn về đáp án, đặc biệt môn tiếng Anh, để đảm bảo đầy đủ quyền lợi chính đáng cho tất cả các thí sinh. Nếu có phương án điều chỉnh, Ban Chỉ đạo kỳ thi sẽ sớm có thông báo trong những ngày tới.
Như báo Tin tức đã đưa, sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án chính thức môn tiếng Anh, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, nhiều cuộc tranh luận trên diễn đàn giáo dục.
Cụ thể, ở câu 31 - mã đề 401 (câu 46 - mã đề 402, câu 50 - mã đề thi 409), đề bài yêu cầu chọn đáp án sai. Các tranh cãi xung quanh hai phương án B và C.
Đề bài: "Their pioneering (A) research showed that the learning motivation of the two groups of learners was quite distinctive (B) from each other, and the comparative (C) group whose learning motivation was stronger performed better than the control (D) group".
Các từ được gạch chân để chọn lỗi sai gồm (từ trong ngoặc là nghĩa tiếng Việt được hiểu trong văn cảnh câu được hỏi): A. pioneering (tiên phong); B. distinctive (khác biệt); C. comparative (thí nghiệm, so sánh); D. control (đối chứng, kiểm soát).
Theo đáp án được Bộ GD&ĐT công bố, phương án trả lời đúng là B. Điều này đồng nghĩa với việc nếu thí sinh trả lời là C (từ cần được sửa là từ comparative) sẽ không có điểm.
Bà Vũ Thị Mai Phương, giảng dạy tiếng Anh tại Hà Nội đã viết thư kiến nghị tới Bộ GD&ĐT. Trong đó nêu, trong khoa học, khi so sánh giữa hai nhóm đối tượng nghiên cứu, người ta sử dụng thuật ngữ "control group" và "experimental group" hoặc "comparison group". Nhóm comparison group/experimental group là nhóm nhận được sự can thiệp của thí nghiệm còn nhóm "control group" phục vụ như là cơ sở. Việc đề cập tới nghiên cứu "research" và nhóm cơ sở "control group" dẫn tới từ "comparative" trở nên sai lệch về kiến thức khoa học. Do đó, đáp án C cần được công nhận.
Bà Mai Phương kiến nghị: Với các em lựa chọn đáp án "comparative", Bộ GD&ĐT công nhận cho điểm 0,2 điểm. Nếu nhân đôi ở ngành ngôn ngữ Anh, có tính chất quyết định tới việc đỗ, trượt của học sinh và sẽ là thiệt thòi lớn cho các em đã nhận ra lỗi sai này trong câu.
Ngoài ra, một số ý kiến cũng cho rằng, câu này có hai đáp án đúng và Bộ GD&ĐT nên chấp nhận cả hai đáp án. Bởi việc Bộ GD&ĐT chọn đáp án B có thể hiểu được nếu nhìn nhận từ góc độ nguyên tắc của người ra đề. Khi ra đề, người ra đề có mục tiêu kiểm tra dựa trên những gì học sinh được học. Nếu chỉ công nhận đáp án B sẽ gây bất công do những học sinh giỏi hơn mới nhìn ra vấn đề của đáp án C. Tuy nhiên, sẽ thiệt thòi hơn với những bạn giỏi hơn vì các bạn có thể mất điểm.
Theo Báo Tin tức