Đà Nẵng cuối tuần

Sinh viên Pháp và những trải nghiệm thú vị tại Đà Nẵng

09:54, 02/07/2023 (GMT+7)

Suốt 3 tháng đến Đà Nẵng tham gia chương trình trao đổi đào tạo tại Viện Nghiên cứu quốc tế về Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu (IAD), Trường Đại học Đông Á, nhóm sinh viên Bondoni Jeanne, Pendolino Emma Chiara và Viale Lukas Titouan đến từ Trường Đại học Lille (Pháp) có chia sẻ thú vị về những trải nghiệm của mình.

Pendolino Emma Chiara lần đầu tiên hiến máu nhân đạo. Ảnh: H.L
Pendolino Emma Chiara lần đầu tiên hiến máu nhân đạo. Ảnh: H.L

* Pendolino Emma Chiara:

Lần đầu tiên hiến máu nhân đạo

Khi giảng viên thông báo rằng tôi sẽ đến Đà Nẵng, cụ thể là Trường Đại học Đông Á trong 3 tháng để học tập, nghiên cứu, tôi rất phấn kích. Bởi đây là lần đầu tiên Trường Đại học Đông Á và Đại học Lille Pháp thực hiện chương trình trao đổi sinh viên. Không ai trong chúng tôi từng đến Đà Nẵng nên mọi thứ đều mới mẻ và hấp dẫn.

Mỗi ngày, tôi có mặt tại trường từ 7 giờ 30, sau đó học tập, nghiên cứu cũng như tham gia giao lưu ở các sự kiện văn hóa do nhà trường tổ chức, như Lễ hội giao lưu văn hóa Việt - Hàn, Ngày hội trải nghiệm Open day… Ngoài ra, tôi thường xuyên đến thư viện và chia sẻ kinh nghiệm học tập tại Pháp.

Tôi xác định mục đích mình đến đây là học tập, nghiên cứu và giao lưu văn hóa, thắt chặt tình đoàn kết giữa hai ngôi trường nên luôn nghiêm túc thực hiện các nội dung trao đổi. Điều tôi cảm thấy thú vị nhất, là bản thân đã vượt qua nỗi sợ để lần đầu tiên tham gia hoạt động hiến máu nhân đạo. Khi cùng các bạn đứng xếp hàng chờ đến lượt, tôi đã rất hồi hộp và tin rằng đây sẽ là trải nghiệm đẹp, đáng nhớ.

* Viale Lukas Titouan:

Chúng tôi tranh thủ khám phá thành phố xinh đẹp

Nhờ cơ hội học tập tại Trường Đại học Đông Á, tôi có điều kiện tìm hiểu văn hóa, con người Đà Nẵng. Tôi thường kết thúc một ngày học tập vào lúc 17 giờ 30 và sau đó đi tắm biển, khám phá thành phố.

Trước khi đến đây, tôi dành thời gian khám phá Đà Nẵng qua internet để có thể nhanh chóng thích nghi. Dù vậy, tôi vẫn bị choáng ngợp bởi ẩm thực đường phố, văn hóa uống bia và cà phê của người Việt. Vui hơn là, dù chúng tôi không nói được tiếng Việt, không hiểu hết văn hóa của người Việt nhưng sự thân thiện đã gắn kết mọi người với nhau.

Trong thời gian học tập, chúng tôi được tham gia những chuyến đi thực tế nhằm tìm hiểu, trao đổi chuyên môn với các doanh nghiệp địa phương. Với tôi, đây có lẽ là kỳ học rất đáng nhớ và tôi tin rằng mình sẽ quyến luyến khi rời xa. Tôi hy vọng những kỷ niệm đẹp sẽ thôi thúc tôi trở lại Đà Nẵng, trở lại Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

* Bondoni Jeanne:

Cảm nhận rất rõ sự thân thiện, tử tế của người Đà Nẵng

Chúng tôi là nhóm sinh viên đầu tiên được Trường Đại học Lille chọn tham gia chương trình trao đổi đào tạo với Trường Đại học Đông Á, do đó, luôn ý thức bản thân phải hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ban đầu, tôi thấy khá áp lực vì chưa hiểu văn hóa, con người Đà Nẵng, cũng như chưa hiểu môi trường đào tạo tại Đông Á. Tuy nhiên, sự e ngại này nhanh chóng biến mất, khi chúng tôi được nhà trường tiếp đón chu đáo và tạo điều kiện tham gia học tập, nghiên cứu tại các phòng, khoa liên quan. Trong 3 tháng trở lại đây, tôi khẳng định mọi thứ diễn ra rất thuận lợi và chúng tôi hạnh phúc vì điều đó.

Trong thời gian lưu lại Đà Nẵng, điều tôi cảm nhận được là sự thân thiện, tử tế của người địa phương, ngay cả khi tôi không hiểu tiếng Việt, không quen ai từ trước. Ở trường, tôi được các bạn giúp đỡ rất nhiều, từ cách tiếp cận tài liệu, hướng dẫn sử dụng các nền tảng trí tuệ nhân tạo để thực hiện đề tài nghiên cứu “Chat GPT ứng dụng như thế nào trong thời trang”. Ngoài ra, ở khu vực công cộng, tôi được người dân nhiệt tình “nói chuyện bằng tay” và bằng biểu cảm trên khuôn mặt khi chỉ đường hoặc những địa chỉ bôi đỏ trên bản đồ du lịch thành phố. Với những trải nghiệm đẹp này, sau khi kết thúc chương trình học, nhóm chúng tôi sẽ dành thời gian du lịch Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác của Việt Nam trước khi quay trở lại Pháp .

PHI TUÂN (ghi)

.