Bệnh đau mắt đỏ đã xuất hiện và lây lan nhanh trong các trường học trên địa bàn thành phố. Ngành giáo dục và đào tạo đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, nỗ lực để bệnh không lây lan mạnh.
Học sinh Trường Tiểu học Duy Tân (quận Liên Chiểu) rửa tay trong giờ ra chơi. (Ảnh chụp ngày 13-9). Ảnh: NGỌC HÀ |
Nhiều học sinh bị bệnh đau mắt đỏ
Tại Trường Tiểu học Duy Tân (quận Liên Chiểu), nhiều học sinh không đến trường do bị bệnh đau mắt đỏ. Cô Nguyễn Thị Lệ Tuyết, giáo viên chủ nhiệm lớp 3/2, Trường Tiểu học Duy Tân cho biết, sáng 13-9, lớp có 9 học sinh bị đau mắt đỏ phải ở nhà. Theo cô Tuyết, nhằm tăng cường công tác phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn các em quy trình rửa tay, sát khuẩn; không chạm tay lên mũi, mắt; hạn chế tiếp xúc gần với các bạn bị đau mắt đỏ.
Từ đầu năm học đến nay, Trường Tiểu học Hoa Lư (quận Thanh Khê) có hơn 70 học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ. Cô Nguyễn Thị Tố Oanh, nhân viên y tế của trường cho biết, khi phát hiện các học sinh bị đau mắt đỏ, giáo viên đưa đến phòng Y tế. Tại đây, các em được nhân viên y tế rửa mắt bằng các dung dịch sát khuẩn trang bị sẵn. Sau đó, thông báo phụ huynh đến đón các em về; đồng thời hướng dẫn phụ huynh đưa đến các cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời, không được tự ý điều trị tại nhà.
Chiều 13-9, khá nhiều học sinh Trường Tiểu học Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) vẫn ở lại trường học tập dù bị bệnh đau mắt đỏ. Theo cô Lê Thị Thanh Xuân, Phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường, rất khó để các em ở nhà. Do đó, về phía phụ huynh, nhà trường yêu cầu phải vệ sinh sạch sẽ cho con em, nhỏ mắt, đeo kính khi đến trường để tránh lây cho bạn. Ở trường, thầy cô nhắc nhở các em giữ tay sạch, không dụi tay vào mắt. Đối với các em bị đau mắt đỏ có triệu chứng nặng thì chỉ học một buổi (không ở lại học bán trú) hoặc cho nghỉ ở nhà.
Học sinh Trường Tiểu học Hoa Lư (quận Thanh Khê) rửa tay trong giờ ra chơi. (Ảnh chụp ngày 13-9). Ảnh: NGỌC HÀ |
Nỗ lực phòng, chống bệnh
Ngay khi nắm được tình hình bệnh đau mắt đỏ xuất hiện trên địa bàn thành phố, các trường học đã tăng cường công tác truyền thông đến phụ huynh, học sinh qua nhiều kênh khác nhau. Cô Huỳnh Thị Thanh Tình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoa Lư cho biết, tại buổi chào cờ đầu tuần, nhân viên y tế nhà trường đã tuyên truyền dưới cờ cho giáo viên, học sinh về nguyên nhân của bệnh đau mắt đỏ, cách phòng ngừa bệnh, nhất là giữ vệ sinh cá nhân; xây dựng video hướng dẫn cách phòng ngừa, yêu cầu giáo viên chủ nhiệm mở cho học sinh xem đồng thời gửi đến phụ huynh học sinh để cùng phối hợp.
Tương tự, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận Hải Châu) cho biết, nhân viên y tế phối hợp với giáo viên chủ nhiệm các lớp cho học sinh xem các áp phích, video về cách phòng bệnh đau mắt đỏ, hướng dẫn cách vệ sinh mắt. Đồng thời nhà trường thu âm nội dung về cách phòng bệnh đau mắt đỏ, triệu chứng, cách điều trị phát vào đầu giờ, giờ ra chơi và giờ ra về nhằm đẩy mạnh tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh.
Theo ông Nguyễn Thanh Lịch, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Liên Chiểu, đối với các đơn vị trường học có nhân viên y tế thì khá thuận tiện trong công tác tuyên truyền cũng như theo dõi bệnh đau mắt đỏ. Tuy nhiên, đối với các nhóm lớp độc lập tư thục, vấn đề này sẽ khó khăn hơn. Do đó, Phòng GD&ĐT quận chỉ đạo các nhóm lớp độc lập tư thục phải thường xuyên giữ gìn vệ sinh chung của cơ sở nhóm lớp. Giáo viên, nhân viên cấp dưỡng của nhóm lớp phải nắm được triệu chứng và các nguyên nhân lây nhiễm để hạn chế việc lây lan tại nhóm lớp, đặc biệt đồ dùng, đồ chơi của trẻ hoặc đồ dùng cá nhân phải thường xuyên bảo đảm sạch sẽ, khô ráo khi cho trẻ sử dụng. Đối với những trẻ bị đỏ mắt thì các cháu ở nhà để bố mẹ theo dõi, điều trị, tránh trường hợp lây nhiễm tại nhóm lớp.
Trước tình hình bệnh đau mắt đỏ đang có chiều hướng gia tăng, Sở GD&ĐT yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học khẩn trương triển khai tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng, chống lây nhiễm bệnh đau mắt đỏ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên và phụ huynh theo tài liệu của Sở Y tế cung cấp. Đồng thời, phối hợp với đơn vị y tế dự phòng trên địa bàn tư vấn, điều trị và triển khai các biện pháp phòng tránh bệnh dịch lây lan; xử lý ổ dịch sớm, triệt để. Các đơn vị, trường học phân công bộ phận y tế học đường thường xuyên cập nhật thông tin, khuyến cáo của ngành y tế về tình hình của dịch đau mắt đỏ, hướng dẫn thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường trong trường học, đặc biệt là tại các trường tiểu học, mầm non, các nhóm trẻ gia đình nhằm phòng tránh bệnh đau mắt đỏ và các dịch bệnh khác. Bên cạnh đó, sở lưu ý các đơn vị, trường học nhắc nhở, giáo dục học sinh không có thái độ, hành vi kỳ thị đối với các bạn bị đau mắt đỏ.
NGỌC HÀ