Giáo dục
Đầu tư nguồn lực phát triển giáo dục
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tập trung mọi nguồn lực nghiên cứu, tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND thành phố thể chế hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và Chương trình hành động số 35-CTr/TU ngày 25-1-2014 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW thành cơ chế, chính sách, triển khai có hiệu quả trên địa bàn thành phố; qua đó góp phần phát triển toàn diện giáo dục theo chiều sâu.
Năm học 2023-2024, Trường Tiểu học Trần Cao Vân (quận Thanh Khê) tiếp tục nâng cao chất lượng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: NGỌC HÀ |
Nâng cao chất lượng giáo dục
Năm học 2022-2023, các yếu tố cơ bản của GD&ĐT theo hướng coi trọng sự phát triển phẩm chất, năng lực của người học được đổi mới mạnh mẽ; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong toàn ngành có nhiều chuyển biến về số lượng và chất lượng. Phương pháp dạy - học có nhiều đổi mới đã phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, phát triển năng lực của học sinh; giáo dục kỹ năng sống, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được thực hiện tốt.
Ngành giáo dục đẩy mạnh mô hình “triển khai các giải pháp đẩy mạnh giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng gắn với việc nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn thành phố, gắn với những mô hình hoạt động cụ thể. Kết quả, các trường đã đổi mới phương pháp giảng dạy, đẩy mạnh giáo dục lịch sử, cách mạng cho học sinh gắn với các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.
Hệ thống giáo dục quốc dân cũng dần được hoàn thiện theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 198 trường mầm non; 99 trường tiểu học, với 109.588 học sinh; 60 trường THCS với 70.058 học sinh; 34 trường THPT với 36.751 học sinh. Thành phố có 3 trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), với 4.432 học viên; 240 trung tâm tin học, ngoại ngữ; 56 trung tâm học tập cộng đồng; 61 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; 16 trường đại học và cơ sở đào tạo đại học, số lượng tuyển sinh hằng năm trên 100.000 sinh viên.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, 100% giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông đạt trình độ chuẩn. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của thành phố cơ bản duy trì ổn định trên 95%; 100% xã, phường, quận, huyện duy trì và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; huy động 100% trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 14 tuổi ra lớp; 100% xã, phường, quận, huyện duy trì và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục đúng độ tuổi.
Chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng học tập đại trà của học sinh các cấp khá đồng đều. Đặc biệt, chất lượng giáo dục mũi nhọn, học sinh giỏi, học sinh năng khiếu tham dự các kỳ thi, hội thi khu vực, quốc gia, quốc tế đạt được một số kết quả tích cực. Tại kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, học sinh thành phố đã đạt được 1 giải Nhất, 10 giải Nhì, 20 giải Ba, 14 giải Khuyến khích; có 1 học sinh đạt Huy chương đồng môn Tin học tại Kỳ thi Olympic châu Á - Thái Bình Dương; cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia có 1 dự án đạt giải Ba và 1 dự án đạt giải Tư.
Trường Tiểu học Phan Phu Tiên được xây dựng thêm khối nhà mới nên năm học 2023-2024, 100% học sinh nhà trường được học 2 buổi/ngày. Ảnh: NGỌC HÀ |
Nâng cấp, sửa chữa trường lớp
Theo quyết định điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của UBND thành phố, nhiều công trình trường học trên địa bàn thành phố được đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Tại quận Hải Châu, năm 2023, một số trường học được sửa chữa như: lát nền gạch, ốp tường, sơn mới, thay hệ thống cửa, hệ thống điện điều hòa Trường Tiểu học Võ Thị Sáu; cải tạo khối lớp học, nhà vệ sinh, bãi đỗ xe Trường THCS Sào Nam; vịnh đỗ xe Trường THCS Tây Sơn; cải tạo mái, thay gạch nền Trường Tiểu học Bạch Đằng… Các dự án chuyển tiếp sau năm 2023 gồm 10 công trình dành cho giáo dục.
Trên địa bàn quận Liên Chiểu có 11 công trình trường học được nâng cấp, sửa chữa, bao gồm: Trường THCS Nguyễn Chơn, Trường Tiểu học Trần Bình Trọng, Trường Mầm non Sơn Ca, cơ sở chính Trường Mầm non 1-6, Trường THCS Đàm Quang Trung, Trường THCS Nguyễn Thái Bình, Trường Tiểu học Trưng Nữ Vương, Trường Mầm non Tuổi Thơ, Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên, Trường Mầm non Tuổi Ngọc, Trường THCS Ngô Thì Nhậm. Ngoài ra, một số công trình trường học trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn cũng được đầu tư như: cải tạo, sửa chữa Trường THCS Lê Lợi, sửa chữa, cải tạo Trường Tiểu học Lê Lai, Tiểu học Mai Đăng Chơn, Tiểu học Tô Hiến Thành, Tiểu học Lê Văn Hiến, THCS Huỳnh Bá Chánh, THCS Trần Đại Nghĩa…
Theo Sở GD&ĐT, triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 dành cho ngành giáo dục, đến tháng 7-2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp nhận, thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư 119 công trình với tổng mức đầu tư 3.302 tỷ đồng. Đến nay, đã có 33 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng; 22 công trình đang triển khai xây dựng; 49 công trình đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư như phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu. Ngoài ra, có 15 công trình đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định chủ trương đầu tư trình thành phố phê duyệt.
“Kết quả này, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án, đáp ứng các yêu cầu của ngành về cơ sở vật chất phục vụ các chương trình phổ cập mầm non 5 tuổi, phòng học ngày 2 buổi bậc tiểu học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục... Mạng lưới trường lớp cơ bản được quy hoạch vừa phù hợp với hệ thống giáo dục quốc dân, vừa đáp ứng với quy mô, yêu cầu phát triển đô thị và nhu cầu học tập của mọi người dân, mọi lứa tuổi trên địa bàn. Cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị trường học được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, tạo nên một hệ thống trường lớp khang trang, sạch đẹp”, bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết.
NGỌC HÀ