Giáo dục

Đổi mới phương pháp dạy học từ môn học giáo dục địa phương

18:04, 15/09/2023 (GMT+7)

ĐNO - Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, nội dung giáo dục địa phương trở thành một trong những môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc. Với cấp THCS và THPT, nội dung giáo dục địa phương có vị trí tương đương các môn học khác. Tuy nhiên, làm sao để mang tính hiệu quả trong dạy và học của môn học “mới” này đang là vấn đề khiến các nhà quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh trên địa bàn thành phố quan tâm.

Đoàn Trường THCS - THPT Thiện Nhân
Học sinh Trường THCS - THPT Hiển Nhân trong chuyến đi ngoại khóa học tập chuyên đề “Tín ngưỡng, tôn giáo” tại Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn thuộc môn học giáo dục địa phương.

Giáo dục địa phương giúp học sinh hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học, góp phần xây dựng quê hương. 

Chúng tôi theo chân thầy và trò trường THCS - THPT Hiển Nhân trong một buổi học về chuyên đề “Tín ngưỡng, tôn giáo” tại Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn. Rất vui vì đây là một môn học mới được triển khai bắt buộc theo chương trình GDPT 2018 và được quan tâm rất lớn của tập thể lãnh đạo nhà trường. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng nhiệt tình tham gia buổi học.

Được biết, chương trình Giáo dục địa phương được xây dựng 5 chủ đề. Cả ôn tập và kiểm tra đánh giá là 35 tiết/ năm. Riêng với chuyên đề “Tín ngưỡng, tôn giáo” được phân thành 6 tiết học. Giáo viên thực hiện 2 tiết học tập tại trường nhằm cung cấp cho học sinh tìm hiểu các vấn đề liên quan đến nội dung bài học theo tài liệu hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo. Thời lượng còn lại 4 tiết học và 1 tiết kiểm tra đánh giá chuyên đề được tổ chức bằng hình thức tham quan học tập tại danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Tham dự buổi học cùng với các em học sinh mà chúng tôi ngỡ rằng bản thân đang tham gia một “tour” du lịch về nguồn mà Giáo viên phụ trách chuyên đề là một hướng dẫn viên. Từ tín ngưỡng địa phương về phong tục thờ cúng, từ sự hình thành và phát triển của các tôn giáo tại địa phương được giới thiệu trực quan, sinh động. Các em học sinh tìm hiểu rất hứng thú.

Học sinh
Học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Sau buổi tham quan học tập, học sinh còn được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm như xé giấy dán tranh, tranh lá khô … mà đề bài là “Bức tranh về những ấn tượng từ buổi học” - một đề bài mở khuyến khích sự sáng tạo của học sinh, sau đó học sinh thuyết trình về sản phẩm.

Qua buổi học tập, trải nghiệm học sinh tự do thể hiện sự cảm nhận của mình bằng việc sáng tạo, không bó hẹp quy định với những bài kiểm tra thông thường. Từ đó, tạo ra sự say mê trong cách tiếp nhận môn học và môn học sẽ trở nên hấp dẫn hơn.

Thiết nghĩ, dù là môn học nào thì đổi mới trong cách dạy học cũng rất cần thiết. Giáo dục địa phương bằng việc trải nghiệm trên chính những “địa chỉ” có từ trong bài học là điều nên làm, là hiệu quả nhất.

QUỐC TOÀN -  THU DUYÊN

.