Giáo dục
Học không bao giờ cùng
“Tôi thực sự vượt lên chính mình bằng con đường tự học. Tôi đã vượt qua được hạn chế kiến thức để khơi thông một tầm nhìn và vẽ lên một bức tranh nhiều sắc màu trong cuộc sống”, ông Đặng Hòa (sinh năm 1956, hội viên Hội Khuyến học phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) mở đầu câu chuyện về con đường tự học trong suốt mấy chục năm qua.
Ông Đặng Hòa có tinh thần ham học hỏi dù tuổi đã cao. Ảnh: NGỌC HÀ |
Sinh ra trong một gia đình làm nông bình thường, nhà đông con nhưng ông Đặng Hòa khá ham học và theo con đường học vấn đến lớp 12. Năm 1983, sau khi phục viên từ quân đội trở về, ông trải qua nhiều công việc nhưng cuộc sống vẫn khó khăn và ông nghĩ không có con đường nào khác ngoài học vấn để có thể vươn lên.
“Xác định là vậy nhưng thú thật cuộc sống gia đình lúc đó khó khăn nên con đường học vấn tưởng chừng như không thực hiện được. Nhưng ý chí đã thôi thúc tôi phải quyết vượt qua tất cả để đạt bằng được mục tiêu mà mình đã chọn: tự học để vượt lên chính mình”, ông Hòa tâm sự. Từ đó, gặp điều gì hay, điều gì tốt đẹp ông cũng học, gặp ai ông cũng học. Học từ báo chí, truyền hình, sách vở, bạn bè và mọi người trong xã hội.
Song để việc học tập bài bản hơn, năm 1990, ông đăng ký vào học tại Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng (hệ mở rộng). Sau 4 năm chuyên cần cố gắng, ông có được một số kiến thức cơ bản về kinh tế học, xã hội học nhưng cũng không thể vượt qua được các môn Toán cao cấp như: đạo hàm, vi phân, tích phân, ma trận... Với những gì đã học được, ông mạnh dạn thành lập tổ hợp đóng sửa tàu thuyền cho ngư dân, rồi đóng tàu đánh cá đi biển vào năm 2000. Trong quá trình làm việc, ông nhận ra công tác quản lý không hề đơn giản nếu không có kiến thức và gặp một số thất bại.
Không bỏ cuộc, năm 2011, để có kiến thức về luật trong hoạt động kinh doanh, ông lại học tiếp 4 năm Luật kinh tế tại Trường Đại học mở Hà Nội; rồi học thêm các khóa ngắn hạn, cuộc hội thảo, những đề tài phát triển kinh tế-xã hội... Với những kiến thức có được, ông vận dụng vào việc quản lý xưởng sản xuất bao bì, palet gỗ; đặc biệt, kinh doanh du lịch đường thủy.
Bản thân ông vừa là chủ, vừa là thuyền trưởng đưa khách tham quan dọc tuyến sông Hàn. Trong quá trình ấy, để có thêm tư liệu lịch sử, thuyết minh cho du khách, ông lại lao vào đọc sách lịch sử, địa lý, nghiên cứu địa danh, di tích lịch sử - văn hóa liên quan đến các điểm đến. Bằng kinh nghiệm và kiến thức học hỏi, ông đã viết quyển sách “Du lịch sông nước Đà Nẵng 2005”.
Cuốn sách được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét duyệt và cho xuất bản để phục vụ hướng dẫn viên du lịch tham khảo, thuyết minh cho du khách. Không chỉ tìm hiểu về kiến thức kinh tế, ông còn nghiên cứu thơ ca, nhạc, họa. Đến nay, ông sáng tác được hơn 120 bài thơ kể cả trường ca, tản văn và gần 10 bài thơ đã được phổ nhạc.
Tinh thần ham học của ông đã trở thành tấm gương cho các con. Hiện nay, bốn người con của ông đã hoàn thành tốt nghiệp đại học, có nghề nghiệp ổn định, trong đó có một người là tiến sĩ khoa học tại Đại học quốc gia Cao Hùng, Đài Loan (Trung Quốc) và đang nghiên cứu sau tiến sĩ. Ngoài ra, ông còn thành lập Hội Khuyến học tộc Đặng tại Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn). Ông Hòa tự hào các thế hệ con cháu đều là người có tri thức, có học vị tiến sĩ, thạc sĩ…
Hiện nay, ông Hòa tham gia ban chấp hành ở nhiều hội như: Hội Nông dân phường An Hải Đông, Hội Doanh nhân cựu chiến binh thành phố, Hiệp hội Du lịch thành phố, Hiệp hội Tàu du lịch thành phố… Ông Hòa được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng danh hiệu Học không bao giờ cùng năm 2023; hai lần được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu Hội viên nông dân Việt Nam sản xuất kinh doanh giỏi của thành phố Đà Nẵng.
“Với xuất thân là người nông dân nhưng nhờ kiến thức có được từ việc học, tôi không chỉ lo cho gia đình có một cuộc sống ổn định mà còn trở thành người có ích cho xã hội. Có một mục đích học còn khó hơn nữa, đó là học để làm người. Tôi sẽ tiếp tục học như lời Bác Hồ kính yêu đã căn dặn học không bao giờ cùng”, ông Hòa chia sẻ.
NGỌC HÀ