Đà Nẵng cuối tuần

Sinh viên nghiên cứu nông nghiệp bền vững

08:53, 24/09/2023 (GMT+7)

Sau hơn 8 tháng triển khai, vòng chung kết cuộc thi “Startup Runway 2023” đã tìm ra 5/80 dự án trên cả nước mang tính ứng dụng, đột phá về ý tưởng để hỗ trợ, đồng hành và nuôi dưỡng ước mơ khởi nghiệp trong sinh viên. Cuộc thi do Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng tổ chức với chủ đề “Nông nghiệp bền vững từ truyền thống cho đến cách tân”, giúp sinh viên khám phá tiềm năng khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp với các dự án ý nghĩa, lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo.

Nhóm Quantech đoạt giải Nhất cuộc thi “Starup Runway 2023” với dự án tăng năng suất cây trồng bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo và trực quan hóa dữ liệu. Ảnh: H.V
Nhóm Quantech đoạt giải Nhất cuộc thi “Starup Runway 2023” với dự án tăng năng suất cây trồng bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo và trực quan hóa dữ liệu. Ảnh: H.V

Với dự án tăng năng suất cây trồng bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo và trực quan hóa dữ liệu, nhóm Quantech, Trường Đại học Bách khoa và Đại học Kinh tế xuất sắc đoạt giải Nhất cuộc thi. Trình bày dự án, trưởng nhóm Nguyễn Văn Thành (sinh viên năm 4, ngành Cơ điện tử), Trường Đại học Bách khoa cho hay, các thành viên trong nhóm đều đến từ nông thôn nên hiểu rõ khó khăn khi giải quyết vấn đề về cây trồng. Do đó, nhóm đã nghiên cứu tạo ra công cụ hỗ trợ người dân nâng cao năng suất, tăng thu nhập. Sau thời gian tìm hiểu, nhóm phát triển ý tưởng và tập trung vào tính năng nhật ký cây trồng bởi đây là tính năng khác biệt nhất so với các ứng dụng khác trên thị trường.

“Ứng dụng có tên Plants Grow, tích hợp nhiều công nghệ hiện đại như: ghi lại nhật ký cây trồng, nhận diện sâu bệnh, tư vấn từ các nhà thông thái và cho phép người nông dân chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, giao tiếp với nhau. Quá trình đó được theo dõi, phân tích, đánh giá và lập kế hoạch trồng trọt phù hợp. Người nông dân chỉ cần cung cấp thông tin loại cây trồng, thời gian trồng, ứng dụng sẽ cung cấp giai đoạn sinh trưởng, lượng nước, phân bón, loại sâu bệnh. Theo đó, cách gieo trồng, chăm sóc, biện pháp tăng năng suất được các chuyên gia nông nghiệp và thuật toán trí tuệ nhân tạo tính toán chuẩn xác nhất”, Thành mô tả.

Theo thành viên nhóm Trần Hoàng Nhã Quỳnh (sinh viên năm 2, ngành Marketing), Trường Đại học Kinh tế, mục tiêu ngắn hạn của ứng dụng là tạo ra sản phẩm công nghệ dựa trên sự tiện lợi, chi phí thấp, dễ dàng thao tác. Đối tượng thụ hưởng dự án là các hộ dân có diện tích trồng trọt nhỏ hơn 0,5 hecta tại miền Trung - Tây Nguyên. Khách hàng ban đầu hướng đến là những hợp tác xã nông nghiệp.

“Hiện nhóm đang thử nghiệm bản dùng thử cho cây lúa. Nhóm vui mừng khi đoạt giải Nhất cuộc thi, đó là động lực để tương lai nhóm tập trung phát triển nhằm giúp người nông dân cải thiện điều kiện sản xuất nông nghiệp”, Quỳnh nói.

Tương tự, “Nông phúc” là mô hình cung cấp dịch vụ cho thuê đất tích hợp trồng rau, nuôi cá, tối ưu hóa tài nguyên của nhóm Dlato,  Trường Đại học Thương mại (Hà Nội). Dự án đoạt giải Ba cuộc thi, được ban giám khảo đánh giá cao về ý tưởng. Sinh viên Bùi Đức Long (ngành Khởi nghiệp Kinh doanh) cho biết trong quá trình nghiên cứu thị trường, nhóm nhận thấy có 4 vấn đề được người dân quan tâm, như: an toàn thực phẩm; xu hướng sử dụng thực phẩm sạch ngày càng tăng; việc sử dụng đất nông nghiệp còn nhiều hạn chế; ô nhiễm môi trường. Vì thế, nhóm nghiên cứu dự án “Nông phúc”, cung cấp dịch vụ cho thuế đất tích hợp trồng rau thông minh, nuôi cá tối ưu hóa tài nguyên giúp khách hàng muốn ăn rau sạch nhưng không có không gian, thời gian chăm sóc có thể tự trồng rau, tự thu hoạch từ khu vườn 4.0. Mô hình giúp khách hàng quản lý linh hoạt, cam kết năng suất tối thiểu, hợp tác cùng phát triển với chính quyền, người dân thông qua ứng dụng “Nông phúc” trên nền tảng IOT tự động hóa.

“Hiện tại, dự án vẫn đang dừng lại ở ý tưởng và ấp ủ thực hiện trong tương lai. Nhóm mong muốn dự án sẽ trở thành thương hiệu hàng đầu cung cấp giải pháp nông nghiệp xanh, hiện đại, bền vững, nâng cao sức khỏe cho người tiêu dùng và nâng tầm nông sản Việt, góp phần kiến tạo một nền nông nghiệp bền vững, một nền kinh tế tuần hoàn”, Long hy vọng. 

PGS.TS. Võ Thị Thúy Anh, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Kinh tế, Trưởng ban tổ chức cuộc thi nhận định, cuộc thi đã lan tỏa ý tưởng kinh doanh, vượt ra giới hạn bản thân của các bạn trẻ trên cả nước. Qua đó, khuyến khích, hỗ trợ và đồng hành, giúp sinh viên phát triển dự án khởi nghiệp nông nghiệp.

HUỲNH VŨ

.