Để giúp học sinh xóa bỏ tâm lý sợ học môn Toán, gần 20 năm qua, thầy Phan Thanh Thuận, giáo viên bộ môn Toán của Trường THPT Tôn Thất Tùng (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) sáng chế nhiều học cụ phục vụ giảng dạy môn Toán. Ý tưởng của thầy Thuận giúp nhiều học sinh học tốt và yêu mến môn học này.
Thầy Phan Thanh Thuận hướng dẫn học sinh quan sát mô hình Bia chủ quyền Hoàng Sa khi dạy môn Toán. Ảnh: T.PHƯƠNG |
Tại góc nhỏ trong phòng khách nhà thầy Thuận có nhiều vật trang trí lạ như: bản tam giác Pascal bằng gỗ, mô hình vòng tròn lượng giác, mô hình bia chủ quyền Hoàng Sa… Đây là số ít trong hàng trăm dụng cụ dạy học bộ môn Toán mà thầy Thuận cùng người vợ của mình cũng là đồng nghiệp đã mày mò tự làm bằng những vật liệu tái chế trong gần 20 năm qua. Các mô hình này mô phỏng cách tính những công thức, định lý hình học không gian trừu tượng giúp học sinh dễ dàng hình dung và nhớ kiến thức lâu hơn.
Bắt đầu dạy tại Trường THPT Tôn Thất Tùng từ năm 2005, đến nay thầy Thuận hiểu rõ đặc điểm của các học sinh, đa phần các em có hoàn cảnh khó khăn, mặt bằng kiến thức không đồng đều. “Với tinh thần vì học trò, các em phải được học tập trong môi trường thân thiện, gần gũi và đặc biệt là gắn liền với thực tế. Vì thế, tôi luôn cố gắng sáng tạo những dụng cụ dạy học bám sát lý thuyết trong sách giáo khoa để học sinh khi học là hiểu bài ngay tại lớp, kể cả những học sinh có lực học trung bình cũng nắm chắc được bài ngay”, thầy Thuận tâm sự.
Thầy Thuận quan niệm, người thầy không đơn giản chỉ cung cấp kiến thức, con số mà quan trọng hơn là khơi dậy đam mê, kích thích trí thông minh, sáng tạo của người học. “Điển hình như mô hình bia chủ quyền Hoàng Sa chính là ứng dụng cho lý thuyết hình học không gian - hình chóp cụt. Nhìn vào đó học sinh sẽ hình dung như thế nào là hình chóp cụt. Tuy nhiên, để giờ học sôi nổi hơn, tôi đã xây dựng bên trong mô hình là 1 câu đố. Các em phải ứng dụng kiến thức phép hoán vị của đại số phía dưới đáy mô hình để lấy được câu đố và giải. Tôi lồng ghép phương thức “học mà chơi, chơi mà học” trong mỗi tiết Toán. Nhờ vậy, học sinh đã yêu môn Toán, chất lượng học tập tiến bộ rõ rệt”, thầy Thuận chia sẻ. Cũng thông qua mô hình này, thầy Thuận truyền đạt cho học sinh về kiến thức lịch sử rằng Hoàng Sa là huyện đảo của Đà Nẵng, nhằm bồi đắp niềm tự hào và tình yêu quê hương, đất nước trong học sinh.
Dù say mê với việc chế tạo những học cụ truyền thống như vậy nhưng thầy Thuận vẫn nhanh chóng tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Thầy xây dựng nhiều video bài giảng trực quan, sinh động để hướng dẫn học sinh tại lớp. Đồng thời, tải các video ấy lên kênh youtube cá nhân của mình để học sinh tham khảo mỗi khi cần. Thầy còn nghĩ ra cách lồng ghép những bài học cuộc sống vào… bài toán, như thực hiện video về cầu quay sông Hàn để mô phỏng về lý thuyết sự liên tục và gián đoạn của hàm số. Hay dùng hình ảnh, bài hát về chiếc nón lá xứ Huế để dạy các em về hình không gian - hình nón…
Bên cạnh công tác chuyên môn, thầy Thuận thường xuyên tìm hiểu hoàn cảnh, năng lực của học sinh trong mỗi lớp mà thầy được phân công giảng dạy. Phan Gia Huy (lớp 10/2, Trường THPT Tôn Thất Tùng) chia sẻ: “Khi chúng em vừa bước vào môi trường THPT có nhiều bỡ ngỡ, lo lắng. Nhưng khi học đến tiết Toán của thầy Thuận, môn Toán đã không còn khô khan, khó hiểu mà trở nên dễ dàng hơn nhờ những món đồ dùng dạy học của thầy. Bên cạnh đó, thầy còn chia sẻ về phương pháp học, luôn quan tâm, động viên và khuyến khích học sinh rất nhiều”.
Nói về phương pháp dạy học của thầy Phan Thanh Thuận, Phó hiệu trưởng Trường THPT Tôn Thất Tùng Phạm Thị Ngọc Thảo cho hay: “Trong suốt quá trình dạy học, thầy luôn là người đi đầu trong đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển, phẩm chất, năng lực và đổi mới kiểm tra đánh giá; thường xuyên theo dõi học sinh, có khó khăn gì là thầy tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ ngay. Thầy luôn dành hết tâm huyết cho nghề nghiệp, được đồng nghiệp mến phục, học sinh tin yêu”.
Cô Thảo thông tin, thầy Thuận còn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động do trường phát động, tham gia vào các hội thi các cấp. Qua đó, đạt rất nhiều danh hiệu như chiến sĩ thi đua, giáo viên giỏi; các giải thưởng về thiết kế bài giảng, làm đồ dùng dạy học. Đặc biệt, thầy Thuận đã vinh dự nhận Giải thưởng Võ Trường Toản vào năm 2016, một giải thưởng cao quý nhằm tôn vinh những nhà giáo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.
THANH PHƯƠNG