Giáo dục
Tự chủ đại học không đồng nghĩa các trường 'tự lo'
Chủ trương tự chủ đại học đã phát huy hiệu quả và đang được nhân rộng. Ở Đại học Đà Nẵng, đến thời điểm hiện nay, Trường Đại học (ĐH) Kinh tế, trường duy nhất thực hiện tự chủ hoàn toàn. Phóng viên Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với PGS.TS Võ Thị Thúy Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, xung quanh nội dung này.
PGS.TS Võ Thị Thúy Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) |
* Hành trình tự chủ đại học của Trường ĐH Kinh tế trong thời gian qua đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực: cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, thu hút và giữ chân giảng viên giỏi, đặc biệt là chất lượng đào tạo được nâng cao. Bà có thể chia sẻ thêm vấn đề này?
- Trường ĐH Kinh tế là trường thành viên trực thuộc một đại học vùng được Chính phủ phê duyệt Đề án tự chủ đại học năm 2017. Kể từ đó, nhà trường đã có những bước đổi mới theo xu hướng quốc tế hóa. Hoạt động của nhà trường đã đạt được những thành tích đáng khích lệ.
Chương trình đào tạo (CTĐT) bảo đảm tương thích với chương trình đào tạo tiên tiến của các nước phát triển trên thế giới, đồng thời phù hợp thực tiễn của thị trường lao động. 12 CTĐT đã được các trường ĐH trên thế giới, các tổ chức nghề nghiệp quốc tế công nhận. Bên cạnh đó, nhà trường phát triển mới các CTĐT phù hợp với thực tiễn và nhu cầu mới của thị trường lao động trước bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0 như: ngành công nghệ tài chính (FinTech), Thương mại điện tử, Kinh doanh số, Marketing số, Khoa học dữ liệu và phân tích kinh doanh… Chất lượng đào tạo không ngừng được nâng cao theo các chuẩn mực quốc tế, gần 50% trong tổng số CTĐT của trường đã được kiểm định theo tiêu chuẩn kiểm định quốc tế của mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA).
Cơ sở vật chất (CSVC) không ngừng được đầu tư mới theo hướng hiện đại chuẩn quốc tế. 100% các phòng học đều được trang bị phương tiện giảng dạy hiện đại, phục vụ cả giảng dạy trực tiếp và trực tuyến. Nhà trường còn đầu tư các khu mô phỏng thực hành để sinh viên có thêm cơ hội trải nghiệm thực tế. Ngoài ra, nhà trường cũng chú trọng cải tạo và xây dựng thêm cơ sở vật chất như hội trường, thư viện, tòa nhà đa năng,… đặc biệt là việc đưa vào hoạt động khu ký túc xá hiện đại dành cho sinh viên quốc tế.
Xác định con người là yếu tố cốt lõi của giáo dục, nhà trường có các chính sách ủng hộ và khuyến khích các giảng viên trau dồi và nâng cao năng lực chuyên môn. 100% giảng viên có trình độ từ Thạc sĩ trở lên và 85% giảng viên nhận bằng sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) từ các nước phát triển như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Úc, Nhật Bản... Để thu hút và giữ chân cán bộ giảng viên, từ sau khi tự chủ đại học, nhà trường đã ban hành nhiều chính sách đãi ngộ với sự cân đối giữa giờ giảng và giờ nghiên cứu khoa học, duy trì chính sách trả giờ giảng, phụ cấp tăng qua các năm. Ngoài ra, các chính sách thưởng cho công bố quốc tế tiếp tục được vận dụng khoa học như là một trong những đòn bẩy để kích thích nghiên cứu, sáng tạo trong giảng viên.
Sinh viên Trường Đại học Kinh tế trong một buổi học tập, thảo luận nhóm. Ảnh: NGỌC HÀ |
* Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tiến trình thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam nói chung và Trường ĐH Kinh tế nói riêng thời gian qua gặp không ít thách thức. Những khó khăn của nhà trường trong quá trình tự chủ là gì?
- Khó khăn mà nhà trường đối mặt cũng là khó khăn chung của rất nhiều trường hiện đang tiến hành tự chủ đại học. Trong đó phải kể đến việc khung pháp lý liên quan đến tự chủ đại học hiện nay chưa hoàn chỉnh. Hiện nay, nhà trường vừa chịu sự chi phối của những văn bản pháp lý liên quan đến đại học tự chủ, nhưng đồng thời cũng chịu sự chi phối của những văn bản pháp lý liên quan đến đại học không tự chủ. Các quy định tự chủ dành cho mô hình các trường thành viên của đại học quốc gia, đại học vùng cũng chưa hoàn thiện. Sự chồng chéo này phần nào gây ra những khó khăn nhất định cho nhà trường trong quá trình hoạt động.
Từ khi chuyển sang hoạt động tự chủ, nhà trường không được cấp ngân sách Nhà nước và việc điều chỉnh khung học phí chỉ được thực hiện cho những khóa tuyển sinh từ năm 2017 về sau. Điều này đặt ra bài toán về tài chính là phải cân đối thu chi trong giai đoạn đầu sau tự chủ, bảo đảm tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo cho những khóa tuyển sinh trước năm 2017 với mức chi cho giảng viên và sinh viên bằng với các khóa tuyển sinh sau tự chủ.
Với sự đầu tư mạnh về cơ sở vật chất, CTĐT và chất lượng nguồn nhân lực, những năm đầu sau tự chủ nhà trường buộc phải điều chỉnh học phí theo khung quy định của Chính phủ. Nhà trường tiếp tục nỗ lực để chứng minh cho xã hội thấy việc điều chỉnh học phí tương xứng với chất lượng đào tạo mà nhà trường cung cấp. Điểm chuẩn đầu vào của nhà trường rất cao (tương đương với các trường kinh tế & kinh doanh top đầu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh); 98% sinh viên ra trường có việc làm ngay trong năm đầu tiên.
* Để tháo gỡ khó khăn cho tự chủ đại học, theo bà, cần có những giải pháp nào?
- Đứng ở góc độ vĩ mô, theo tôi, Nhà nước cần kiên trì chuyển đổi mô hình giáo dục đại học sang cơ chế tự chủ và tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho các trường tự chủ, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Ngoài ra, quan điểm tự chủ đại học không đồng nghĩa với các trường tự lo. Các trường tự chủ vẫn cần Nhà nước đầu tư nền tảng cơ sở hạ tầng, đặc biệt đối với các ngành có xu thế điều chỉnh nhanh chóng, chẳng hạn như công nghệ thông tin, công nghệ tài chính, khoa học dữ liệu...
Đừng để tâm lý ngại tự chủ PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, ngoài Trường ĐH Kinh tế tự chủ hoàn toàn, đến thời điểm này, ĐH Đà Nẵng mới chỉ có thêm Trường ĐH Bách khoa và Viện Nghiên cứu & Đào tạo Việt - Anh thực hiện tự chủ chi thường xuyên. Những trường đại học thực hiện tự chủ trên nhiều lĩnh vực nhưng có những quy định phải thực hiện như các trường chưa tự chủ. Chẳng hạn như chính sách học phí chưa theo kịp, các trường tự chủ không được tăng học phí. Chính sách thuế của các trường tự chủ chưa rõ ràng. Những vướng mắc này rất dễ dẫn đến tâm lý ngại tự chủ ở các trường chưa triển khai thực hiện. |
NGỌC HÀ