Giáo dục
Xã hội hóa chi phí vận hành, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điều hòa tại phòng học: Cần sự đồng lòng của phụ huynh
Ngành giáo dục thành phố và các địa phương đang chỉ đạo các trường học lấy ý kiến phụ huynh về chủ trương xã hội hóa kinh phí đóng góp để chi trả tiền điện, vận hành, bảo trì trong quá trình thực hiện Đề án đầu tư bổ sung gần 5.000 máy điều hòa ở các lớp học. Chủ trương này nhằm tạo điều kiện tốt để học sinh học tập, sinh hoạt, đồng thời kêu gọi phụ huynh chia sẻ gánh nặng tài chính đối với ngân sách thành phố.
Học sinh Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (quận Hải Châu) tham gia các tiết học. Ảnh: L.H |
Mang đến một môi trường giáo dục tốt nhất
Theo chị Bùi Thị Kim Thoa (trú quận Hải Châu), thành phố đã có chủ trương không thu học phí, giờ lại đầu tư lắp đặt thêm máy điều hòa trong phòng học khiến phụ huynh rất vui mừng. Việc đóng góp của phụ huynh để vận hành, bảo trì, bảo dưỡng máy điều hòa tại phòng học là cần thiết, chia sẻ gánh nặng với ngân sách thành phố. Tuy nhiên, theo chị Thoa, các trường phải dự trù, dự toán và có phép tính toán rõ ràng đối với các khoản chi phí; đồng thời công khai, lấy ý kiến rộng rãi đến phụ huynh... “Tôi mong muốn, ở trường lớp nào trên địa bàn thành phố cũng được trang bị phương tiện, cơ sở vật chất hoàn thiện, để các em học sinh có được môi trường học tập, sinh hoạt, nghỉ ngơi tốt nhất. Để làm được điều này, rất cần sự đồng lòng của các bậc phụ huynh”, chi Thoa nói.
Đồng quan điểm, chị Phan Hoàng Anh Tú (có con đang học lớp 4 tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Thanh Khê) cho biết, gia đình rất vui khi biết thông tin thành phố hỗ trợ lắp đặt điều hòa tại các phòng học. Chủ trương này sẽ giúp con chị và những em học sinh khác tránh được cảnh nóng nực, oi bức khi đến mùa nắng nóng. Phụ huynh sẽ chung tay cùng với nhà trường đóng góp các khoản chi phí để vận hành, bảo dưỡng hệ thống máy điều hòa. Tuy nhiên, các khoản chi phí sẽ đóng góp như thế nào cần phải được thành phố quy định cụ thể, rõ ràng.
Chị Trần Thị Xuân (có con đang học tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Sơn Trà) cho rằng, chủ trương của thành phố rất hợp lòng dân. “Nếu nhà trường kêu gọi ủng hộ, đóng góp tiền vận hành, bảo trì, bảo dưỡng trong quá trình sử dụng máy điều hòa tại lớp học, tôi sẵn sàng hưởng ứng. Số tiền chi ra mỗi năm không đáng là bao, nhưng con mình có được môi trường mát mẻ để ngủ, nghỉ và học tập”, chị Xuân khẳng định.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi (quận Liên Chiểu) Lê Thị Vui cho biết, năm 2022, được sự hỗ trợ từ Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Liên Chiểu, nhà trường lắp đặt toàn bộ máy điều hòa tại 11 lớp học, mỗi lớp từ 1-2 máy. Giáo viên, phụ huynh rất phấn khởi, đồng thời bảo đảm sức khỏe cho gần 350 trẻ em đang học tại trường. Nguồn kinh phí vận hành, tiền điện do nhà trường chi trả từ nguồn thu dịch vụ bán trú.
Chia sẻ chứ không cào bằng
Cô Nguyễn Huỳnh Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (quận Hải Châu) cho biết, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo quận và sự đồng lòng, ủng hộ của phụ huynh học sinh, từ tháng 12-2020, Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu lắp đặt toàn bộ hệ thống điều hòa trong phòng học... Theo cô Vân, để bảo đảm cho hệ thống điều hòa vận hành, cần phải có chi phí tiền điện, bảo trì, bảo dưỡng. Đó là chưa kể, máy móc tại trường học thường bị chuột, côn trùng cắn phá hư hỏng nên cũng tốn kém chi phí sửa chữa. Vì vậy, các khoản này rất cần sự chung tay của phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, việc xã hội hóa không nên cào bằng và cần có chế độ miễn giảm đối với học sinh khuyết tật, hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn và mồ côi...
Theo Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu Nguyễn Đức Tú Anh, đây là chủ trương rất hợp lý nên cần được thực hiện sớm. Phòng GD&ĐT đã yêu cầu các trường trên địa bàn lấy ý kiến phụ huynh về việc xã hội hóa chi phí vận hành, bảo trì và tiền điện trong quá trình sử dụng máy điều hòa. Đồng thời đề nghị các trường Tiểu họcực hiện đúng các bước, dứt khoát không vận động sai, cào bằng. Theo ông Tú Anh, trung bình mỗi năm học sử dụng điều hòa khoảng 6 tháng. Còn tại các trường có số lượng học sinh đông, mỗi phụ huynh có thể hỗ trợ, đóng góp khoảng 100.000 đồng/năm học cho chi phí tiền điện, bảo trì, bảo dưỡng. Tuy nhiên, chủ trương là không cào bằng và trên tinh thần chia sẻ giữa các phụ huynh...
Vừa qua, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Thanh Khê) lấy ý kiến của phụ huynh đối với chi phí sử dụng điều hòa ở các phòng học. Tuy nhiên, một số phụ huynh có ý kiến trái chiều. Thầy Nguyễn Hữu Phước, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, vì các chỉ đạo của cấp trên không ghi cụ thể từng mục kinh phí, nên nhà trường đưa ra các dự kiến về mức kinh phí vận động xã hội hóa, giúp phụ huynh hiểu rõ hơn.
Trong đó, chi phí mà phụ huynh bỏ ra trong 1 năm học, gồm: tiền điện trong 9 tháng (khoảng 8,6 triệu đồng/lớp); phí bảo trì, vệ sinh 2 máy (600.000 đồng); phí vận hành ban đầu cho 2 máy là 5 triệu đồng (chỉ thu năm đầu tiên khi bắt đầu sử dụng thiết bị). Dự kiến tổng chi phí tối đa là hơn 14 triệu đồng. Với bình quân mỗi lớp 35 học sinh thì dự kiến mỗi tháng, 1 em đóng khoảng hơn 45.000 đồng. Đây là dự kiến mức tối đa, để khi đề án đi vào thực tế thì phụ huynh không ngỡ ngàng. Đến nay, việc khảo sát đã hoàn thành, nhà trường ghi nhận tất cả ý kiến của phụ huynh, trong đó, 79,57% phụ huynh đồng ý, 20,7% không đồng ý, còn lại là ý kiến khác.
Trên cơ sở đề nghị của Sở GD&ĐT, Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Tài chính xử lý kiến nghị về việc bổ sung máy điều hòa tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Sở GD&ĐT tổng hợp số lượng hơn 5.000 máy điều hòa, dự kiến kinh phí hơn 98 tỷ đồng. Nguồn kinh phí đề xuất từ ngân sách thành phố. Mỗi phòng học dự kiến lắp 2 máy điều hòa. Sở Kế hoạch và Đầu tư có công văn gửi Sở GD&ĐT, trong đó nêu ý kiến việc đề xuất đầu tư bổ sung máy điều hòa sẽ dẫn đến phát sinh chi phí vận hành, tiền điện và bảo trì... |
LÊ HÙNG - NGỌC QUỐC