Giáo dục
Quản lý chặt chẽ bếp ăn bán trú ở trường tiểu học
Để bảo đảm sức khỏe cho học sinh, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), ngành giáo dục và các trường học đã dành sự quan tâm đặc biệt đến việc tổ chức bếp ăn bán trú trên địa bàn.
Nâng cao chất lượng tổ chức bếp ăn
Tháng 9 vừa qua, Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (quận Sơn Trà) được chọn xây dựng bếp ăn mẫu bán trú thuộc dự án Bữa ăn học đường do Công ty Ajinomoto Việt Nam phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Viện dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) triển khai. Cô Trần Thị Kim Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Gia Tự cho biết, bếp được xây dựng chuẩn Nhật Bản, tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc về ATVSTP và nâng cao hiệu suất hoạt động của bếp ăn. Thiết kế bếp phân chia theo từng khu vực riêng biệt như khu tiếp nhận nguyên liệu, sơ chế, chế biến, vệ sinh... với quy định trang phục khác nhau ở từng khu vực và dụng cụ làm việc được đánh dấu theo màu sắc.
“Sau khi được bàn giao, nhà trường tổ chức bếp ăn hoạt động theo quy trình bếp 1 chiều, thực đơn theo phần mềm do Công ty Ajinomoto xây dựng. Bếp ăn với đầy đủ những thiết bị hiện đại cần thiết; đội ngũ nhân viên được tập huấn kỹ, bảo đảm thực hiện đầy đủ, đúng quy trình, phát huy hiệu quả bếp ăn”, cô Bình chia sẻ.
Theo cô Nguyễn Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (quận Cẩm Lệ), để bảo đảm ATVSTP, bếp ăn nhà trường được xây dựng đúng quy trình yêu cầu về các khâu chế biến thức ăn, bảo quản. Cấp dưỡng mang bảo hộ lao động nghiêm ngặt theo quy định trong suốt thời gian phục vụ học sinh; đặc biệt khu vực bếp ăn nghiêm cấm người không phận sự không được vào. Tuy vẫn tổ chức bếp ăn bán trú theo mô hình cũ, nghĩa là nhà trường tự tổ chức nấu ăn bán trú nhưng thầy Nguyễn Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (quận Liên Chiểu) cho biết, năm học này, nhà trường đã hợp tác với nhà cung cấp mới theo họp thỏa thuận với cha mẹ học sinh nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn. Điểm mới so với trước đây là doanh nghiệp đã cử một người quản trị trực tiếp đến bếp ăn theo dõi chế biến thức ăn, ra thành phẩm. Do đó, quy trình từ nhà bếp đến nhà ăn bảo đảm so với trước đây. Công tác bán trú đi vào nền nếp, ổn định, dần dần được phụ huynh tin tưởng, hài lòng”, thầy Dũng nói.
Tăng cường giám sát, quản lý
Hiện nay, các trường tăng cường quản lý, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm và chất lượng bữa ăn bán trú. Theo cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận Hải Châu), trong hợp đồng với công ty cung cấp thực phẩm, nhà trường đề nghị nguồn thực phẩm phải sạch, tươi, ngon, không chất phụ gia, đúng bảng kê thực phẩm đã đặt hàng về số lượng và chất lượng. Nếu thực phẩm tiếp nhận không bảo đảm theo đơn và không bảo đảm chất lượng thì nhà trường trả lại và buộc công ty thay ngay số thực phẩm đó để chế biến bữa ăn kịp thời cho học sinh.
Cô Nguyễn Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (quận Cẩm Lệ) cũng cho biết, ban giám hiệu, nhân viên y tế giám sát thực hiện bếp ăn, từ nhập nguyên liệu đến kiểm định nguyên liệu (test dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, formol, ure, hàn the…); quá trình chế biến và chia khẩu phần… Đồng thời, mời ban đại diện nhà trường cùng giám sát kể cả việc ăn thử để góp ý chất lượng bữa ăn cho đội ngũ cấp dưỡng.
Theo bà Lê Thị Hoàng Chinh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê, phòng yêu cầu các trường học phải bảo đảm các điều kiện tổ chức bán trú; hết sức lưu ý việc bếp ăn các trường học có nguy cơ nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến; việc kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn 24 giờ phải theo quy định của Bộ Y tế.
“Phòng GD&ĐT thường xuyên phối hợp Phòng Y tế kiểm tra công tác an toàn thực phẩm, an toàn trường học tại các nhà trường; thường xuyên giám sát, kiểm tra đột xuất, định kỳ về chất lượng bữa ăn nhằm có biện pháp chấn chỉnh và hỗ trợ kịp thời. Tuyệt đối không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không bảo đảm các quy định về ATTP, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các cơ sở giáo dục”, bà Chinh thông tin.
NGỌC HÀ