Giáo dục

Tháo gỡ "điểm nghẽn" trong cung ứng nhân lực chất lượng cao

08:23, 24/02/2024 (GMT+7)

Sự đồng hành hợp tác giữa nhà trường - doanh nghiệp góp phần tăng cường nguồn lực, cơ sở vật chất đem lại giá trị thụ hưởng cho nguời học. Đây cũng là giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” trong cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động.

Trường Đại học Bách khoa đưa vào sử dụng Phòng Thiết kế vi mạch trong tháng 2-2024. Ảnh: NGỌC HÀ
Trường Đại học Bách khoa đưa vào sử dụng Phòng Thiết kế vi mạch trong tháng 2-2024. Ảnh: NGỌC HÀ

Đẩy mạnh hợp tác

Năm 2023, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) đẩy mạnh hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiêp, đạt được một số kết quả nổi bật. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, góp phần đáp ứng nhu cầu học tập, thực hành của sinh viên. Đáng chú ý, Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghệ Điện tự động Biển Đông (ESTEC) tặng cho nhà trường 4 bộ demo KIT PLC Siemens Simatic S7-1200 để sử dụng trong công tác đào tạo ngành tự động hóa; Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) tài trợ 2 động cơ mô hình và 5 động cơ để sinh viên có thể trải nghiệm và thực hành trực tiếp, tiếp cận gần hơn với công nghệ ô-tô hàng đầu trong nước; Công ty Cổ phần Công nghiệp chính xác Việt Nam (VPIC) tặng Robot TA-1400-GII phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ…

PGS. TS. Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật cho biết, nhằm tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, cuối năm 2023, nhà trường lập đoàn công tác đến thăm và làm việc với các công ty công nghệ tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai. Chuyến công tác đã đạt được một số thỏa thuận, trong đó, các doanh nghiệp như Công ty Siemens Việt Nam, Công ty TNHH Điện tử Foxlink Việt Nam… sẽ hỗ trợ nhà trường trang thiết bị phục vụ cho việc đào tạo trong năm 2024.

“Trong điều kiện cơ sở vật chất các trường đại học còn thiếu thì sự hỗ trợ của doanh nghiệp đã giúp ích rất nhiều cho công tác giảng dạy của các giảng viên trong trường, đồng thời tạo điều kiện để sinh viên nhà trường tiếp cận và nâng cao kỹ năng thực hành với nhiều trang thiết bị hiện đại. Đây là điều cần thiết đối với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”, PGS. TS. Phan Cao Thọ nói.

Đầu tháng 2-2024, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) khánh thành “Không gian đổi mới sáng tạo” (DUT Maker Innovation Space) và Phòng Thiết kế vi mạch (IC Design Lab). Hai dự án này được các đối tác hàng đầu gồm Fujikin Đà Nẵng, FPT Software, Renesas, Cadence, Unitec đầu tư trang thiết bị hiện đại như: bộ kit thực hành, máy in 3D, các máy tính sử dụng tính toán mô phỏng, các dụng cụ đồ nghề… phục vụ hoạt động nghiên cứu, sáng tạo.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa chia sẻ, việc đầu tư cơ sở vật chất của các đối tác doanh nghiệp thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là đối với các ngành tuyển sinh mới như chuyên ngành Vi điện tử - Thiết kế vi mạch được mở ngay trong năm 2024.

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa trải nghiệm tại phòng Thiết kế vi mạch vừa được nhà trường đưa vào sử dụng. Ảnh: NGỌC HÀ
Sinh viên Trường Đại học Bách khoa trải nghiệm tại phòng Thiết kế vi mạch vừa được nhà trường đưa vào sử dụng. Ảnh: NGỌC HÀ

Khơi thông các nguồn lực ngoài ngân sách

Năm 2023, Trường Đại học Duy Tân ký kết hợp tác nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Trong đó, nhà trường ký kết hợp tác với Samsung triển khai dự án Samsung Innovation Campus (SIC). Trong khuôn khổ hợp tác, Samsung Việt Nam tài trợ  một phòng Lab gồm 30 máy tính cấu hình cao, 1 laptop và 1 tivi thông minh, góp phần đảm bảo công tác giảng dạy và phối hợp thực hiện các hoạt động đào tạo của Samsung Việt Nam tại Trường Đại học Duy Tân ngay trong năm học 2023-2024 và những năm tiếp theo.

Ngoài ra, Công ty Suganamu và Công ty CP FORE của Nhật Bản tài trợ cho trường phòng Lab cyber security (phòng Lab về an ninh mạng). Phòng bao gồm trang thiết bị nội thất, 20 laptop cấu hình cao kèm theo một số phần mềm chuyên dụng, 1 server chuyên dụng và nhiều thiết bị mạng khác.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng nhìn nhận, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên các phương diện như: quy mô (nhất là đào tạo sau đại học), trình độ nguồn nhân lực, năng suất lao động còn thấp so với ASEAN. Trước bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế gắn liền với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi nền kinh tế phải thay đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang theo chiều sâu, chỉ có một nền giáo dục đại học phát triển mới cung ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao làm tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, hội nhập.

Theo PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, một trong những giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn đó là khơi thông các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học. Nhà nước với vai trò “bà đỡ” khuyến khích, tạo điều kiện đẩy mạnh hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp để doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo, hỗ trợ nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất góp phần nâng cao chất lượng đào tạo là hết sức quan trọng. Vì vậy, Chính phủ cần bổ sung, hoàn thiện, ban hành các chính sách như về thuế, đất… khuyến khích doanh nghiệp chú trọng tiết kiệm dành nguồn đầu tư mà “điểm đến” là hỗ trợ, đóng góp cho các trường đại học. Các bộ, ngành cần quan tâm tháo gỡ những “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách để khuyến khích các trường tiếp nhận các nguồn tài trợ quốc tế, nhằm tranh thủ thêm nguồn lực để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

NGỌC HÀ

 

.