Đà Nẵng cuối tuần

Môi trường xanh từ những dự án STEM

08:29, 18/02/2024 (GMT+7)

Trước thềm năm mới, thầy cô và sinh viên các Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, Cao đẳng Nghề Đà Nẵng tổ chức phiên chợ 0 đồng với mong muốn mang lại những suất quà yêu thương dành tặng trẻ em và hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn trải nghiệm dự án làm tua bin gió và tái chế giấy tại Không gian sáng chế của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh,  Đại học Đà Nẵng. Ảnh: VNUK cung cấp
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn trải nghiệm dự án làm tua bin gió và tái chế giấy tại Không gian sáng chế của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: VNUK cung cấp

“Truy vết” đường đi của nước

Lần đầu tiên, học sinh Trường THPT Ngô Quyền tìm hiểu về thực trạng nước nhiễm mặn tại thành phố Đà Nẵng. Từ những thí nghiệm hóa học, các em có cơ hội tìm hiểu sâu hơn khái niệm tài nguyên nước, nước ảo và dấu chân nước để áp dụng vào thực hành truyền thông nhận thức cộng đồng.

Em Nguyễn Sơn chia sẻ: “Lần đầu tiên, em biết được cách tính “dấu chân nước” qua việc tính toán lượng nước tiêu thụ ở mỗi hoạt động của con người. Như nước dùng trong nhà vệ sinh mỗi lần khoảng hơn 40 lít, trong khi để sản xuất được 1 chiếc áo cần 2.700 lít nước… Đây là những con số giật mình. Bản thân em có ý thức sử dụng nước hợp lý và tiết kiệm hơn sau buổi học trải nghiệm tại Không gian Sáng chế, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (VNUK, Đại học Đà Nẵng)”.

Bà Đoàn Minh Thu, Giám đốc Không gian sáng chế VNUK cho biết: “Hoạt động này giúp các em nhận thức rõ hơn về tài nguyên nước và cách chúng ta sử dụng nước hằng ngày. Đồng thời, hiểu rõ hơn tác động của việc tiêu thụ nước trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống, từ sản xuất nông nghiệp đến hoạt động kinh doanh. Từ đây mở ra cách tiếp cận mới trong việc giáo dục về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”.

Bài học về ứng dụng thực tế của năng lượng tái tạo đã được “mềm hóa” với dự án lắp mô hình tua bin gió. Dưới sự hướng dẫn của cô Lê Huyền Trang và thầy Đỗ Hoàng Nhơn, 25 học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được khám phá và thực hành sâu về tua bin gió, từ nguyên lý hoạt động cho đến tầm quan trọng của năng lượng gió trong tương lai phát triển bền vững. Mỗi học sinh đã thể hiện sự sáng tạo và kỹ năng tuyệt vời trong việc thiết kế, lắp ráp và tối ưu hóa các mô hình tua bin gió mini để kích hoạt đèn LED.

Với 4 chủ đề: Tái chế giấy, Tái chế nhựa, Năng lượng tái tạo (gió), Dấu chân nước, hơn 400 học sinh bậc THTP ở Đà Nẵng có cơ hội tìm hiểu các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu thông qua các bài học về STEM tại Không gian sáng chế của VNUK. Các học sinh đã chủ động đề xuất những giải pháp cụ thể, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững như thúc đẩy tái chế và sử dụng giấy tiết kiệm hay giải pháp tiết kiệm nước trong sản xuất, sinh hoạt…

Em Nguyễn Hữu Bảo, học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết, những dự án STEM đã giúp em hiểu được tầm quan trọng của việc giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên không tái tạo. Mỗi hành động nhỏ của mỗi cá nhân đều có thể góp phần vào mục tiêu lớn lao hơn - bảo vệ hành tinh của chúng ta.

Xây dựng lối sống xanh

Nguyễn An Nhiên, sinh viên năm thứ 4, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng kể: “Sau chuỗi thử thách “Mỗi ngày một hành động xanh” với chủ đề Tết xanh do Đoàn trường phát động, em ý thức được thói quen hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần như ống hút, cốc nhựa đựng cà phê”.

An Nhiên cũng tận dụng giấy đã in một mặt để làm giấy nháp; phân loại áo quần cũ và đóng gói gửi đến các nhóm thiện nguyện chứ không bỏ đi như trước đây. Tham gia thử thách “Mỗi ngày một hành động xanh” nằm trong chuỗi hoạt động của dự án xây dựng đại học xanh do Trường Đại học Kinh tế triển khai, mục đích ban đầu của Nhiên và nhóm bạn chỉ là để quy đổi nhận thưởng. Thế nhưng, những thông tin thú vị đi kèm tác động tích cực của những hành động nhỏ đối với môi trường được truyền thông hằng ngày qua mạng xã hội đã giúp Nhiên thay đổi nhận thức và tiếp tục duy trì lối sống xanh.

Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu) cũng phát động chương trình đổi vỏ chai nhựa, giấy carton, vỏ lon lấy đồ dùng học tập như bút, tẩy, hình dán ngộ nghĩnh… tùy theo sở thích của học sinh. Chương trình thu hút sự tham gia sôi nổi của phụ huynh và học sinh toàn trường.

Anh Trần Trung Hưng, phụ huynh em Hà Khang, học sinh lớp 1/2, cho biết: “Con tôi rất hào hứng với chương trình phân loại rác để đổi quà. Cả gia đình cùng nhau phân loại sách báo cũ, nhặt nhạnh chai lọ, vỏ hộp sữa… để con tham gia kế hoạch nhỏ. Con đổi được 2 cây bút mực và một cục tẩy, thích quá, thế là cứ cuối tuần lại giục cả nhà phân loại rác thải để đổi quà”.

HÀ TRẦN

.