Giáo dục

Giáo viên "mách nước" cách làm tốt bài thi tốt nghiệp THPT: Bí quyết làm bài Toán, Ngữ văn và tiếng Anh

08:32, 22/06/2024 (GMT+7)

Toán, Ngữ văn và tiếng Anh là 3 môn thi bắt buộc cho học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT, đồng thời xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng năm 2024. Để làm tốt 3 môn này, giáo viên cho rằng học sinh phải có phương pháp ôn tập và làm bài phù hợp.

* Cô Ngô Thị Như Hà, tổ trưởng bộ môn tiếng Anh, Trường THPT Hòa Vang: Đừng bỏ trống bất kỳ câu nào, hãy đoán nếu cần thiết

Kỹ năng làm bài thi rất quan trọng để giúp học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh. Học sinh cần phân bổ thời gian hợp lý từng phần của bài thi, không dành quá nhiều thời gian cho một câu hỏi; đọc kỹ yêu cầu của đề bài, đặc biệt là các câu hỏi chọn đáp án không đúng hoặc câu tìm từ trái nghĩa.

Các em cần làm những câu dễ trước để lấy điểm, sau đó quay lại những câu khó; đừng bỏ trống bất kỳ câu nào, hãy đoán nếu cần thiết. Với phần đọc hiểu, các em đọc qua tất cả các câu hỏi trước khi đọc bài văn; điều này giúp các em biết trước những gì cần tìm kiếm khi đọc văn bản. Đồng thời, ghi nhớ các từ khóa trong câu hỏi và tìm chúng trong bài văn (từ khóa thường là danh từ riêng, số liệu, hoặc các từ có nghĩa đặc biệt); chú ý đến các từ nối (ví dự however, therefore, in addition thường chỉ ra sự thay đổi ý tưởng hoặc kết luận, giúp bạn hiểu mạch lạc của bài văn). Ngoài ra, chú ý đến các từ đồng nghĩa, trái nghĩa trong ngữ cảnh; khi gặp từ mới, cố gắng đoán nghĩa dựa trên ngữ cảnh hoặc phân tích cấu trúc từ.

* Thầy Nguyễn Đình Hòa, tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Trần Phú: Đọc kỹ ngữ liệu

Môn Văn, phần đọc hiểu chiếm 3 điểm (4 câu hỏi), học sinh cần đọc kỹ ngữ liệu và trả lời ngắn gọn, chính xác các câu hỏi. Thời gian để trả lời phần đọc hiểu này khoảng tầm 10 -20 phút. Phần làm văn có 2 phần nhỏ: nghị luận xã hội (2 điểm) và nghị luận văn học (5 điểm). Ở phần nghị luận xã hội thường triển khai một nội dung ở ngữ liệu đọc hiểu. Do đó, các câu trả lời đọc hiểu sẽ là cơ sở để thí sinh phát triển thành đoạn văn nghị luận xã hội.

Khi viết, các em nên triển khai câu mở đoạn chứa yêu cầu của đề (xác định vấn đề cần nghị luận). Sau đó là giải thích vấn đề nghị luận. Sử dụng ít nhất 1 dẫn chứng để chứng minh vấn đề đó tốt hay xấu (đúng hay sai, tích cực hay tiêu cực…). Từ đó, nêu ngắn gọn giải pháp để phát huy mặt tốt, hạn chế mặt xấu… Lồng ghép với bài học nhận thức và hành động. Kết đoạn nhắc lại vấn đề cần nghị luận. Phần này thí sinh làm khoảng 2/3 đến 1 trang giấy thi và thời gian viết khoảng 15 -25 phút.

Phần thời gian còn lại dành cho bài nghị luận văn học. Bài văn phải bảo đảm cấu trúc một bài văn nghị luận với 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài. Trong đó, phần thân bài, thí sinh dựa vào kiến thức chung về tác phẩm để chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm. Lưu ý các luận điểm này cũng bám sát ngữ liệu trích dẫn của đề. Dựa vào ngữ liệu là chính để làm rõ luận điểm. Khi phân tích về nội dung cần đánh giá luôn về nghệ thuật.

* Cô Nguyễn Thị Vân, tổ trưởng bộ môn Toán, Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến: Làm câu dễ, câu mình chắc chắn trước

Đề thi môn Toán gồm khoảng 10 chuyên đề; mỗi chuyên đề đều phân bổ ở mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Câu dễ ở 2 mức độ nhận biết, thông hiểu và thường rơi vào câu hỏi mang tính lý thuyết, chọn công thức đúng hoặc sai, hoặc dùng công thức để tính toán đơn giản. Do đó, các em cần thuộc kỹ khái niệm, các công thức tính mỗi chuyên đề toán.

Các chuyên đề (chủ đề) thường gặp trong đề thi các năm gần đây: ứng dụng đạo hàm (chương 1 sách giáo khoa lớp 12); hàm số lũy thừa, hàm số mũ và hàm số lôgarit (chương 2 sách giáo khoa lớp12); nguyên hàm - tích phân và ứng dụng (chương 3 sách giáo khoa 12); số phức (chương 4 sách giáo khoa 12); khối đa diện (hình học 12); mặt nón, mặt trụ, mặt cầu (hình học 12); phương pháp tọa độ trong không gian (hình học 12); tổ hợp - xác suất (sách giáo khoa 11); dãy số - cấp số cộng - cấp số nhân (Sách giáo khoa 11); quan hệ song song, quan hệ vuông góc trong không gian.

Tùy vào sở trường, thế mạnh, các em làm câu dễ trước, câu mình chắc chắn, câu khó làm sau, tránh sa đà vào câu khó mất nhiều thời gian đến khi hết giờ không làm được các câu dễ. Mỗi câu đọc kỹ từng từ, cụm từ, gạch chân từ khóa để hiểu đúng đề, chú ý cụm từ phủ định trong câu hỏi, câu trả lời, câu đúng sai để tránh chọn nhầm đáp án nhiễu. Làm xong câu nào thì tô vào phiếu trả lời câu đó, tránh để đến cuối thời gian mới tô rất dễ bị rối dẫn đến tô nhầm.

NGỌC HÀ thực hiện

.