Giáo dục

Giáo viên "mách nước" cách làm tốt bài thi tốt nghiệp THPT: "Từ khóa" khá quan trọng trong bài thi môn khoa học xã hội

07:44, 19/06/2024 (GMT+7)

Bài thi tổ hợp khoa học xã hội gồm 3 môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Thông thường, kiến thức cơ bản bám sát chương trình nhưng độ khó tăng dần ở các câu hỏi cấp độ vận dụng và vận dụng cao. Để làm tốt bài thi, nhiều giáo viên cho rằng học sinh nên chú ý “từ khóa” ở mỗi câu hỏi.

* Cô Phan Thị Thúy Nga, giáo viên môn Giáo dục công dân, Trường THPT Nguyễn Hiền: Chú ý câu hỏi ở dạng đúng, sai

Trọng tâm ôn tập là chương lớp 12 và phần kinh tế của chương trình giáo dục công dân lớp 11 (tập trung bài 1 đến bài 5). Giáo dục công dân là môn thi trắc nghiệm với các tình huống thực tế khá nhiều, đề thi dài; do đó, thí sinh cần: nắm vững kiến thức cơ bản của chương trình, chú trọng vào “từ khóa” trong mỗi bài học. Mỗi phần kiến thức sẽ có từ khóa khác nhau nên khi hiểu và nắm được các từ khóa trong bài sẽ giúp các em lựa chọn được phương án trả lời đúng nhất.

Thí sinh cần hệ thống hóa lại kiến thức cơ bản bằng cách xây dựng đề cương với hình thức hỏi-đáp; hoặc theo trình tự bài học, chủ đề hoặc bằng sơ đồ tư duy để có tính xâu chuỗi các mạch kiến thức giúp các em bao quát và dễ hình dung. Đối với những câu hỏi ở cấp độ nhận biết, các em chỉ cần bám sát kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Đối với câu hỏi thông hiểu, học sinh cần đọc kỹ đề, nắm được bản chất của câu hỏi, chú ý dạng câu hỏi khẳng định hay phủ định để tránh nhầm lẫn khi làm bài. Đối với câu hỏi vận dụng và vận dụng cao,  thì các em không chỉ nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa mà còn phải vững các tình huống thực tiễn trong cuộc sống hằng ngày để so sánh, phân tích và liên hệ với đời sống. Điểm mới trong đề minh họa 2024 xuất hiện câu hỏi mới ở dạng đúng, sai. Với dạng câu hỏi này, yêu cầu học sinh nắm vững kiến thức, trong quá trình làm bài cần đọc câu hỏi trước, sau đó đọc thông tin, tình huống sau, đọc đến đâu phân tích đến đó (có thể ghi ra giấy nháp để tránh nhầm lẫn và thông tin gây nhiễu) tránh tình trạng đọc tình huống nhiều lần.

* Cô Trương Thị Thu Trang, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Sơn Trà: Dựa vào từ khóa để tìm câu trả lời

Một cách học mang lại hiệu quả khá cao đó là sử dụng hệ thống từ khóa để ghi nhớ chủ đề. Từ khóa là những từ, cụm từ quan trọng nhất của câu hỏi, giúp học sinh xác định nội dung cần trả lời. Học sinh có thể xác định từ khóa bằng cách đọc kỹ câu hỏi, tập trung chủ yếu vào từ để hỏi, đối tượng được hỏi và nội dung hỏi, chú ý đến các từ in đậm, gạch chân hoặc những từ có ý nghĩa quan trọng. Đặc biệt, học sinh cần đọc kỹ từng câu hỏi để tìm ra từ khóa liên quan đến mốc thời gian, có hai dạng mốc thời gian: bằng số (1930, 1945…) và bằng chữ (sau Chiến tranh thế giới thứ hai, sau Cách mạng Tháng Tám…).

Cứ nhìn thấy mốc thời gian, học sinh khoanh vòng tròn lại để khu biệt kiến thức và tìm dữ kiện, tránh nhầm lẫn với các sự kiện khác. Sau khi đã xác định được từ khóa, học sinh cần tìm đúng thông tin liên quan đến từ khóa đó trong các đáp án cho sẵn. Ngoài mẹo từ khóa về địa điểm, học sinh có thể sử dụng từ khóa về thời gian tương ứng. Ví dụ câu: Trong khoảng thời gian những năm 1976-1979, nhân dân Việt Nam thực hiện một trong những nhiệm vụ nào sau đây? A. Đánh đổ đế quốc và phong kiến. B. Lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế.  C. Thống nhất đất nước về mặt lãnh thổ. D. Thống nhất đất nước về mặt nhà nước, thì học sinh có thể loại A, B (vì có phong kiến - 1945), C (thống nhất đầu năm 1975 với thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh), chỉ còn lại đáp án D.

* Cô Phan Thị Duyên, giáo viên môn Địa lý, Trường THPT Phạm Phú Thứ: Cần nhận diện đúng dạng biểu đồ

Đề thi môn Địa lý có tổng 40 câu trắc nghiệm, trong đó phần nhận biết chủ yếu rơi vào câu hỏi liên quan đến sử dụng Atlat 15 câu. Phần thông hiểu chủ yếu là Địa lý dân cư 2 câu, Địa lý các ngành kinh tế 7 câu. Phần vận dụng và vận dụng cao liên quan chủ yếu đến kiến thức phần Vùng kinh tế 8 câu. Phần Địa lý tự nhiên có 4 câu, trong đó chỉ có 1 câu vận dụng cao, còn lại là nhận biết và thông hiểu 3 câu. Kỹ năng đọc bảng số liệu và biểu đồ có 4 câu.

Đối với những học sinh chỉ cần lấy điểm môn Địa lý để xét tốt nghiệp thì rèn nhiều kỹ năng Atlat và làm bài tập liên quan đến bảng số liệu, biểu đồ. Ngoài ra, ôn kỹ phần địa lý dân cư và địa lý ngành kinh tế. Những học sinh muốn lấy điểm để xét đại học, ngoài các nội dung trên, các em cần dành nhiều thời gian cho nội dung vùng kinh tế, các câu hỏi phần này thường là câu vận dụng, vận dụng cao, chủ yếu hỏi mục đích, ý nghĩa, giải pháp để giải quyết vấn đề kinh tế - xã hội thực tiễn ở mỗi vùng.

Để tránh mất điểm ở những câu hỏi liên quan đến kỹ năng thực hành với bảng số liệu và biểu đồ, các em phải ôn tập kỹ các dạng câu hỏi này, phải hiểu được bản chất, ưu và hạn chế của từng loại biểu đồ khi thể hiện các đối tượng. Ví dụ với đề thi năm 2022-2023, nhiều học sinh không chọn đúng dạng biểu đồ thích hợp và không chọn được tên biểu đồ thích hợp. Bởi vì lâu nay, học sinh chủ yếu làm quen với dạng biểu đồ thích hợp nhất. Do đó, cần quan tâm các bài về biểu đồ vừa có dạng thích hợp vừa có dạng thích hợp nhất.

NGỌC HÀ thực hiện

.