Giáo dục
Học sinh Cơ tu ước mơ giảng đường đại học
Những ngày này, học sinh người Cơ tu ở xã Hòa Phú và Hòa Bắc đang theo học tại Trường THPT Phạm Phú Thứ (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) miệt mài ôn tập để đạt kết quả tốt nhất ở kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.
Giáo viên nhắc nhở học sinh trong làm bài thi môn Địa lý tại buổi phụ đạo của Trường THPT Phạm Phú Thứ. Ảnh: NGỌC HÀ |
Miệt mài học tập
Giữa tháng 6, mặc dù nắng nóng nhưng học sinh lớp 12 Trường THPT Phạm Phú vẫn đến lớp nghe thầy cô phụ đạo để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cùng với các bạn, Nguyễn Thị Thanh Châu (lớp 12/11, thôn Phú Túc, xã Hòa Phú) ghi chép đầy đủ những dặn dò của cô giáo khi làm bài thi môn Địa lý. Thanh Châu chia sẻ, cũng như nhiều gia đình ở Phú Túc, ba mẹ của em làm nông và mong mỏi con cái kiếm cái chữ để sau này có cuộc sống tốt đẹp hơn. Do đó, từ nhỏ em luôn cố gắng trong học tập. Với học lực khá, nổi trội ở các môn xã hội, kỳ thi tốt nghiệp THPT em sẽ nỗ lực đạt kết quả cao nhằm xét tuyển vào Trường Đại học Luật (Đại học Huế). “Ngay từ đầu năm học, với các môn để thi tốt nghiệp như Toán, Anh văn, em tranh thủ tập trung lắng nghe thầy cô giảng bài trên lớp. Với các môn xét tuyển đại học, em dành thời gian ôn tập nhiều hơn ở nhà, nhất là môn Sử vì các mốc thời gian, sự kiện nhiều. Tất cả môn học thi tốt nghiệp, chỗ nào chưa hiểu em đều ghi chú lại, tranh thủ những buổi học phụ đạo, nhờ thầy cô giải thích thêm. Em biết để ước mơ vào giảng đường đại học thành hiện thực, em phải cố gắng nhiều, chuẩn bị một cách tốt nhất cho kỳ thi này”, Châu nói.
Không có điều kiện học thêm như bạn bè cùng trang lứa, Đậu Thị Ngọc Hạnh (lớp 12/11, thôn Phú Túc, xã Hòa Phú) mua gói học trực tuyến khoảng hơn 1,5 triệu đồng/năm học. Hằng ngày, sau buổi học trên lớp, em học theo các bài giảng trên mạng đã đăng ký. Nhưng khó khăn khi học trực tuyến là chỗ nào không hiểu, Hạnh không hỏi trực tiếp được thầy cô, vì thế, em cứ “tua đi tua lại” video để hiểu bài. Nhưng không vì thế mà nản chí, lên lớp Hạnh tranh thủ hỏi thầy cô, bạn bè. “Thầy cô quan tâm, hỏi thăm em nhiều lắm. Sau mỗi buổi học trên lớp, thầy cô nhắn tin hỏi em có cần tài liệu chi không? Chỗ nào không hiểu cứ nhắn tin qua zalo hỏi thầy cô nghe… Ở trên lớp, thầy cô gọi phát biểu nhiều hơn để dễ nhớ bài và giúp sửa chỗ sai. Trong giai đoạn nước rút để thi tốt nghiệp THPT, em học theo livetream trong titok của bạn bè, thầy cô; tự làm các bài tập và luyện đề thi, cố gắng đỗ vào ngành Sư phạm tiểu học Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)”, Hạnh bộc bạch.
Trường là nhà, thầy cô là người thân
Trong giai đoạn học sinh nghỉ hè, khu nội trú của Trường THPT Phạm Phú Thứ chỉ có 7 học sinh đồng bào Cơ tu ở lại để ôn thi tốt nghiệp THPT. Tình cảm, sự quan tâm của thầy cô, nhân viên khu nội trú dành trọn cho các em trước kỳ thi đặc biệt quan trọng này. Điều đó, được thể hiện rõ nét qua bữa ăn mà cô Trần Thị Trước (nhân viên khu nội trú) chuẩn bị cho các em. Khoảng gần 11 giờ trưa, các em kết thúc buổi phụ đạo trở về phòng, thì cô Trước tất bật lo dọn cơm vì sợ các em đói bụng.
Cô Trước nấu ăn cho khu Nội trú cũng gần 20 năm, chứng kiến bao thế hệ học sinh đồng bào Cơ tu miệt mài học hành, đỗ đạt. Cô tâm sự: “Con đường đến trường của các em học sinh Cơ tu là hành trình đầy gian khó, thử thách. Các em cũng thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa nên mình xem như con cháu, thương yêu, chăm sóc. Những ngày trước và trong kỳ thi, chúng tôi cố gắng dành sự quan tâm nhiều hơn, phần nào động viên các em cố gắng vượt qua kỳ thi”.
Trường THPT Phạm Phú Thứ có 11 lớp khối 12 với 429 học sinh (trong đó có 7 học sinh người Cơ tu). Các em ở trong khu nội trú nhà trường, được lo ăn uống và sinh hoạt trong điều kiện học tập tốt nhất; được học phụ đạo miễn phí tất cả môn đăng ký thi tốt nghiệp. Khi kết thúc chương trình phụ đạo, học sinh được trở về nhà nghỉ ngơi một tuần. Sau đó, các em trở lại khu nội trú trước ngày học quy chế thi. Theo thầy Võ Trinh, Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ, ngoài vấn đề chuyên môn, nhà trường nhắc nhở các em học hành, ăn uống đầy đủ và ngủ nghỉ cho đúng giờ để có sức khỏe tốt trong kỳ thi. Ngoài ra, thông qua hỗ trợ gạo của các mạnh thường quân, nhà trường lấy phần kinh phí mua gạo để góp thêm vào tiền ăn, nâng tiêu chuẩn chế độ ăn cho học sinh lưu trú tại đây để tăng cường dinh dưỡng, bảo đảm sức khỏe. “Đây là khóa học sinh Cơ tu thi tuyển vào trường chứ không phải xét thẳng như trước đó nên sức học của các em cũng ổn định. Trong đó, em Nguyễn Thị Thanh Châu đoạt giải Nhì môn Địa lý kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố năm học vừa qua. Chúng tôi luôn động viên các em tự tin, nỗ lực hết mình cho kỳ thi và trúng tuyển vào các trường mà các em mong muốn. Dù thế nào, chúng tôi luôn tự hào về các em”, thầy Trinh chia sẻ.
NGỌC HÀ