Giáo dục

Ngành "hot" còn sức hút?

07:52, 30/08/2024 (GMT+7)

Điểm chuẩn vào các trường đại học thành viên, đơn vị đào tạo thuộc Đại học Đà Nẵng theo phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 tăng so với năm trước. Bên cạnh các ngành “hot”, một số ngành xã hội đang cần cũng thu hút thí sinh.

Thí sinh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Ảnh: NGỌC HÀ
Thí sinh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Ảnh: NGỌC HÀ

Khối ngành kỹ thuật - công nghệ có điểm chuẩn cao nhất là 27,11 điểm (chuyên ngành khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, ngành công nghệ thông tin, đặc thù - hợp tác doanh nghiệp) thuộc Trường Đại học Bách khoa. Khối ngành kinh tế có điểm chuẩn cao nhất 27 điểm (ngành kinh doanh quốc tế) thuộc Trường Đại học Kinh tế. Điều bất ngờ là các ngành sư phạm năm nay có điểm chuẩn khá cao. Cụ thể, khối ngành ngoại ngữ (ngành sư phạm tiếng Anh) thuộc Trường Đại học Ngoại ngữ có điểm chuẩn cao nhất là 27,24 điểm. Khối ngành sư phạm có điểm chuẩn cao nhất là 28,13 điểm (ngành sư phạm lịch sử) thuộc Trường Đại học Sư phạm, đây cũng là ngành có điểm chuẩn cao nhất Đại học Đà Nẵng.

Theo TS. Trần Đình Khôi Quốc, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Đà Nẵng, điểm chuẩn của tất cả ngành đào tạo của Đại học Đà Nẵng năm nay cao hơn năm 2023 trung bình 1,03 điểm, trong đó có 23 ngành giảm điểm chuẩn, hầu hết các ngành còn lại tăng điểm chuẩn so với năm trước. Tại Trường Đại học Bách khoa, ngành kỹ thuật nhiệt, kỹ thuật tàu thủy, kỹ thuật hệ thống công nghiệp tăng 3 điểm, riêng 2 chương trình tiên tiến Việt - Mỹ giảng dạy bằng tiếng Anh là ngành hệ thống nhúng và IoT, ngành kỹ thuật điện tử viễn thông tăng lần lượt là 3,47 và 5,5 điểm.

Trường Đại học Sư phạm có ngành giáo dục mầm non tăng 4,25 điểm, ngành địa lý học (chuyên ngành địa lý du lịch) tăng 4,75 điểm và ngành quản lý tài nguyên và môi trường tăng 5,25 điểm. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật có ngành công nghệ kỹ thuật điện, điện tử (chuyên ngành công nghệ kỹ thuật điện) tăng 5,4 điểm; Trường Y Dược có ngành kỹ thuật xét nghiệm y học tăng 3,3 điểm. Các Trường Đại học Kinh tế, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn có điểm chuẩn trung bình tăng nhưng không đáng kể.

Tất cả chương trình đào tạo mới mở về đào tạo thiết kế chip bán dẫn được tuyển sinh lần đầu trong năm nay đều có điểm chuẩn cao như: ngành công nghệ kỹ thuật máy tính, chuyên ngành thiết kế vi mạch bán dẫn (kỹ sư) của Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn có điểm chuẩn 27 điểm; ngành kỹ thuật điện tử - viễn thông, chuyên ngành vi điện tử - thiết kế vi mạch của Trường Đại học Bách khoa có điểm chuẩn 26,31 điểm; ngành công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông, chuyên ngành thiết kế vi mạch bán dẫn của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật có điểm chuẩn 23,55 điểm.

Phân tích về điểm chuẩn đầu vào các ngành sư phạm cao, PGS.TS. Võ Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, cho rằng do nhu cầu giáo viên dạy các môn học hiện nay rất nhiều, thí sinh dự thi nhiều nhưng chỉ tiêu hạn chế, dẫn đến mức điểm chuẩn cao. Đơn cử như ngành sư phạm lịch sử, năm nay nhà trường chỉ lấy 40 chỉ tiêu.

“Năm học trước, ngành sư phạm lịch sử của Trường Đại học Sư phạm lấy điểm chuẩn cao nhất trường với 27,58 điểm, năm nay điểm ngành này tiếp tục tăng. Thí sinh đạt mỗi môn 9 điểm, nếu không có điểm ưu tiên thì vẫn trượt. Hiện nay học sinh, sinh viên quan tâm rất nhiều đến ngành sư phạm, cùng với những quy định về hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm, lương giáo viên tăng… là những tín hiệu tích cực. Do đó cần mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh cho ngành sư phạm, nếu hạn chế như hiện nay sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt”, PGS.TS. Võ Văn Minh phân tích.

Theo PGS.TS Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đề cập đến đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghệ chip bán dẫn, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, chế tạo linh kiện; chính sách về vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo... Điều này cho thấy nhân lực vi mạch bán dẫn rất cần thiết trong thời gian tới. Tuy nhiên, chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường đối với ngành này trong năm nay chỉ với 60 chỉ tiêu (trong đó, 24 chỉ tiêu là dành cho phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT; 36 chỉ tiêu cho các phương thức còn lại). Độ “hot” của ngành cộng chỉ tiêu ít nên điểm đầu vào của tất cả phương thức xét tuyển đều ở mức 27 điểm.

TS. Trần Đình Khôi Quốc chia sẻ, cùng với kết quả xét tuyển theo các phương thức xét tuyển đã công bố, điểm chuẩn vào các cơ sở đào tạo thành viên của Đại học Đà Nẵng theo phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 thể hiện xu hướng lựa chọn ngành nghề của thí sinh liên quan đến nhu cầu thực tiễn xã hội. Hiện nay, Đại học Đà Nẵng hội đủ hầu hết các ngành/chuyên ngành thuộc các các lĩnh vực đào tạo, nhất là các ngành mũi nhọn như: thiết kế vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, công nghệ tài chính… đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các doanh nghiệp, tỉnh, thành thuộc vùng Bắc Trung Bộ - Duyên hải Trung Bộ, vùng Tây Nguyên cũng như cả nước, chủ động đón đầu, bắt kịp nhu cầu, xu thế trên thị trường lao động và hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên 4.0.

NGỌC HÀ

.