Giáo dục

Đại học Đà Nẵng kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển (1994 - 2024):

Đột phá từ nguồn nhân lực chất lượng cao

07:50, 15/11/2024 (GMT+7)

Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: “phát triển Đà Nẵng thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trung tâm công nghệ cao của cả nước; trung tâm vùng về logistics, du lịch - dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo...”. Đại học Đà Nẵng đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đột phá từ nguồn nhân lực chất lượng cao để thành phố phát triển bền vững.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (thứ 2, bên trái sang), Giám đốc Đại học Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Vũ (thứ 2, bên phải sang) tại sự kiện khai trương Trung tâm Vi mạch bán dẫn và Công nghệ thông minh của Trường Đại học Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn.  Ảnh: QUANG MINH
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (thứ 2, bên trái sang), Giám đốc Đại học Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Vũ (thứ 2, bên phải sang) tại sự kiện khai trương Trung tâm Vi mạch bán dẫn và Công nghệ thông minh của Trường Đại học Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn. Ảnh: QUANG MINH

Theo PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, ngoài những tiềm năng vốn có, Đà Nẵng còn có những tiềm năng, lợi thế lớn mà không phải địa phương nào cũng có được, đó là lợi thế về “thành phố đại học” cần được chú trọng phát huy cao độ.

Thành phố có hệ thống nhiều trường đại học với khoảng hơn 100.000 sinh viên, trong đó Đại học Đà Nẵng có vai trò nòng cốt (hơn 60.000 sinh viên), đạt tỷ lệ bình quân hơn 800 sinh viên/vạn dân, gấp 4 lần cả nước. Về tiềm lực đội ngũ khoa học, Đà Nẵng có khoảng hơn 1.000 giáo sư/phó giáo sư, tiến sĩ (trong đó Đại học Đà Nẵng đóng góp gần 800 nhà khoa học, giảng viên), đây là lực lượng trí thức đông đảo, nhiệt huyết cần có các chính sách thu hút, đãi ngộ để trọng dụng, phát huy hơn nữa.

Chính sách cán bộ của Đà Nẵng nên có tính “mở”, liên thông giữa thành phố với các cơ quan Trung ương, các trường đại học để có thêm nguồn xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý, chuyên gia giỏi, nhất là khi thành phố được Trung ương cho thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Với danh xưng thành phố “đáng sống, đáng đến”, Đà Nẵng nói chung cũng như Đại học Đà Nẵng nói riêng có điều kiện để thu hút nhân tài, học sinh, sinh viên xuất sắc từ mọi miền về học tập, nghiên cứu. Đây thực sự là lực lượng trí thức trẻ, khỏe, năng động, sáng tạo là tiềm năng, lợi thế để Đà Nẵng phát triển trở thành thành phố “đổi mới sáng tạo”. Hằng năm, Đại học Đà Nẵng và các trường đại học trên địa bàn tổ chức hàng trăm sự kiện, hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế, thu hút hàng nghìn nhà khoa học, chuyên gia đến trao đổi học thuật, có thể kết hợp với tham quan, du lịch, góp phần quảng bá Đà Nẵng xứng danh “thành phố sự kiện”.

Về đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành mũi nhọn, Đà Nẵng là thành phố có độ mở lớn về giao thông, giao thương, nằm trên Hành lang kinh tế Đông - Tây, hướng ra cửa ngõ biển Đông; có nhiều điểm tương đồng như Singapore từng thành công nhờ phát triển kinh tế trí thức và đổi mới sáng tạo.

Thời gian qua, lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm, triển khai “Chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn” với sự hưởng ứng, vào cuộc của nhiều trường đại học và doanh nghiệp, trong đó có Đại học Đà Nẵng với bề dày truyền thống, thế mạnh để đào tạo các ngành, lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cao mà không phải cơ sở giáo dục nào cũng có thể đảm nhận. Với 18 lĩnh vực đào tạo (136 ngành đại học, 48 ngành thạc sĩ và 32 ngành tiến sĩ), Đại học Đà Nẵng có hầu hết các ngành đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển vùng và đất nước trong giai đoạn mới để bắt kịp Cách mạng công nghiệp 4.0, như: thiết kế vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, công nghệ tài chính…

Từ đầu năm học 2023-2024, Đại học Đà Nẵng đã tiên phong khởi xướng thành lập Liên minh các đại học hàng đầu đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển ngành mũi nhọn công nghiệp bán dẫn như đề án của Chính phủ vừa ban hành.

Các trường đại học thành viên Đại học Đà Nẵng (Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn) đều mở ngành, đào tạo về thiết kế vi mạch từ năm 2024, tuyển sinh có điểm chuẩn đầu vào khá cao (đơn cử Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn là 27 điểm). Trường Đại học Kinh tế tiên phong đào tạo ngành Công nghệ Tài chính (Fintech) đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực góp phần thu hút đầu tư, phát triển Khu thương mại tự do, Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế.

Để thực sự xứng tầm trung tâm kinh tế - xã hội lớn, Đà Nẵng cần kiến tạo nên môi trường đầu tư, môi trường sống và làm việc có sức hấp dẫn, sao cho mỗi người đều có cơ hội cống hiến và thành công, từ đó thu hút mạnh mẽ nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần thực hiện thành công Kết luận số 79-KL/TW và Nghị quyết số 43/NQ-TW của Bộ Chính trị.

QUANG MINH

.